Bảo đảm tăng trưởng bền vững

(24/01/2011)

Ðể đạt được mục tiêu quan trọng này, đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng; kiểm soát thị trường ngoại tệ, vàng phù hợp, hiệu quả; kiểm soát tốc độ tổng phương tiện thanh toán ở mức 21 đến 24%, tốc độ tăng trưởng tín dụng khoảng 23%, lãi suất huy động và cho vay của các tổ chức tín dụng giảm dần (lạm phát kiểm soát được ở mức 7%), bảo đảm nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh. Thực hiện các giải pháp giảm bội chi ngân sách Nhà nước (NSNN) xuống còn 5,3% GDP và giảm dần trong các năm sau, kiểm soát chặt chi tiêu của NSNN. Từng bước giảm tỷ lệ huy động vào ngân sách so với GDP, đồng thời áp dụng quyết liệt biện pháp chống thất thu. Kiểm soát giá cả, bảo đảm ổn định thị trường bằng các biện pháp tăng cường quản lý thị trường, giá cả, nhất là đối với nhóm hàng hóa thiết yếu cho nhu cầu đời sống nhân dân; xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, đầu cơ, gian lận thương mại... Kiểm soát nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán; mở rộng thị trường, tăng mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu, nhất là hạn chế nhập khẩu đối với những mặt hàng xa xỉ, không cần thiết.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng là đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Nền kinh tế đạt được những thành tựu lớn trong năm qua, nhưng cũng bộc lộ những hạn chế, trong đó có vấn đề  cơ cấu tăng trưởng. Ðiều này đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải rà soát khả năng phát triển thị trường, triển vọng, hiệu quả kinh doanh của các sản phẩm chủ yếu, từ đó hoạch định chiến lược phát triển sản phẩm giai đoạn 2011-2020. Ðổi mới cơ bản và toàn diện cơ chế đầu tư xây dựng; điều chỉnh cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao, tăng cường đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực. Khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực công nghệ cao, tiêu tốn ít năng lượng, ít ảnh hưởng môi trường. Ðẩy mạnh cải cách, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, rà soát, củng cố, nâng cao năng lực của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước cùng với hoàn thiện cơ chế quản lý, kiểm tra, thanh tra, giám sát, đề cao trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước.

Cùng với việc phát triển kinh tế, vấn đề chăm lo, bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội, giải quyết một số vấn đề về xã hội và môi trường có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo đảm ổn định chính trị xã hội và phát triển bền vững. Cộng đồng quốc tế đánh giá cao Việt Nam làm tốt công tác an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, hoàn thành sớm các Mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs) của LHQ. Do đó, trong năm nay, Ðảng và Nhà nước quyết tâm triển khai mạnh các biện pháp an sinh xã hội, chăm lo giáo dục, y tế, giảm nghèo tại các địa phương, nhất là các vùng có tỷ lệ hộ nghèo và số hộ cận nghèo cao, gắn giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho lao động nông thôn, bảo đảm giảm nghèo, thoát nghèo bền vững. Chú trọng công tác phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính. Rà soát, hoàn thiện cơ chế phân cấp quản lý giữa trung ương và địa phương, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của địa phương cùng với tăng cường kiểm tra, giám sát của cấp trên và chịu trách nhiệm của cấp dưới, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, khoáng sản, tài chính, ngân hàng, đầu tư công... Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý phát triển theo quy hoạch, bảo đảm yêu cầu liên thông giữa các ngành, các vùng.

 
             Báo Nhân dân



Các tin đã đưa ngày: