Việt Nam là quốc gia đầu tiên được Liên hợp quốc chọn để triển khai chương trình REDD để xây dựng căn cứ nhằm mở rộng chương trình ra toàn cầu, đối phó hiệu quả với biến đổi khí hậu...
Thu hút đồng bào tham gia
Trong buổi giao lưu giữa đoàn công tác gồm đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), ngài đại sứ Vương quốc Na Uy tại Việt Nam và các tổ chức của Liên hợp quốc với chính quyền huyện Di Linh và đồng bào dân tộc K'Ho thuộc xã Bảo Thuận, huyện Di Linh (Lâm Ðồng), bà con đến từ rất sớm, mang theo nhiều chương trình biểu diễn đặc sắc. Buổi giao lưu thu hút hơn 300 đồng bào, có người đạp xe hơn chục km để tham gia. Buổi giao lưu này diễn ra nhân dịp Ban quản lý chương trình REDD tại Việt Nam (viết tắt là UN REDD) sơ kết sáu tháng triển khai công tác tham vấn người dân về chương trình này.
Cơn mưa rừng đột ngột ào xuống không làm giảm không khí sôi nổi của buổi giao lưu. Sau màn biểu diễn văn hóa cồng chiêng và những bài hát về Tây Nguyên do các chàng trai, cô gái K'Ho thể hiện, hầu hết đồng bào có mặt đều sôi nổi phát biểu ý kiến. Họ muốn tìm hiểu rõ hơn về UN REDD - điều mà sáu tháng qua, các tuyên truyền viên của chương trình đã đến các thôn bản, thông qua các cuộc họp thôn để cung cấp thông tin cho bà con hiểu về biến đổi khí hậu, các biện pháp bảo vệ rừng nhằm đối phó biến đổi khí hậu. Anh K'Breo, Trưởng thôn Ka La Tơn Gu phát biểu đầu tiên. Ông bảo, người dân trong thôn đã biết rừng là tài sản quý, nhiều năm nay đã hạn chế phá rừng, đốt rẫy. Ông muốn đại diện cho bà con hỏi về điều kiện, chính sách và chế độ cho người dân khi toàn thôn tham gia hưởng ứng chương trình UN REDD? Còn chị Ka Rê, đến từ thôn Ka La Tô K'Riêng thì nói rằng, hằng ngày, gia đình chị và bà con đều lên rừng trồng cây, chăm sóc, ăn ngủ, giữ rừng, nay nếu tham gia dự án, người dân có được trả phí? và phí là bao nhiêu? Ðây cũng là ý kiến chung của hầu hết bà con muốn các "lãnh đạo cấp cao" (từ dùng của bà con) giải thích rõ ràng hơn về chương trình. Lần lượt đại diện tổ chức UNDP, ngài đại sứ Vương quốc Na Uy tại Việt Nam, Bộ NN và PTNT và chương trình UN REDD lên trả lời bà con, giải thích về UN REDD. Những năm qua, tình trạng mất rừng và suy thoái rừng tạo ra từ 15 đến 20% tổng lượng khí thải nhà kính do các hoạt động của con người gây ra trên phạm vi toàn cầu, vì vậy giữ rừng chính là tự bảo vệ mình. Chương trình UN REDD, đến tháng 11-2009 đã có chín nước đăng ký tham gia. Việt Nam là quốc gia đầu tiên được chọn thí điểm thực hiện chương trình do Chính phủ Na Uy tài trợ 4,5 triệu USD. Và tỉnh được chọn chính là Lâm Ðồng với hai huyện Di Linh và Lâm Hà. Theo bà Phạm Minh Thoa, Giám đốc chương trình UN REDD, trong giai đoạn này chương trình tập trung nâng cao năng lực công tác bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên thiên nhiên, thu hút người dân tham gia để họ tin tưởng và sẵn sàng hưởng ứng chương trình UN REDD. Kết quả của chương trình thí điểm này sẽ là căn cứ để chương trình UN REDD triển khai ra diện rộng trên toàn thế giới. Khi chương trình UN REDD triển khai chính thức, bà con tham gia giữ rừng sẽ được hỗ trợ về tài chính để nâng cao thu nhập. Còn ngài đại sứ Vương quốc Na Uy thì cho biết, kết quả của giai đoạn này là tương đối khả quan. Kết thúc giai đoạn này, chương trình sẽ tính toán mức hỗ trợ người dân cụ thể cũng như kiến nghị để Chính phủ Việt Nam xây dựng Chương trình UN REDD quốc gia.
Theo ông Phạm Mạnh Cường, Trưởng nhóm REDD quốc gia tại Việt Nam, ước tính có hơn 5.000 người dân của 20 xã tại hai huyện này đã được các tuyên truyền viên của chương trình, thông qua 78 cuộc họp thôn, bản tham vấn các hoạt động của chương trình UN REDD, được cung cấp thông tin về biến đổi khí hậu, về cách bảo vệ rừng, tác dụng của tăng lượng khí các-bon, giảm phát thải nhà kính.
Vui mừng nhất trong buổi giao lưu là các tuyên truyền viên của chương trình. Ðó là những thanh niên còn trẻ. Họ nhiệt tình tham gia dự án vì "vừa có thu nhập, vừa có điều kiện giữ gìn những cánh rừng quê hương". Lâm Sung, chàng trai vừa tốt nghiệp Ðại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh là một tuyên truyền viên cho biết và kể thêm, đội tuyên truyền viên của huyện Di Linh gồm bảy người, lần lượt đi 48 thôn, bản để họp và tham vấn về UN REDD cho người dân. Anh Sung cho biết, qua các cuộc họp, chỉ một số người dân còn nghi ngờ về mục tiêu của chương trình, còn đa số đều bày tỏ hưởng ứng và hy vọng REDD sớm được triển khai chính thức. Ka Nhộp, cô gái tuyên truyền viên người K'Ho mà tôi gặp khi đang phát quà cho các em nhỏ của xã Bảo Thuận thì nói rằng, công việc tham vấn cho người dân cũng đơn giản. Bản thân cô, gia đình và người trong thôn Ka Ta Nhốp của cô đã nhiều năm nay không còn lên rừng chặt gỗ tự do nữa. "Giữ được rừng là giữ cho cuộc sống của chính mình thêm ấm no".
Hạn chế phá rừng
Thực tế, ở huyện Di Linh, không phải ở nơi nào, ý thức về giữ rừng, quý rừng của đồng bào cũng tốt như ở xã Bảo Thuận. Dẫn chúng tôi đi thăm thực địa tại Tiểu khu 719, Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh Lê Viết Phú cho biết, do địa bàn rộng, đội ngũ cán bộ lâm nghiệp, kiểm lâm thiếu nên khó ngăn chặn tình trạng nhân dân lén lút chặt phá rừng làm nương rẫy. Tiểu khu 719 là rừng tái sinh thuộc diện 2a, 2b. Ðiểm chúng tôi đến thăm là khu đồi thuộc địa bàn xã Gia Bắc, những cây gỗ to cỡ thân người bị chặt, đốt ngổn ngang. Ðồng bào từ các khu dân cư lân cận tự do chặt, đốt để trồng ngô. Chủ tịch UBND xã Gia Bắc K'Vững cho biết, toàn xã có khoảng 200 ha rừng đã giao cho Công ty Lâm nghiệp Di Linh quản lý bị bà con chặt phá. Phó Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Di Linh Nguyễn Văn Tâm than thở: "Chúng tôi phối hợp UBND xã phạt hành chính nhiều lần rồi nhưng do thiếu người kiểm tra nên thật khó để ngăn chặn. Trong khi, thu nhập chính của đồng bào ở đây là từ nương rẫy, diện tích lại rất ít. Nếu kiên quyết thu hồi lại diện tích rừng này, nhiều gia đình không còn đất để trồng ngô".
Di Linh nằm trên vùng đất ba-zan màu mỡ, có tổng diện tích tự nhiên hơn 162 nghìn ha, trong đó, có 47 nghìn ha đất nông nghiệp. Theo đồng chí Phú, thì Di Linh có 11 xã có rừng với diện tích rừng hiện có 95.342 ha, là điều kiện thuận lợi để thực hiện UN REDD. Toàn huyện có 11 ban lâm nghiệp xã và sáu cụm kiểm lâm địa bàn. Những năm gần đây, huyện đã giao khoán 39,528 ha rừng và đất rừng cho người dân bảo vệ. Tuy nhiên, nạn phá rừng làm nương rẫy và cháy rừng vẫn còn xảy ra khá thường xuyên. Vì thế, việc ra đời sáng kiến REDD và việc triển khai Chương trình UN REDD tại huyện được coi là một cơ hội phát triển rừng bền vững.
Sau khi thực tế các điểm triển khai UN REDD tại Di Linh, ông Christophe Bahuet, Quyền Giám đốc quốc gia UNDP tại Việt Nam khẳng định, điểm đáng chú ý của Chương trình UN REDD tại Việt Nam là sự hợp tác rất hiệu quả giữa các cơ quan của Liên hợp quốc (FAO, UNDP, UNEP), Bộ NN và PTNT và chính quyền tỉnh Lâm Ðồng. "Tôi nghĩ đây là một cơ chế hợp tác hiệu quả cần nhân rộng. Chúng tôi hy vọng sớm có thể chi trả phí bảo vệ rừng thí điểm cho các hộ dân tham gia UN REDD, sẽ đề xuất cho Chính phủ Na Uy xem xét tài trợ. Lâm Ðồng có tới 40 dân tộc thiểu số, chiếm 40% số hộ nghèo trong tỉnh, thu nhập chủ yếu của họ phụ thuộc vào rừng. Hy vọng rằng, UN REDD sẽ sớm được triển khai, mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân cũng như góp phần tích cực vào việc hạn chế hậu quả của biến đổi khí hậu.
Chia tay bà con K'Ho, trên đường về Hà Nội, trong đầu tôi vẫn cứ vang lên điệp khúc dữ dội của bài hát mà hai chàng trai người K'Ho đã hát trong buổi giao lưu: Ôi! xác xơ rừng xanh, còn đâu những suối nguồn/Vạn lời hát trong tôi khát khao: Trả lại rừng xanh vốn có ban đầu.
Báo Nhân dân