Mở rộng diện tích giống đậu tương DT 2008 cho năng suất cao

(27/07/2010)

Mô hình sản xuất giống đậu tương chịu hạn DT2009 tại xã Trung Giã (Sóc Sơn, Hà Nội)

Qua số liệu khảo nghiệm sản xuất giống đậu tương chịu hạn DT 2008 trên bảy vùng sinh thái khác nhau, như ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, miền núi phía bắc, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Ðông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, giống đậu tương DT 2008 có khả năng thích ứng rộng, chịu hạn tốt, năng suất cao, gấp từ 1,5 đến hai lần so với giống đối chứng DT 84 và các giống khác như ngô, lạc, lúa khi canh tác cùng điều kiện khó khăn. Năng suất trung bình của giống này sau khi khảo nghiệm đạt từ 18 đến 35 tạ/ha. Giống đậu tương chịu hạn DT 2008 do Viện Di truyền Nông nghiệp chọn tạo bằng phương pháp lai kết hợp đột biến từ năm 2002, giống triển vọng qua hơn ba năm thử nghiệm (2007 - 2010) và được đặt tên DT 2008. Với mục tiêu đóng góp cơ cấu giống cây trồng mới phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác, từ năm 2009 đến 2010, Viện Di truyền Nông nghiệp hợp tác với một số huyện của TP Hà Nội như: Chương Mỹ, Sóc Sơn, Mê Linh... để chuyển giao mô hình trồng giống đậu tương chịu hạn DT 2008.

Trao đổi với chúng tôi, PGS, TS Mai Quang Vinh, chuyên gia chọn tạo giống đậu tương Việt Nam thuộc Viện Di truyền nông nghiệp cho biết: Ðặc điểm nổi bật của giống này là có khả năng chống chịu tổng hợp với các điều kiện khó khăn trên đồng ruộng như: úng, hạn, nóng, lạnh và đất nghèo dinh dưỡng; đồng thời chống chịu với một số bệnh hại do nấm và vi khuẩn gây ra như: gỉ sắt, sương mai, phấn trắng, đốm nâu vi khuẩn, lở cổ rễ. Ở vụ xuân, giống DT 2008 có thể gieo sớm hơn từ 20 đến 30 ngày so với lịch thời vụ; chịu được rét, hạn, bệnh đầu vụ và nóng, úng ngập cuối vụ. Do được gieo sớm cho nên thời gian thu hoạch giống này tương đương với các giống ngắn ngày khác. Ở vụ hè thu, giống DT 2008 có thể chịu được nóng, mưa úng đầu vụ khi gieo hạt; rét, bệnh cuối vụ ở miền núi. Còn ở vụ đông sớm, giống DT 2008 chịu được úng ngập đầu vụ, rét, bệnh cuối vụ và thích hợp với đất hai vụ lúa. Ðến nay, giống DT 2008 đang được đưa vào khảo nghiệm quốc gia và triển khai sản xuất tại 16 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội có diện tích đất nông nghiệp 326 ha, trong đó đất cao thường xuyên bị hạn chiếm 40%. Hằng năm, người dân nơi đây vẫn chủ yếu luân canh cây trồng trên diện tích này bằng các giống lạc, ngô, rau... trong điều kiện canh tác chủ yếu nhờ nước trời cho nên năng suất thấp. Vụ xuân năm 2010, Viện Di truyền Nông nghiệp phối hợp cùng UBND xã Trung Giã tổ chức triển khai sản xuất thử nghiệm một số mô hình giống đậu tương chịu hạn mới DT 2008. Kết quả cây phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao hơn giống đối chứng DT 84.

Theo PGS, TS Mai Quang Vinh, qua theo dõi giống đậu tương đột biến chịu hạn DT 2008 ở các vùng sinh thái cho thấy, cây sinh trưởng khỏe, phân nhiều nhánh, số quả trên cây cao (trung bình 40 quả/cây); hệ rễ khỏe, có nhiều nếp sần cho nên vừa có khả năng chịu hạn vừa có khả năng cải tạo đất tốt hơn các giống khác. Ðây là giống có thể trồng ba vụ/năm; thích hợp với các vùng trung du, bán sơn địa và các tỉnh miền núi trong vụ đông xuân luôn thiếu nước tưới. Kết quả theo dõi, đánh giá trong suốt quá trình sinh trưởng phát triển của giống đậu tương DT 2008 tại Sóc Sơn cho thấy cây mọc đều, sinh trưởng khỏe, chiều cao cây gấp đôi DT 84; khả năng phân cành mạnh, trung bình 3,5 cành/cây, trong khi đó DT 84 ít phân cành (0,9 cành/cây). Thời gian sinh trưởng của giống đậu tương DT 2008 khoảng 110 ngày, dài hơn DT 84 17 ngày nhưng không ảnh hưởng tới thời vụ gieo trồng tại địa phương. Qua khảo nghiệm, giống đậu tương DT 2008 trên phạm vi cả nước năng suất thực thu trung bình đạt 23,55 tạ/ha, sản lượng gấp ba lần so với giống DT 84. Hiệu quả kinh tế cao với lãi thuần lên tới 23 triệu đồng/ha (gấp gần sáu lần giống DT 84, gấp 1,7 lần lúa xuân và hai lần lạc xuân cùng trà).

Chị Sái Thị Hoàng ở thôn An Lạc, xã Trung Giã (Sóc Sơn, Hà Nội) tâm sự: Trước đây gia đình chủ yếu trồng lạc, ngô trên đất cao hạn, năng suất và giá trị kinh tế rất thấp. Vụ vừa rồi sau khi được UBND xã Trung Giã hỗ trợ 50% giống, 35% thuốc bảo vệ thực vật, cùng với sự hướng dẫn kỹ thuật của Viện Di truyền nông nghiệp, cho nên gia đình đã trồng hai sào thử nghiệm và kết quả thật bất ngờ. Chị tính: một sào ngô trước đây cùng mức đầu tư như đậu tương, năng suất đạt khoảng 100 kg/sào, nếu nhân với giá 5.000 đồng/kg, thì gia đình thu về được 500 nghìn đồng. Nhưng vụ này gia đình thu hoạch từ giống đậu tương chịu hạn DT 2008 được hơn một triệu đồng/sào vì giá đậu tương cao gấp đôi so với giá ngô và năng suất cũng đạt xấp xỉ 100 kg/sào.

Mặc dù giống đậu tương chịu hạn DT 2008 có nhiều ưu điểm, nhưng quá trình chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật cho người dân của các nhà khoa học Viện Di truyền nông nghiệp còn gặp không ít khó khăn do tính bảo thủ và trình độ tiếp thu tiến bộ kỹ thuật mới của người nông dân còn thấp. Người dân quan niệm, cây lúa, cây lạc mới là cây trồng chính ở vụ xuân vì nhiều năm trước họ thu nhập  từ cây đậu tương giá trị kinh tế không cao. Do đó, nhiều vùng trồng đậu tương còn manh mún, không tập trung, dẫn tới việc áp dụng những thành quả nghiên cứu và phổ biến tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
 
                  Báo nhân dân


Các tin đã đưa ngày: