Ðối phó với những diễn biến bất thường của thời tiết

(19/07/2010)

Nhiều cơn bão có hướng di chuyển phức tạp, cường độ gió cũng lớn hơn nhiều và thay đổi thất thường, làm cho việc dự báo để chủ động phòng, chống gặp rất nhiều khó khăn. Ở khu vực Bắc Bộ và Nam Bộ, nhiều năm nay không có lũ lớn, nhất là ở hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình. Các tỉnh Trung Bộ liên tục phải hứng chịu nhiều cơn bão mạnh, kèm theo mưa to, lũ lớn. Cả ba khu vực bắc, trung, nam mùa mưa đều kết thúc sớm. Hầu hết các tháng trong mùa khô, lượng mưa thiếu hụt so với trung bình nhiều năm. Do ảnh hưởng của hiện tượng En Ni-nô, ở các tỉnh thuộc bắc Trung Bộ và Bắc Bộ mùa mưa kết thúc ngay từ đầu tháng 10-2009. Các tháng trong mùa đông có nhiệt độ cao hơn mức trung bình nhiều năm, lượng mưa các tháng cũng thấp hơn, làm cho hạn hán nghiêm trọng xảy ra ngay từ đầu vụ đông xuân và kéo dài cho đến nay do mùa mưa bão đến muộn khoảng một tháng so với quy luật. Các đợt nắng nóng lịch sử xảy ra ở Bắc Bộ và Trung Bộ gần hai tháng qua, cùng với mùa mưa đến muộn đã làm cho hàng trăm nghìn ha lúa đông xuân, hè thu ở khu vực này thiếu nước tưới, trong đó có khoảng 50 nghìn ha ở các tỉnh Trung Bộ có khả năng mất trắng, hàng chục nghìn gia đình gặp khó khăn về nước sinh hoạt.

Theo các nhà khoa học khí tượng, hiện nay đang ở vào thời kỳ trung tính, từ En Ni-nô sang La Ni-na. Trong khoảng một, hai tháng tới, sẽ xảy ra mưa, bão nhiều hơn. Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư cho biết, các cơn bão ở vào thời kỳ này có khả năng đổ bộ vào các tỉnh Trung Bộ nhiều hơn. Do đó, các tỉnh Trung Bộ và Tây Nguyên cần thực hiện các giải pháp tích cực nhất trong việc phòng, chống bão, lũ, nhất là giảm tới mức thấp nhất thiệt hại do lũ quét và sạt lở đất gây ra. Ở vùng đồng bằng, trung du Bắc Bộ, sau nhiều năm không xảy ra bão to, lũ lớn, hệ thống đê sông, đê biển tuy đã được nâng cấp đáng kể, nhưng chưa được thử thách trước thiên tai, cho nên chưa bộc lộ hết các điểm xung yếu. Riêng hệ thống đê sông ở các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa, sau nhiều năm không có lũ lớn, nắng nóng kéo dài cho nên đất thân đê, bãi sông đều khô, khi gặp nước mưa to, lũ lớn dễ gây sạt lở.

Ðể chủ động đối phó với những diễn biến bất thường của thời tiết, các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá và theo dõi những diễn biến xấu của hệ thống đê, kè, cống để chủ động sửa chữa, gia cố. Kiên quyết giải tỏa các bãi chứa vật liệu trong hành lang bảo vệ đê và trên các bãi sông. Các tỉnh miền núi phía bắc, vùng núi Thanh Hóa cần có kế hoạch chủ động sơ tán dân ra khỏi vùng có nguy cơ lũ quét và sạt lở đất. Ðối với các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An, cần triển khai các giải pháp bảo vệ, ứng cứu, sửa chữa đê biển, đề phòng nước biển dâng cao, sơ tán dân khi cần thiết. Có kế hoạch bảo đảm an toàn cho người và tàu, thuyền ở nơi neo đậu tránh bão, giảm thiệt hại về người và phương tiện do bão gây ra. Làm tốt công tác phòng, chống theo phương châm "bốn tại chỗ" và luôn chủ động ứng phó thì mới có thể giảm nhẹ được thiệt hại do thiên tai gây ra.
 
                  Báo nhân dân


Các tin đã đưa ngày: