Ðáng chú ý là tốc độ tăng GDP cao dần và vững chắc, quý I tăng 5,84%, quý II tăng 6,44%, quý III tăng 7,18%, quý IV ước tăng 7,34%.
Trong điều kiện kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn sau hai năm chao đảo, những thành tựu năm 2010 của nước ta khẳng định Việt Nam đã vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu sớm hơn, vững chắc hơn nhiều nước trên thế giới. Hầu hết các chỉ tiêu quan trọng, các ngành, các lĩnh vực đều đạt tốc độ phát triển cao hơn năm trước. Trong đó, nổi bật là tốc độ tăng xuất khẩu vượt xa chỉ tiêu kế hoạch, cả năm tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 71,6 tỷ USD, tăng 25,5% so với năm 2009 (kế hoạch Quốc hội đề ra là 60 tỷ USD, tăng hơn 6%). Nhập siêu khoảng 12,4 tỷ USD, bằng 17,3% kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn mức kế hoạch 20% và thấp hơn nhiều so với mức 22,5% của năm trước.
Tổng sản phẩm quốc nội GDP của Việt Nam đạt 104,6 tỷ USD, lần đầu tiên vượt mốc 100 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký đạt 18,6 tỷ USD, giảm so với năm 2009, nhưng vốn giải ngân thực tế đạt 11 tỷ USD, tăng 10% so với năm trước; trong đó thu hút đầu tư vào nhóm ngành sản phẩm chế biến vươn lên dẫn đầu với 4,37 tỷ USD vốn đăng ký và số dự án tăng gần 1,5 lần, đây là tín hiệu tốt trong việc từng bước tái cấu trúc lại nền kinh tế, thu hẹp thâm hụt thương mại trong tương lai. Với thu nhập bình quân đầu người đạt 1.168 USD, năm 2010 Việt Nam cũng đã lần đầu ra khỏi nhóm nước thu nhập thấp và chuyển sang nhóm thu nhập trung bình. Ðây là những thành công đặc biệt quan trọng trong nhiệm kỳ của Chính phủ.
Trong bối cảnh vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu mới về kinh tế như nêu trên, ngành tài chính đã có sự đóng góp chủ động và tích cực. Chính sách tài chính - Ngân sách Nhà nước (NSNN) đã được thực hiện nghiêm túc, kịp thời dưới sự chỉ đạo của Ðảng và Chính phủ, theo nguyên tắc chủ động, linh hoạt và thận trọng nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, lấy lại đà tăng trưởng cao, đồng thời kiểm soát nhập siêu, kiềm chế lạm phát. Những giải pháp tài khóa nhằm khắc phục ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu trong năm 2009 như miễn, giảm, giãn thuế đã dừng thực hiện (trừ thuế thu nhập doanh nghiệp đối với một số trường hợp được giãn nộp thêm ba tháng). Phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ tương đối chặt chẽ trong việc điều hành lãi suất, tỷ giá, ngoại tệ và huy động vay của Chính phủ theo tiến độ giải ngân, tránh đọng vốn và bảo đảm giảm chi phí trả lãi, giảm áp lực thị trường.
Về thu ngân sách, kết quả thu ngân sách năm 2010 đạt khá. Tổng thu cân đối NSNN ước vượt hơn 14,4% so với dự toán, tăng 19,4% so với năm 2009. Riêng thu nội địa từ hoạt động sản xuất, kinh doanh ước vượt 8,6% so dự toán và thể hiện rõ xu hướng tăng tỷ trọng trong tổng số thu NSNN. Các địa phương đều thu nội địa đạt và vượt dự toán được giao. Ðây là nỗ lực phấn đấu lớn của các cấp, các ngành và các địa phương.
Về chi ngân sách, đã bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ chi theo dự toán được duyệt và xử lý các nhiệm vụ cấp bách phát sinh như phòng, chống, khắc phục thiên tai, dịch bệnh; tăng chi an sinh xã hội, đầu tư nâng cấp đê kè, bổ sung dự trữ quốc gia, bảo đảm các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh... Tổng kinh phí NSNN chi cho an sinh xã hội năm 2010 ước khoảng hơn 72.000 tỷ đồng, tăng hơn 5.000 tỷ đồng so với năm 2009. NSNN đã chi cho công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh trong năm 2010 khoảng 5.400 tỷ đồng... góp phần ổn định và cải thiện đời sống nhân dân, đặc biệt là đối với người nghèo, đồng bào vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.
Giải ngân vốn đầu tư XDCB năm 2010 đạt khá hơn so với các năm trước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao hiệu quả chi NSNN. Ước thực hiện cả năm giải ngân đạt 92 - 95% dự toán; vốn trái phiếu Chính phủ đạt 100% dự toán.
Nhờ có tăng thu, tiết kiệm chi nên trong điều hành chẳng những bảo đảm các nhiệm vụ chi theo dự toán, tăng chi an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh... mà còn giảm bội chi ngân sách từ mức 6,2% GDP dự toán xuống còn 5,8% GDP, góp phần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia.
Ngành tài chính tích cực phối hợp các ngành, địa phương tiếp tục đổi mới, sắp xếp, cổ phần hóa DNNN. Tính đến hết năm, cả nước đã thực hiện sắp xếp được 5.846 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp, trong đó: cổ phần hóa 3.944 doanh nghiệp, chuyển đổi sang công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 261 doanh nghiệp và sáp nhập, hợp nhất, giao bán, khoán 1.902 doanh nghiệp.
Trong năm 2010, ngành Tài chính thực hiện rà soát và xác định lại còn 769 thủ tục hành chính (trong đó riêng lĩnh vực thuế, hải quan 498 thủ tục), qua đó đã kiến nghị đơn giản hóa đối với 543 thủ tục, đạt tỷ lệ 70,6%. Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát trong quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước ở các Bộ, ngành, địa phương được tăng cường; các đơn vị thanh tra tài chính đã kiểm tra hơn 2.500 đơn vị, qua đó đã phát hiện, kiến nghị xử lý về tài chính hơn 3.395 tỷ đồng, đồng thời, kiến nghị sửa đổi, bổ sung nhiều cơ chế, chính sách, chấn chỉnh công tác quản lý tài chính.
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng trong năm qua vẫn còn một số hạn chế: chất lượng giám sát kê khai thuế chưa cao, vẫn còn trường hợp kê khai không đúng, không đủ, hạch toán sai lệch kết quả tài chính để trốn lậu thuế; tình trạng bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp bố trí vốn đầu tư dàn trải chưa được khắc phục và xử lý triệt để; tình trạng xin ứng vốn của các bộ, địa phương rất lớn, tạo áp lực cho việc điều hành tài chính - NSNN và ổn định kinh tế vĩ mô; một số đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước; cơ chế quản lý tài chính doanh nghiệp còn chồng chéo; công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán nhà nước đối với tập đoàn, tổng công ty còn trùng lắp; hiệu quả sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại nhiều tập đoàn, tổng công ty chưa cao.
Kết quả thực hiện năm 2010 đã góp phần hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ của tài chính - NSNN theo Nghị quyết Ðại hội X và kế hoạch 5 năm 2006-2010. Quy mô thu, chi NSNN năm 2010 gấp khoảng 2,5 lần so với năm 2005. Cơ cấu thu cải thiện, tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN tăng từ mức 52% năm 2006 lên hơn 64% năm 2010, góp phần tăng tính chủ động và ổn định của NSNN; đã bố trí tăng chi các lĩnh vực quan trọng, như giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, văn hóa thông tin, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh...; cơ cấu chi đang thay đổi theo hướng tăng chi mạnh hơn cho con người, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, tăng đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tiềm lực dự trữ quốc gia được tăng cường (giá trị hàng dự trữ năm 2010 gấp ba lần năm 2005).
Bảo đảm tăng trưởng nhanh và bền vững
Căn cứ tình hình thực tế và dự báo trong thời gian tới, Chính phủ đã chỉ đạo: Năm 2011 thực hiện mục tiêu hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát bảo đảm tốc độ tăng GDP 7-7,5% . Trước hết, nhận thức rõ năm 2011 là năm đầu thực hiện Nghị quyết Ðại hội Ðảng khóa XI, kế hoạch 5 năm 2011 - 2015, chiến lược 10 năm 2011 - 2020, là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo đà tăng trưởng nhanh và bền vững cho cả giai đoạn. Quán triệt chủ trương đó, toàn ngành tài chính tiếp tục nâng cao nhận thức, triển khai sớm và có hiệu quả các mặt công tác sau:
Ðịnh hướng chính sách tài khóa trong năm là tiếp tục chủ động, linh hoạt và thận trọng nhằm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trong tình hình mới.
Về quản lý điều hành NSNN: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách thu NSNN; tăng cường quản lý, chống thất thu; đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, xử lý nợ đọng, gian lận thuế; tăng cường cải cách thủ tục hành chính thuế. Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua dự toán NSNN năm 2011 với tổng thu NSNN 595.000 tỷ đồng, tăng 12,7% so ước thực hiện năm 2010, trong đó, dự toán thu nội địa từ hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng 19,3%. Ðây là mức dự toán tích cực, đòi hỏi phấn đấu nỗ lực để hoàn thành.
Dự toán chi NSNN năm 2011 được Quốc hội thông qua là 725.600 tỷ đồng, bội chi NSNN bằng 5,3% GDP. Ngoài ra, còn phát hành 45.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ để đầu tư cho các dự án thuộc các mục tiêu giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế và xây dựng ký túc xá sinh viên. Ðể thực hiện tốt chức năng quản lý chi, ngành tài chính tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngân sách; tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra để nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN cũng như các nguồn tài chính công khác. Thực hiện huy động các nguồn vốn vay của Chính phủ trên cơ sở tiến độ giải ngân, tránh đọng vốn, tăng chi phí trả lãi. Trong điều hành, phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi để giảm bội chi ngân sách xuống thấp hơn mức Quốc hội đã quyết định. Duy trì các chỉ số nợ ở mức an toàn, bảo đảm sử dụng vốn vay có hiệu quả, trả nợ đầy đủ, đúng hạn, giữ uy tín trong các cam kết quốc tế. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động vay vốn của các DNNN, bảo lãnh vay của Chính phủ ...
Về quản lý giá, thực hiện nhất quán mục tiêu cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước, triển khai có hiệu quả các giải pháp để đạt mục tiêu kiềm chế tốc độ tăng giá tiêu dùng năm 2011 không quá 7%. Ðể đạt mục tiêu đó, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa cơ quan Nhà nước với các doanh nghiệp và người dân và cần phải tập trung ngay từ đầu năm, đặc biệt dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Tăng cường kiểm soát chi NSNN, tạm dừng các khoản chi chưa thật sự cấp bách, nội dung không thiết thực (như chi tổng kết, liên hoan, hội nghị, đoàn vào, đoàn ra, chi mua sắm tài sản...). Tiếp tục triển khai các biện pháp cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ, không để thiếu hàng, sốt giá, trước hết là các mặt hàng thiết yếu; tăng cường kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, gian lận thương mại; quản lý việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, kiểm soát chặt chẽ chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hóa.
Về quản lý doanh nghiệp, tiếp tục thực hiện chủ trương của Ðảng, Nhà nước về sắp xếp, đổi mới các DNNN; hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý Nhà nước đối với tài chính doanh nghiệp; đẩy mạnh việc sắp xếp, cổ phần hóa, cơ cấu lại các DNNN; tăng cường thanh tra, kiểm tra đánh giá, giám sát chặt chẽ tài chính doanh nghiệp. Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, điều chỉnh lộ trình sắp xếp, đổi mới các DNNN, trên cơ sở đó kiểm tra và đôn đốc các doanh nghiệp thuộc diện sắp xếp khẩn trương triển khai thực hiện, gắn với việc bán đấu giá hoặc niêm yết, đăng ký giao dịch qua thị trường chứng khoán, trong đó tập trung vào các doanh nghiệp lớn. Về phía các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng cần phải đẩy mạnh rà soát lại ngành nghề kinh doanh, danh mục đầu tư, cơ cấu tổ chức và cơ chế hoạt động để điều chỉnh cho phù hợp; cắt giảm hoặc dừng việc mua, xây dựng trụ sở mới, đất đai, bất động sản, phương tiện, thiết bị phục vụ gián tiếp sản xuất kinh doanh để tập trung nguồn lực cho các dự án có hiệu quả, cần thiết cho xã hội; củng cố năng lực quản trị doanh nghiệp, tăng cường kiểm soát rủi ro tài chính.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách tài chính theo hướng tăng tính tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp, khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước và mở rộng diện xã hội hóa các dịch vụ theo hướng từng bước tính đủ chi phí; đồng thời Nhà nước có chính sách trợ giúp đối với các đối tượng gia đình chính sách, người có công với cách mạng, người nghèo... Ðây là một trong những vấn đề mấu chốt của việc tái cơ cấu ngân sách, thực hiện cải cách tiền lương trong thời gian tới.
Năm 2011 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong chặng đường phát triển mới của đất nước, với nhiều khó khăn, thuận lợi, thách thức và thời cơ đan xen nhau. Quán triệt chủ trương của Ðảng, Nhà nước và sự chỉ đạo của Chính phủ, phối hợp công tác chặt chẽ với các ngành, các cấp, tranh thủ sự đồng thuận của các doanh nghiệp và nhân dân, toàn ngành tài chính nhất định hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao ở cấp độ cao hơn thành tựu đã đạt được trong năm qua.
Vũ Văn Ninh
Ủy viên T.Ư Ðảng Bộ trưởng Tài chính
| Kết quả công tác thu ngân sách năm 2010 (Do ngành thuế thực hiện) Tổng số thu nội địa 400.800 tỷ đồng, vượt 11% chỉ tiêu pháp lệnh và tăng 21,4% so với năm 2009. Trong đó: - Thu từ dầu thô 70.800 tỷ đồng, vượt 6,8% dự toán pháp lệnh và tăng 17% so với năm 2009. - Thu nội địa trừ dầu 330.000 tỷ đồng, vượt 12% dự toán pháp lệnh và tăng 22,4% so với năm 2009. - Thu nội địa trừ dầu, trừ tiền sử dụng đất 295.000 tỷ đồng, vượt 8,6% dự toán pháp lệnh và tăng 26,4% so với năm 2009. Phân theo khu vực kinh tế và nguồn thu: - Khu vực DNNN trung ương 83.125 tỷ đồng, vượt 7,4% dự toán pháp lệnh và tăng 26,4% so với năm 2009. - Khu vực DNNN địa phương 24.937 tỷ đồng, vượt 12% dự toán pháp lệnh và tăng 37,9% so với năm 2009. - Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 60.823 tỷ đồng, vượt 5,3% dự toán pháp lệnh và tăng 20,1% so với năm 2009. - Khu vực công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh 65.785 tỷ đồng, vượt 4,8% dự toán pháp lệnh và tăng 37,5% so với năm 2009. - Thuế thu nhập 23.361 tỷ đồng, vượt 26,5% dự toán pháp lệnh và tăng 63% so với năm 2009. - Thuế sử dụng đất nông nghiệp 44 tỷ đồng, vượt 40,9% dự toán pháp lệnh và chỉ bằng 66,4% so với năm 2009. - Tiền sử dụng đất 35.000 tỷ đồng, vượt 52,2% dự toán pháp lệnh và giảm 3,5% so với năm 2009. - Thuế nhà đất 1.282 tỷ đồng, vượt 12,7% dự toán pháp lệnh và tăng 6,9% so với năm 2009. - Tiền cho thuê đất 2.665 tỷ đồng, vượt 19,8% dự toán pháp lệnh và tăng 2,3% so với năm 2009. - Phí xăng dầu 10.568 tỷ đồng, vượt 7,1% dự toán pháp lệnh và tăng 17,9% so với năm 2009. - Lệ phí trước bạ 10.596 tỷ đồng, vượt 15,1% dự toán pháp lệnh và tăng 9,7% so với năm 2009. - Phí, lệ phí 7.549 tỷ đồng, vượt 9,1% dự toán pháp lệnh và giảm 1,4% so với năm 2009. - Thu khác ngân sách 2.609 tỷ đồng, vượt 9,5% dự toán pháp lệnh và chỉ bằng 66,1% so với năm 2009... Cơ cấu thu NSNN tiếp tục chuyển biến tích cực, thể hiện xu thế nền kinh tế ngày càng hiệu quả hơn: tỷ trọng thu nội địa tăng từ 61% năm 2009 lên 62,5% năm 2010, trong đó thu từ lĩnh vực sản xuất kinh doanh chiếm 72%, tăng 28,7% so với năm ngoái; 15/15 khoản thu, sắc thuế đạt và vượt dự toán, 8/15 khoản thu tăng so với năm trước, nổi bật là thu từ khu vực dân doanh tăng tới 37,5%; 63/63 tỉnh, thành phố thu đạt và vượt dự toán và tăng so với năm ngoái. Về quy mô, có 17 tỉnh, thành phố đạt số thu nội địa hơn 3.000 tỷ đồng, 25 tỉnh có số thu từ hơn 1.000 đến 3.000 tỷ đồng, 15 tỉnh có số thu từ 500 đến 1.000 tỷ đồng, chỉ còn 6 tỉnh có số thu dưới 500 tỷ đồng. Xét chung giai đoạn 2006-2010, tổng số thu tăng khoảng 2,5 lần so với 5 năm 2000-2005, số tỉnh, thành phố có quy mô thu NSNN hơn 500 tỷ đồng tăng từ 41 lên 58, đến năm 2010 có 11 tỉnh, thành phố tự cân đối được ngân sách và có điều tiết số thu về ngân sách trung ương. Năm 2011, toàn ngành thuế phấn đấu hoàn thành vượt mức hơn 5% dự toán thu NSNN được Quốc hội phê chuẩn; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tiến trình cải cách hành chính, hiện đại hóa công tác thuế, phục vụ tốt mục tiêu Chính phủ đề ra là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm tăng trưởng kinh tế - xã hội bền vững. |
Báo Nhân dân