Việt Nam hao phí năng lượng gấp 2 lần thế giới

(21/09/2009)

Sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo tờ trình của Chính phủ và thảo luận dự án Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Theo Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, được thiên nhiên ưu đãi và có gần như tất cả các nguồn tài nguyên năng lượng, nhưng khả năng khai thác, chế biến và sử dụng ở nước ta còn hạn chế. Giai đoạn 2010-2020 có thể xuất hiện sự mất cân đối giữa khả năng cung cấp và nhu cầu sử dụng các nguồn năng lượng nội địa, và Việt Nam chuyển từ nước xuất khẩu thành nước nhập khẩu năng lượng, mức độ phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu ngày một tăng.

Bộ trưởng Hoàng cũng cho hay, tình trạng lãng phí năng lượng ở nước ta rất lớn. Hiệu suất sử dụng nguồn năng lượng trong các nhà máy điện đốt than, dầu chỉ đạt 28-32%, thấp hơn so với các nước phát triển 10%; hiệu suất các lò hơi công nghiệp chỉ đạt khoảng 60%, thấp hơn mức trung bình của thế giới chừng 20%.

Ảnh: Hoàng Hà.

Mùa hè vừa qua, việc cắt cúp điện thường xuyên, kéo dài do quá tải

đã khiến người dân khốn đốn. Ảnh: Hoàng Hà.

 Theo Bộ Công thương, cường độ năng lượng trong công nghiệp của Việt Nam cao hơn Thái Lan và Malaysia khoảng 1,5-1,7 lần (tức là để làm ra một giá trị sản phẩm như nhau, nước ta phải tiêu tốn năng lượng gấp 1,5-1,7 lần). Tỷ lệ giữa tăng trưởng nhu cầu năng lượng so với tăng trưởng GDP của Việt Nam lên đến 2 lần, trong khi ở các nước phát triển tỷ lệ này là dưới 1.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp sản xuất xi măng, thép, sành sứ, đông lạnh... của nước ta có thể đạt trên 20%; lĩnh vực xây dựng dân dụng, giao thông vận tải có thể lên tới trên 30%; khu vực sinh hoạt và hoạt động dịch vụ tiềm năng tiết kiệm cũng không nhỏ. Chi phí bỏ ra để tiết kiệm 1 kWh điện năng ít hơn nhiều so với chi phí đầu tư để sản xuất ra 1 kWh trong các nhà máy điện.

Ngoài ra, do hơn 80% nguồn năng lượng nước ta sử dụng nhiên liệu hóa thạch, nhiên liệu có nguồn gốc hữu cơ nên quá trình cháy nhiên liệu nói riêng và hoạt động năng lượng nói chung đều là những nhân tố lớn tham gia gây ô nhiễm môi trường. "Việc sử dụng năng lượng tạo ra khoảng 25% lượng phát thải CO2 và khoảng 15% tổng lượng khí nhà kính. Nếu tiết kiệm sử dụng năng lượng cũng có nghĩa là giảm thiểu tác động xấu đến môi trường", ông Hoàng nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Đặng Vũ Minh cũng cho rằng, cần thiết phải ban hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu...

"Để tạo ra 1.000 USD GDP, nước ta phải tiêu tốn khoảng 600 kg dầu quy đổi, cao gấp 1,5 lần so với Thái Lan và gấp 2 lần mức bình quân của thế giới. Ngành điện mỗi năm phải tăng trưởng đến 14-15% mới đáp ứng được yêu cầu tăng 6-8% GDP, trong khi bình quân thế giới, để tăng 1% GDP cũng chỉ tăng 1,2-1,5% năng lượng tiêu thụ", ông Minh đưa ra dẫn chứng.

Về nguyên nhân gây lãng phí và sử dụng không hiệu quả năng lượng, theo ông Minh là do công nghệ lạc hậu; điện bị cắt giảm thường xuyên; hệ thống thiết bị, đường dây truyền tải ở một số khu vực đã quá cũ, chưa được thay thế; mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chưa đặt ra đúng tầm quan trọng; công tác quản lý sử dụng năng lượng còn nhiều bất hợp lý...

Hao phí trên đường truyền tải đổ hết vào giá điện cho người dân. Đó có phải là lãng phí không?
Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng: "Hao phí trên đường truyền tải đổ hết vào giá điện cho người dân. Đó có phải là lãng phí không?". Ảnh: Hoàng Hà.

 

Góp ý về dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cho rằng, việc tách rời khai thác, sản xuất và sử dụng năng lượng là không hợp lý. Sản xuất phải gắn liền với sử dụng bởi nếu sản xuất thừa thì tiết kiệm mấy cũng không hiệu quả.

Cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho hay, không nước nào có Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm mà chỉ là Luật quản lý và sử dụng năng lượng hiệu quả. "Cách tiếp cận như thế này thì không phải. Đạo luật này đọc lên chả có ý nghĩa gì. Nếu có thì nên gọi là Luật Quản lý và sử dụng năng lượng tiết kiệm để thấy được vai trò của Bộ Công thương", ông Thuận nói.

Khẳng định việc khai thác và sử dụng là quy trình khép kín, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng cần xem xét lại phạm vi điều chỉnh của Luật. "Tôi kỳ vọng dự án luật này sẽ giải quyết được nhiều vấn đề nhưng đọc thì thấy có nhiều điểm chung chung, tưởng rằng đó là chương trình quốc gia về tiết kiệm năng lượng chứ không phải là luật", ông Hiển bày tỏ.

Đứng ở góc độ người dân, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho biết, ai cũng mong muốn sử dụng năng lượng hiệu quả trong khi tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản của chúng ta hiện nay rất lãng phí.

"Ngành điện thiếu điện nên cắt, người dân dùng ít điện cũng tiết kiệm nhưng tính hiệu quả thì chưa chắc đã có. Hao phí trên đường truyền tải đổ hết vào giá điện cho người dân. Đó có phải là lãng phí không? Nếu chỉ khoanh lại trong phạm vi sử dụng thì không thỏa đáng", ông Vượng cho biết thêm.

Theo dự án Luật, Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội vì mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; Đẩy mạnh nghiên cứu phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo...

Các phương tiện, thiế bị sử dụng năng lượng sẽ được quản lý chặt chẽ để từng bước nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng thông qua hoạt động dán nhãn tiết kiệm năng lượng. Tiến tới loại bỏ dần các trang thiết bị, công nghệ tiêu tốn năng lượng. Chuyển giao công nghệ sử dụng nhiên liệu tái sinh, nhiên liệu sinh học trong giao thông vận tải...

Bên cạnh việc khuyến khích người dân sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, dự án Luật cũng chỉ rõ, các cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách Nhà nước phải xây dựng phương án tiết kiệm năng lượng, báo cáo tình hình tiêu thụ hằng năm...

                            VnExpress



Các tin đã đưa ngày: