Trước đó, nhằm trợ giúp người nghèo cả nước ổn định cuộc sống, ngày 21-1, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 139/QÐ-TTg, giao Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) từ nguồn dự trữ quốc gia 33.816 tấn gạo hỗ trợ cứu đói cho nhân dân 11 địa phương trong dịp Tết Tân Mão và giáp hạt năm 2011. Tiếp theo, ngày 25-1, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 149/QÐ-TTg, giao Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) từ nguồn dự trữ quốc gia 3.730 tấn gạo hỗ trợ cứu đói cho nhân dân ba địa phương (Yên Bái và Ninh Thuận - mỗi địa phương 1.000 tấn gạo, Ninh Bình: 1.730 tấn) trong dịp Tết và giáp hạt năm 2011.
Những quyết định cụ thể nói trên của Chính phủ đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc và kịp thời của Ðảng, Nhà nước đối với nhân dân, nhất là nông dân, người nghèo, các đối tượng chính sách trong điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn và diễn biến thời tiết khắc nghiệt, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển sản xuất và đời sống. Qua đó, góp phần quan trọng hỗ trợ nhân dân, nhất là người nghèo yên tâm, nỗ lực, từng bước vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất và cuộc sống.
Ngay trước và trong dịp Tết Nguyên đán, nhiều tỉnh đã tổ chức vận chuyển, cấp phát tới tận tay người nghèo, các hộ gia đình chính sách... số lượng gạo cứu đói giáp hạt, góp phần giúp người dân có thêm điều kiện để đón Tết. Tuy nhiên, sau những ngày Tết cổ truyền, để những chính sách, quyết định quan trọng và có ý nghĩa trên tiếp tục được triển khai sâu rộng trong thực tế cuộc sống, để tất cả những người dân có hoàn cảnh khó khăn nhận được sự hỗ trợ cần thiết, kịp thời, các địa phương, bộ, ngành liên quan cần chủ động thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ với tinh thần khẩn trương và chu đáo. Các địa phương cần rà soát, kiểm tra, lên danh sách các hộ nghèo để từ đó việc hỗ trợ bảo đảm công bằng, đúng đối tượng. Tránh hiện tượng người cần thì không được hỗ trợ, người không cần thì lại được, hoặc tình trạng các hộ gia đình có cùng hoàn cảnh nhưng hộ được hỗ trợ nhiều, hộ được hỗ trợ ít. Việc cấp phát gạo hỗ trợ giáp hạt cần được tổ chức công khai, minh bạch, tạo những điều kiện thuận lợi để nhân dân đến nhận, không được gây phiền hà, sách nhiễu. Ðối với những người dân nghèo ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện giao thông khó khăn, cần huy động lực lượng vũ trang, thanh niên tình nguyện đưa gạo đến tận nơi cho bà con. Cần triệt để ngăn chặn tình trạng nhập nhằng, bớt xén, xà xẻo trong quá trình cấp phát gạo cho nhân dân. Những vi phạm xảy ra cần phải được các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh.
Bảo đảm an sinh xã hội là một chủ trương lớn của Ðảng, Nhà nước ta. Trong những năm qua, công tác này đã và đang triển khai thực hiện tốt với hiệu quả cao, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân cả nước. Việc thực hiện nghiêm túc, kịp thời các quyết định của Chính phủ về hỗ trợ giáp hạt cho người nghèo sẽ góp phần quan trọng ổn định kinh tế đất nước, kiềm chế lạm phát, không ngừng củng cố sự tin tưởng của nhân dân đối với các chính sách của Ðảng, Nhà nước. Mặt khác, các địa phương cũng cần có kế hoạch phát triển sản xuất, tạo điều kiện cho người nghèo nâng cao thu nhập, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường của người dân.