Cách làm ở Ða Krông
Nắng nóng kéo dài kết hợp gió tây nam thổi mạnh nhiều tháng qua làm nguồn nước trên các con sông, dòng suối hai huyện miền núi Ða Krông và Hướng Hóa cạn khô. Dọc con đường 9, tuyến đường Hồ Chí Minh, qua các xã vùng cao Húc Nghì, Tà Long, Ba Nang, A Ngo, A Bung... những đồi ngô, sắn, cà-phê, hồ tiêu sém cháy dưới cái nắng chang chang. Phía cuối dốc con đường mòn mấy bản, làng trước mặt, thấp thoáng mấy chiếc a chói (gùi cỡ lớn) oằn trên lưng mấy chị em và trẻ nhỏ cõng can nhựa đầy nước từ suối lên.
Ða Krông nằm trong số 62 huyện nghèo nhất nước. Huyện thành lập từ năm 1997 với 14 xã, thị trấn, trong đó đồng bào người Pa Cô và Vân Kiều chiếm tới hơn 80% dân số, chủ yếu bám nương làm rẫy. Mấy năm qua, nhiều xã, bản, làng chịu thiệt hại nặng nề do bão lũ, thiên tai khắc nghiệt, tác động trực tiếp công việc sản xuất và đời sống nhân dân. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện bước vào vụ sản xuất đông xuân với những diễn biến phức tạp của thời tiết, thiên tai dịch bệnh tiếp tục đe dọa cuộc sống người dân nhiều xã, bản, đặc biệt khó khăn, xã biên giới. Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ trong tình hình như vậy, đồng chí Ðinh Văn Lý, Phó Giám đốc Ban quản lý Ðề án giảm nghèo nhanh và bền vững huyện Ða Krông, cho biết: Trong quá trình triển khai, huyện luôn xác định xóa đói, giảm nghèo nhanh, bền vững là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy đảng, sự chỉ đạo sâu sát, cụ thể và đồng bộ của các cấp chính quyền, hơn nữa có sự phối hợp, giám sát tích cực của các tổ chức đoàn thể. Vấn đề quan trọng làm sao phát huy vai trò làm chủ của người dân từ khâu xây dựng kế hoạch đến tổ chức thực hiện, giám sát, nâng cao ý thức trách nhiệm, tính chủ động của người dân.
Thời gian qua, huyện tổ chức nhiều hội nghị triển khai, tập huấn, hướng dẫn về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở đến các cơ quan, đơn vị, đến tận thôn, xã. Qua khảo sát, số hộ nghèo đề nghị được trợ giúp nhà là 517 hộ, số hộ có nhu cầu vay vốn 481 hộ, số hộ tự xây dựng nhà ở là 120 hộ, 372 hộ đề nghị được giúp đỡ xây dựng nhà. Cụ thể, mỗi căn nhà được Nhà nước trợ giúp bảy triệu đồng, Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) trợ giúp năm triệu đồng, Ngân hàng Chính sách - Xã hội cho vay ưu đãi tám triệu đồng. Vừa qua, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 492 căn nhà đáp ứng yêu cầu "ba cứng" (khung cứng, nền cứng, mái cứng), giúp bà con vào nhà mới trước mùa mưa bão.
Qua tìm hiểu tại huyện nghèo Ða Krông cũng như một số địa phương khác, cho thấy: Việc tổ chức thực hiện bước đầu mang lại hiệu quả các nội dung, chính sách của Chính phủ về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với những huyện có số hộ nghèo hơn 50%. Trong điều kiện nguồn vốn có hạn, một số nơi đã bố trí nguồn vốn phù hợp, thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án để phát huy hiệu quả cao nhất, tránh dàn trải, manh mún và thất thoát. Tại huyện Ða Krông, thời gian qua địa phương đã kêu gọi một số dự án giảm nghèo như Chương trình Phát triển nông thôn do Chính phủ Phần Lan tài trợ, kêu gọi nguồn tài trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và các tổ chức phi chính phủ khác như Plan, Oxfam (Hồng Công, Trung Quốc)... tham gia quá trình phân tích, đánh giá và hỗ trợ hộ nghèo theo nhu cầu của chính đối tượng từ cơ sở.
Theo lãnh đạo huyện Ða Krông, các phương thức tiếp cận đối với người nghèo của các dự án có điểm chung là tìm hiểu cặn kẽ cách làm ăn, mong muốn của người dân. Từ đó, tìm ra "lõi" vấn đề, tìm mẫu số chung giải quyết nhu cầu của đối tượng nghèo tại hộ gia đình, không áp dụng "cào bằng" cho cả cộng đồng. Tuy nhiên, qua trao đổi ý kiến với cán bộ huyện, xã ở Ða Krông bày tỏ năng lực đội ngũ cán bộ cơ sở là một trong những vấn đề khó khăn hiện nay. Ðội ngũ cán bộ xã chuyên trách và bán chuyên trách của huyện khoảng 260 người, hầu hết chưa được đào tạo, vì vậy sẽ gặp khó khăn xử lý thông khi tin, triển khai nội dung công tác xóa đói, giảm nghèo.
- Ðể khắc phục, chúng tôi đã lập đề án tăng cường lực lượng tri thức trẻ tình nguyện, cán bộ khoa học - kỹ thuật, cán bộ chủ chốt về tăng cường cho tất cả các xã trong năm nay. Ðồng chí Ðinh Văn Lý nói.
Sức mạnh tổng hợp
Chung quanh một số vấn đề đặt ra trong quá trình triển khai, lãnh đạo một số địa phương, chúng tôi có dịp đến công tác, tìm hiểu thực tế ở các huyện Ða Krông (Quảng Trị), Mường Tè (Lai Châu), Yên Minh, Ðồng Văn (Hà Giang) cho rằng: Nghị quyết 30a còn quá nhiều nội dung, bao trùm hầu hết các lĩnh vực nên công tác triển khai đồng loạt các nội dung đó rất khó khăn. Hơn nữa, tại cấp cơ sở, nhận thức của một bộ phận nhân dân và cán bộ về chủ trương thực hiện chương trình còn hạn chế, tiến độ triển khai thực hiện các chính sách còn chậm. Việc triển khai vừa qua mới tập trung chủ yếu phát triển cơ sở hạ tầng và xóa nhà tạm, các cơ chế chính sách khác chưa thật sự được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức, thậm chí có nơi chưa triển khai. Nhận thức và trách nhiệm của cán bộ cấp huyện, nhất là ở cấp xã, thôn, bản cũng như nhận thức của người dân hạn chế, vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại. Ðồng chí Pả Nưm, cán bộ thôn ở xã Ba Nang (huyện Ða Krông), chia sẻ: Chủ trương "30a" thì lớn, nhưng để tiếp cận người dân, để hộ nghèo biết được, hiểu được 30a, rồi tự mình vươn lên là một quá trình. Lâu nay bà con chỉ biết Chính phủ cho cái này, cho cái khác, mà chưa tự tìm cho mình mô hình làm ăn hiệu quả, lâu dài...
Theo số liệu báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến hết tháng 6 vừa qua, 62 huyện trên cả nước đã hoàn thành công tác xóa 74.951 nhà dột nát giúp hộ nghèo. Trong năm 2010, các doanh nghiệp cam kết giúp đỡ các huyện nghèo với tổng kinh phí hơn 420 tỷ đồng, tập trung giúp đỡ các đối tượng hộ nghèo, gia đình chính sách, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, học sinh nghèo, thuộc diện cử tuyển... Thực hiện chính sách đặc thù, 18 huyện thuộc bảy tỉnh Hà Giang, Ðiện Biên, Sơn La, Lào Cai, Bắc Cạn, Kon Tum và Lâm Ðồng đã giao khoán hơn 247 nghìn ha rừng cho các hộ, cộng đồng dân cư quản lý. Tám huyện Mường Ảng (Ðiện Biên); Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Ðồng Văn, Hoàng Su Phì, Xín Mần (Hà Giang); Pác Nặm (Bắc Cạn); Sơn Ðộng (Bắc Giang) đã hỗ trợ lần đầu giống cây trồng rừng sản xuất cho các hộ dân... Công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động các huyện đặc biệt khó khăn là vấn đề được nhiều người quan tâm. Tại huyện nghèo Ða Krông trung bình có tám trong số mười lao động làm nông nghiệp chưa qua trường, lớp đào tạo, chưa được tập huấn bài bản về khoa học - kỹ thuật. Vừa qua, huyện đã xây dựng đề án trung tâm dạy nghề, theo đó mỗi năm đào tạo được 500- 600 lao động, phấn đấu giải quyết lao động khoảng 1.000 người/năm. Ðây sẽ là hướng mở và cơ hội mới đối với bà con các dân tộc thiểu số vùng miền núi Quảng Trị trong tương lai khi đất nước trong thời kỳ hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.
Vùng đất rộng lớn phía tây Quảng Trị vừa trải qua những ngày nắng hạn. Xác xơ những cánh đồng lúa, vạt ngô ở các xã ven đường, lác đác mấy thửa ruộng cằn khô bị bỏ hoang. Dẫu vậy, ông Pả Hải, Trưởng thôn biên giới của xã Ba Nang giáp vùng đất A Sóc, huyện Tù Muồi, tỉnh Xa-la-van nước bạn Lào; rồi Phó Chủ tịch UBND xã Húc Nghì Hồ Văn Ngọc, lại cười rất tươi khi nói chuyện con em đi xuất khẩu lao động. - Ban đầu còn sợ, còn ngại. Chừ thấy con em đi gửi tiền về đều đều, bà con miềng vui lắm. Sắp tới, Húc Nghì có sáu đứa người Vân Kiều sang lao động ở Ma-lai-xi-a. Làm rẫy mần chi có tiền triệu để dành!
Ðiều đó thật mới mẻ đối với bà con bản, làng xa xôi heo hút trên vùng núi rừng đại ngàn Trường Sơn bao đời làm rẫy chưa hết đói nghèo. Năm 2009, 218 thanh niên các xã trong huyện tham gia các khóa đào tạo xuất khẩu lao động. Trong số đó, có 96 con em người Pa Cô, Vân Kiều sang làm việc tại thị trường Nhật Bản, Trung Ðông và Ma-lai-xi-a. Sáu tháng đầu năm nay, 340 thanh niên đăng ký đợt đào tạo mới...
Báo Nhân dân