Cường quốc dầu mỏ trước thách thức mới

(21/09/2009)

Trong những năm gần đây, Chính phủ A-rập Xê-út luôn đưa ra chính sách củng cố nền kinh tế vĩ mô, lĩnh vực tài chính, thực hiện cải cách cơ cấu nhằm thúc đẩy tăng trưởng thành phần kinh tế tư nhân.
Trong những năm gần đây, Chính phủ A-rập Xê-út luôn đưa ra chính sách củng cố nền kinh tế vĩ mô, lĩnh vực tài chính, thực hiện cải cách cơ cấu nhằm thúc đẩy tăng trưởng thành phần kinh tế tư nhân. A-rập Xê-út đứng đầu các nước A-rập trong bốn năm liền và đứng thứ 16 trên thế giới trong báo cáo mới đây của Ngân hàng thế giới (WB). Mặc dù bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng tăng trưởng GDP của quốc gia giàu dầu mỏ này năm 2008 không bị giảm sút mạnh bởi sự mở rộng đáng kể trong lĩnh vực kinh tế phi dầu mỏ và sản lượng khai thác dầu tăng cao hơn. Giá dầu thế giới tăng kỷ lục vào năm ngoái góp phần tăng nguồn thu ngoại tệ và ngân sách cho nước này trong năm 2008. Một phần thặng dư tài chính thu từ dầu mỏ được dùng để thanh toán các khoản nợ nội địa.

Tuy là nước có tốc độ tăng trưởng cao, có nền kinh tế mạnh nhất các nước A-rập ở khu vực Trung Ðông, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước này vẫn cao, khoảng 23 tỷ USD, nhưng quốc gia chiếm một phần năm trữ lượng dầu mỏ thế giới này cũng phải đối mặt không ít thách thức trong cơn bão khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nhiều công ty tư nhân ở A-rập Xê-út đang phải chật vật đấu tranh với cuộc khủng hoảng nợ sau khi bộc lộ sự thiếu minh bạch trong lĩnh vực tài chính. Ðiều này tác động tiêu cực tới quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới từng là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. A-rập Xê-út cam kết dành 400 tỷ USD từ nay đến năm 2013 để nâng cấp cơ sở hạ tầng và đưa ra kế hoạch xây dựng năm thành phố kinh tế và công nghiệp nhằm tạo nhiều việc làm. Tuy nhiên, một số dự án bị tạm đình chỉ do khủng hoảng tài chính và theo các nhà phân tích, bị cạnh tranh từ các địa điểm hấp dẫn hơn như Ðu-bai (Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất). Một số công ty quốc tế đã rút ra khỏi các dự án ở A-rập Xê-út. Khoảng 80 dự án trị giá 20 tỷ USD tạm thời phải dừng lại. Tuy nhiên, cường quốc xuất khẩu dầu mỏ đứng đầu thế giới này đã thu được một khoản dự trữ ngoại tệ từ thời điểm giá dầu thế giới tăng cao năm ngoái để đầu tư cho các dự án công nghiệp lớn. A-rập Xê-út  đang tiến hành những bước quan trọng trong việc củng cố vị trí là một trong những nước có ngành công nghiệp hóa dầu lớn nhất thế giới của mình với việc đầu tư xây dựng ba dự án hóa dầu lớn nhất thế giới.

Tháng 7 vừa qua, A-rập Xê-út phải chứng kiến hàng trăm nghìn người dân nước này cắt giảm chi tiêu trong việc giảm đáng kể các khoản tiền dành cho du lịch mùa hè, kéo theo tăng trưởng trong lĩnh vực tư nhân giảm từ 5,6% (tháng 6) xuống 3,6% (tháng 7). Trong khi đó, Chính phủ A-rập Xê-út tăng gấp đôi số vốn chi tiêu trong quý I năm nay. Theo các số liệu thống kê, nước này có thể có mức thâm hụt ngân sách 10% trong hơn 20 năm. Một trong những vấn đề lớn mà quốc gia này phải đối mặt trong thời gian tới là tốc độ tăng dân số nhanh, khoảng 3,5%/năm. 60% dân số trong tổng số 18 triệu dân A-rập Xê-út dưới 30 tuổi. Dân số trẻ có thể là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư, song các nhà phân tích cho rằng, quốc gia này phải đối mặt khó khăn trong vấn đề nhà ở, việc làm và cải cách hệ thống giáo dục. Nước này nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế nhằm tránh phụ thuộc dầu mỏ và tạo nhiều việc làm cho giới trẻ. Tốc độ dân số tăng nhanh đặt nước này trước thách thức về việc cung cấp nhà ở. Khoảng 30% dân số nước này được sở hữu nhà ở mức thấp nhất trong các quốc gia vùng Vịnh. Nhiều chuyên gia cho rằng, năm tới việc mua cổ phiếu ở A-rập Xê-út sẽ thu lợi nhiều trong các lĩnh vực bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, thực phẩm, hàng tiêu dùng, xây dựng. Tuy nhiên các nhà phân tích cũng cho rằng, dân số trẻ không có nghĩa là tăng tiêu dùng  mà còn làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội và giáo dục trong việc làm thế nào để trang bị tốt hơn về mọi mặt cho thanh niên nước này nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường việc làm. A-rập Xê-út đã chi hàng tỷ USD xây dựng các trường học mới và thay mới trang thiết bị. Mặc dù vậy, theo một nhà phân tích  cao cấp có trụ sở ở Ðu-bai cho rằng, giáo dục ở A-rập Xê-út là vấn đề lớn và không thể giải quyết trong thời gian ngắn.
 
 
                      Báo Nhân dân


Các tin đã đưa ngày: