Mô hình mới sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao

(21/09/2009)

Trong số các mô hình canh tác mới được triển khai, nổi bật là mô hình đưa quy trình sản xuất, giống lúa mới HT9 và SH2 tại huyện Chương Mỹ của Trung tâm giống cây trồng Hà Nội đang mở ra triển vọng gắn kết"ba nhà", ứng dụng tiến bộ KHKT trên đồng ruộng.

VỤ mùa năm 2009, Trung tâm giống cây trồng Hà Nội cùng Công ty cổ phần lương thực Hồng Hà và hợp tác xã Ðồng Phú (Chương Mỹ, Hà Nội) thực hiện chuyển giao tiến bộ KHKT, liên kết sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao HT9 và SH2, tạo mô hình điểm trong hợp tác"ba nhà"(nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) trên diện tích 50 ha. Trong đó, Công ty cổ phần lương thực Hồng Hà chịu trách nhiệm trợ giúp nông dân một số khâu sản xuất, như giống, cam kết thu mua 100% lượng lúa sản xuất ra, bảo đảm có lợi cho nông dân bằng việc thu mua sản phẩm với tỷ lệ cao bằng 120% - 130% giá lúa Khang dân bán trên thị trường. Trung tâm cử cán bộ kỹ thuật chỉ đạo quy trình sản xuất, quản lý chất lượng lúa bảo đảm cho năng suất cao, sản phẩm đạt chất lượng tốt. Hợp tác xã Ðồng Phú và nông dân bảo đảm sản xuất tập trung, thực hiện đúng quy trình kỹ thuật từ khâu gieo mạ, cấy, chăm sóc bón phân và phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch lúa... và bảo đảm bán tối thiểu 70% lượng lúa sản xuất được cho Công ty cổ phần lương thực Hồng Hà. Giám đốc Trung tâm giống cây trồng Hà Nội Nguyễn Bá Sướng cho biết, cái khó khi triển khai mô hình là thời tiết vụ mùa xảy ra nắng nóng kéo dài, một số khu vực bị hạn cục bộ; một số hộ vẫn bị ảnh hưởng phương pháp canh tác truyền thống. Tuy nhiên, việc triển khai mô hình tại Ðồng Phú chính là lựa chọn vùng sản xuất nông nghiệp truyền thống, nhất là bà con nông dân thường xuyên sản xuất lúa hai vụ/năm, cần cù, chịu khó. Mặt khác, việc đưa tiến bộ KHKT, giống mới vào sản xuất nhằm tạo vùng nông sản hàng hóa với sự liên kết"ba nhà"đã kích thích bà con nông dân mạnh dạn thử nghiệm, chuyển đổi tập quán canh tác cho nên mô hình thu hút được đông đảo xã viên tham gia thực hiện. Mô hình sản xuất lúa hàng hóa mới được cán bộ kỹ thuật Trung tâm giống cây trồng hướng dẫn chi tiết, nông dân tuân thủ nghiêm ngặt. Quy trình sản xuất với thời gian gieo mạ, làm đất, giữ nước mặt ruộng, xuống đồng cấy mùa, mật độ 45-50 khóm/m2, với mỗi khóm hai đến ba rảnh được thực hiện đồng đều. Việc sử dụng phân chuồng từ 300kg đến 400 kg, cân đối tỷ lệ đạm u-rê, lân, ka-li phục vụ bón lót, bón nhử, bón thúc, bón đón đòng cho mỗi sào Bắc Bộ và quá trình chăm sóc quản lý nước, làm cỏ phòng trừ sâu bệnh đều được cán bộ kỹ thuật chuyển giao cho bà con nông dân ứng dụng đúng quy trình sản xuất.

Kết quả, sau hơn ba tháng đưa giống mới HT9 và SH2 với quy trình kỹ thuật canh tác mới vào gieo cấy vụ mùa cho năng suất, chất lượng cao. So với giá bán lúa khang dân đại trà, thì mỗi ha lúa HT9 và SH2 cho hiệu quả cao hơn từ 2,4 triệu đến 3,36 triệu đồng. Theo đánh giá của một số chuyên gia nông nghiệp, hai giống lúa HT9 và SH2 có dạng cây gọn, lá đòng cứng, đẻ nhánh khá, chống chịu tốt với một số loại sâu bệnh, bông to, hạt nhỏ, mầu vàng sáng, tỷ lệ gạo nguyên cao, cơm dẻo, thơm nhẹ, vị đậm, không nát...

Có thể nói, mô hình liên kết"ba nhà"  ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại huyện Chương Mỹ tạo tiền đề cho việc phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững, hiệu quả cao, giúp doanh nghiệp ổn định được nguồn lương thực đầu vào, từ đó chủ động trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, giúp bà con nông dân phát triển sản xuất phù hợp đặc điểm canh tác, nâng cao thu nhập trên một diện tích canh tác. Ðặc biệt, thông qua liên kết"ba nhà"góp phần quan trọng giúp nông dân thay đổi tập quán canh tác, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ KHKT và yên tâm vào đầu ra ổn định của sản phẩm nông nghiệp, mở ra hướng đi thích hợp, tạo vùng nông sản hàng hóa, phát triển bền vững cho nông nghiệp Thủ đô.
 
 
                    Báo Nhân dân


Các tin đã đưa ngày: