Bàn giải pháp cấp bách điều hành kinh tế vĩ mô

(23/02/2011)

Gần đây tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp: lạm phát ở các nước trong khu vực tăng cao; giá dầu thô, nguyên vật liệu cơ bản, lương thực, thực phẩm trên thị trường thế giới có xu hướng tăng cao. Ở trong nước, thiên tai, thời tiết tác động bất lợi đến sản xuất và đời sống; giá cả thị trường có chiều hướng tăng mạnh; trong khi một số mặt hàng là đầu vào quan trọng của sản xuất và đời sống như điện, xăng dầu vẫn chưa thực hiện theo giá thị trường đã phát sinh lỗ lớn, làm méo mó các quan hệ thị trường và vượt khả năng chịu đựng của các giải pháp điều tiết trực tiếp. Tình hình nêu trên đang làm tăng nguy cơ bất ổn định kinh tế vĩ mô của nước ta. Do đó,  tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội đang là yêu cầu cấp bách.

Thường trực Chính phủ đã họp và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế-xã hội hiện nay và dự kiến áp dụng các giải pháp điều hành trong một nghị quyết của Chính phủ. Mục tiêu của Nghị quyết này  tập trung để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội  trong năm 2011, tạo môi trường và các điều kiện thuận lợi để hoàn thành cao nhất kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, trong đó sẽ đề cập các nhóm giải pháp điều hành chủ yếu gồm: thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng phối hợp hài hòa giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa chặt chẽ, tiết kiệm, tăng cường quản lý đầu tư công; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, sử dụng tiết kiệm năng lượng, thực hiện lộ trình điều hành giá bán xăng, dầu, điện, theo cơ chế thị trường; tăng cường bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội; đẩy mạnh công tác tư tưởng, thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội.

Tại cuộc họp, các nhà khoa học, chuyên gia đều đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị quyết này, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, và tư vấn cho Chính phủ và các bộ, ngành nhiều giải pháp mang tính dài hạn, bảo đảm nền kinh tế phát triển bền vững, tập trung vào các biện pháp: kiềm chế lạm phát, điều hành tỷ giá linh hoạt, đưa ra các thông điệp mạnh mẽ để ổn định tâm lý doanh nghiệp (DN) và người dân; tăng cường kiểm soát thị trường bất động sản, vàng, ngoại tệ; cắt giảm chi tiêu công, giảm bội chi ngân sách Nhà nước; điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu theo cơ chế thị trường; kêu gọi sự chung tay hành động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; đẩy mạnh tái cấu trúc DN nhà nước, khuyến khích sản xuất, kinh doanh; chống các hiện tượng đầu cơ, gây bất ổn, găm giữ hàng...

Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn và đánh giá cao các ý kiến đóng góp tâm huyết, thiết thực, xác đáng của các nhà khoa học, chuyên gia cho dự thảo Nghị quyết. Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan tiếp thu các ý kiến cụ thể, nghiên cứu, xem xét bổ sung vào Nghị quyết. Thủ tướng nhấn mạnh: Nếu chúng ta đề ra được các giải pháp đồng bộ, thực hiện quyết liệt, nhất quán với sự đồng lòng, quyết tâm từ Chính phủ, các bộ, ngành, DN và người dân thì sẽ giải quyết thành công. Về lãi suất: Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành lãi suất phù hợp để chống lạm phát, đồng thời việc điều chỉnh tỷ giá cũng phải linh hoạt, phù hợp tình hình. Chính phủ sẽ huy động mọi nguồn lực để bảo đảm ổn định tỷ giá ngoại tệ. Kiểm soát chặt, xử lý nghiêm các trường hợp kinh doanh ngoại tệ trái pháp luật, Pháp lệnh Ngoại hối. Tăng cường quản lý chặt chẽ thị trường vàng. Về việc thắt chặt chính sách tài khóa, Thủ tướng nhấn mạnh các biện pháp: Cắt giảm chi tiêu thường xuyên; giảm bội chi ngân sách Nhà nước; cắt giảm các dự án đầu tư công (từ vốn ngân sách, trái phiếu Chính phủ, tín dụng đầu tư phát triển, DN nhà nước). Trong tháng ba tới, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư phải yêu cầu các địa phương, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhà nước tổng hợp, báo cáo danh mục cắt giảm đầu tư.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải bảo đảm phát triển sản xuất, tăng xuất khẩu, kiên quyết giảm nhập siêu, giao Bộ Công thương phấn đấu giảm nhập siêu xuống dưới 16% kim ngạch xuất khẩu trong năm 2011. Thủ tướng nhắc lại việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu (xăng, dầu, điện) giảm bao cấp của Nhà nước gắn với hỗ trợ các hộ chính sách, hộ nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Ðể tạo đồng thuận trong dư luận xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh phải làm tốt công tác thông tin tuyên truyền. Người đứng đầu các bộ, ngành cần giải thích rõ cho dư luận hiểu từng lĩnh vực phụ trách.

Về việc tổ chức thực hiện, Thủ tướng cho rằng, khi đã ban hành Nghị quyết phải triển khai đồng bộ, từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Ðầu tư chủ trì, chịu trách nhiệm, tổ chức giao ban thường xuyên, tổng hợp tình hình thực hiện Nghị quyết, báo cáo kịp thời cho Thường trực Chính phủ.

                             Báo Nhân dân



Các tin đã đưa ngày: