Chống bán phá giá lúa gạo

(21/09/2009)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2009, cả nước vẫn giữ được sản lượng lúa hàng hóa với mức độ cao hơn năm 2008, trong đó vụ lúa đông xuân 2008 - 2009 đạt 1.547.775 ha, vượt 2,4% kế hoạch, tăng 22.112 ha so với vụ đông xuân 2007 - 2008, năng suất bình quân 64,07 tạ/ha với sản lượng đạt 9,920 triệu tấn, tăng 92.000 tấn so với vụ trước. Vụ hè thu này, các tỉnh gieo trồng 1,584 triệu ha, vượt 0,8% kế hoạch, đồng thời bắt đầu chuẩn bị gieo trồng 40.630 ha lúa thu đông. Nhờ dự đoán trước tình hình xuất khẩu năm 2009 sẽ gặp nhiều khó khăn, ngay từ những tháng đầu năm, Hiệp hội Lương thực Việt Nam VFA phối hợp UBND các tỉnh có lượng lúa, gạo hàng hóa lớn bàn biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu theo phương châm: tích cực xuất khẩu gạo với giá hợp lý, nhằm tăng thu nhập của nông dân, bảo đảm an ninh lương thực, đồng thời giữ ổn định giá cả thị trường trong nước. Hội đồng quản trị VFA tổ chức họp luân phiên ở các tỉnh rà soát tình hình xuất khẩu, sản xuất và tiêu thụ lúa gạo hàng hóa trong dân, nhận định, đánh giá tình hình thị trường thế giới; kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp và đề xuất các biện pháp điều hành, điều phối xuất khẩu phù hợp diễn biến thị trường tiêu thụ. Tổ chức các đợt xúc tiến thương mại, thị trường, công nghệ tại Hoa Kỳ, Thái-lan và Trung Ðông giới thiệu tiềm năng xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam cũng như bàn biện pháp phối hợp trong kinh doanh lúa gạo.

Hơn hai tháng nay, nhằm tiêu thụ hết lúa gạo hàng hóa, không để tồn đọng trong dân, VFA cùng 21 thành viên tích cực thu mua lương thực dành cho xuất khẩu. Ngay trong tháng 8, các doanh nghiệp thành viên mua vào 490.841 tấn gạo, vượt 22,71% kế hoạch được giao (chỉ tiêu đợt 1 là 400.000 tấn). Ðợt hai, VFA chủ động mua vào 500.000 tấn gạo trong tháng 9 với giá sàn quy định từ 3.800 đồng trở lên.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực VFA Nguyễn Thọ Trí việc mua vào gần một triệu tấn gạo trong hai tháng 8 và tháng 9 sẽ góp phần giữ giá lương thực trong nước, bảo đảm thu nhập ổn định cho nông dân. Vì vậy, VFA yêu cầu các DN kinh  doanh lương thực xuất khẩu không được giảm giá. Nếu doanh nghiệp vì lợi ích cá nhân hạ giá gạo sẽ tạo nên phản ứng dây chuyền gây thiệt hại lớn cho nhiều doanh nghiệp khác. Bài học kinh doanh gạo của Thái-lan cho thấy, mặc dù tồn kho hơn 7 triệu tấn và sắp vào thu hoạch vụ mới, song nước này không giảm giá xuất, đồng thời còn hủy thầu do giá quá thấp và kiên quyết không bán ra.

Việc doanh nghiệp bán phá giá gạo không chỉ tạo cớ cho thương nhân nước ngoài ép giá, gây thiệt hại không nhỏ trong kinh doanh mà còn làm ảnh hưởng đến việc đàm phán xuất khẩu vào một số thị trường tập trung. Quy chế thực hiện hợp đồng xuất khẩu tập trung của VFA nêu rõ, doanh nghiệp không được đăng ký hợp đồng thương mại bán cho các thương nhân đã ký hợp đồng tập trung với Việt Nam (giá xuất vào thị trường tập trung quyết định khung giá cho gạo Việt Nam xuất sang các thị trường khác). Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay có rất nhiều doanh nghiệp trong số 120 thành viên VFA xé rào, tìm cách lách vào các thị trường tập trung với giá chào bán quá thấp khiến cho hợp đồng tập trung với số lượng gần một triệu tấn gạo bị hủy, ảnh hưởng lớn đến việc đàm phán xuất khẩu năm 2010.

Theo VFA, mặc dù hiện nay thị trường lúa gạo thế giới đang giảm nhưng khả năng những tháng cuối năm sẽ tăng trở lại. Nhu cầu tiêu thụ gạo ở thị trường châu Phi, châu Á vẫn rất lớn, các DN nên liên kết giữ giá xuất khẩu ổn định vì lợi ích quốc gia, trong đó có lợi ích DN.
 
 
           Báo Nhân dân


Các tin đã đưa ngày: