Thái-lan bảo vệ thương hiệu gạo đặc sản

(25/07/2011)

Trước sức ép cạnh tranh trên thị trường gạo thơm thế giới, thị phần của Thái-lan giảm sút. Nhiều biện pháp được nước này trù tính để bảo vệ thương hiệu và giữ thị phần.

Gạo hóm ma-lị (Hương nhài) là loại gạo thơm, được trồng chủ yếu tại những khu vực có thổ nhưỡng phù hợp ở 19 tỉnh đông bắc Thái-lan. Loại gạo này có chứa nhiều vi-ta-min và khoáng chất (vi-ta-min B1, B2, các-bon-hi-đờ-rát, prô-tê-in, chất sắt, can-xi...) cần cho cơ thể con người. Hóm ma-lị có mầu tương tự mầu trắng hoa nhài, mùi thơm giống mùi lá cây dứa dại. Gạo này chứa ít chất béo và không có cô-le-xtơ-rôn (chất béo gây xơ cứng động mạch). Khi nấu chín, gạo mềm thơm và khi để nguội không cứng và nhạt như nhiều loại gạo khác.

Ở Thái-lan, diện tích trồng lúa hóm ma-lị khoảng 13 triệu rai (2,1 triệu ha), sản lượng trung bình hằng năm đạt khoảng bốn triệu tấn. Năm 2010, Thái-lan xuất khẩu 2,3 triệu tấn gạo hóm ma-lị, bằng hơn một phần tư tổng lượng gạo xuất khẩu của Thái-lan. Theo số liệu của Bộ Thương mại Thái-lan, tính đến hết tháng 5 năm nay, nước này xuất khẩu 5,7 triệu tấn gạo, cả năm nhiều khả năng đạt gần mười triệu tấn. Thị trường tiêu thụ chính gạo hóm ma-lị Thái-lan là Mỹ, EU, Trung Quốc và một số nước giàu có khác trên thế giới với giá bán cao hơn từ hai đến ba lần gạo trắng thường. Hiện giá hóm ma-lị xuất khẩu là 1.109 USD/tấn trong khi gạo trắng loại tốt nhất là 529 USD/tấn. Những năm gần đây, thị phần gạo hóm ma-lị giảm do sự cạnh tranh của các loại gạo thơm từ các nước khác có chất lượng không bằng nhưng giá lại thấp hơn. Trước đây, Thái-lan xuất khẩu gạo thơm sang Hồng Công và Ma Cao (Trung Quốc) trung bình 300 nghìn tấn/năm, nay giảm còn hơn 100 nghìn tấn/năm. Năm ngoái, gạo hóm ma-lị xuất vào Hồng Công giảm 14% và Ma Cao 20%.

Tại Hội nghị lúa gạo Thái-lan 2011 được tổ chức cuối tháng 6 vừa qua ở Thủ đô Băng-cốc với sự tham dự của 500 quan chức, thương gia và chuyên gia ngành lúa gạo từ 44 nước, nhiều chuyên gia, thương gia và nông dân Thái-lan ủng hộ kế hoạch của chính phủ nước này mở rộng tiêu chuẩn xuất khẩu gạo hóm ma-lị để giảm giá, giữ thị phần xuất khẩu và bảo vệ thương hiệu mặt hàng này.

Từ năm 1973, Thái-lan chỉ áp dụng một tiêu chuẩn chung cho xuất khẩu hóm ma-lị: 92% gạo hóm ma-lị trộn với 8% gạo trắng, nay mở rộng phẩm cấp thành bốn loại 95%, 92%, 80% và 70%, mỗi loại được đánh nhãn khác nhau, thí dụ gạo hóm ma-lị 95% sẽ dùng nhãn kim cương, loại 92% sẽ có nhãn vàng. Một số thị trường có thể chuộng gạo hóm ma-lị chất lượng cao dù giá đắt, trong khi các thị trường khác sẽ tìm loại chất lượng thấp hơn và giá rẻ hơn phù hợp túi tiền người tiêu dùng. Việc điều chỉnh này là thích hợp trong bối cảnh thế giới đang phải chống chọi với khủng hoảng, suy thoái, bất ổn và khan hiếm lương thực.

Thời gian qua, có không ít nhà xuất khẩu gạo Thái-lan bị dư luận nước này lên án là "vô đạo đức" khi trộn gạo hóm ma-lị với tỷ lệ quá nhiều gạo tẻ thường có cùng mầu (rẻ hơn) để kiếm siêu lợi nhuận, làm thiệt hại danh tiếng của các sản phẩm gạo cao cấp Thái-lan. Chính sách trợ giá gạo hiện nay của nước này cũng có mặt trái là tạo kẽ hở cho những hành vi gian lận trong kinh doanh lúa gạo.

Ðể bảo vệ thương hiệu gạo hóm ma-lị, việc đầu tiên là giữ chất lượng loại gạo này, tăng cường hỗ trợ nông dân về kỹ thuật trồng lúa, công nghệ thu hoạch, bảo quản, chế biến. Cùng với giữ thương hiệu gạo thơm, các nhà hoạch định chính sách lúa gạo của Thái-lan đặt mục tiêu biến nước này thành một trung tâm buôn bán và chế biến gạo của khu vực và trên thế giới dựa trên thế mạnh về kinh nghiệm và công suất chế biến sẵn có (100 triệu tấn/năm trong khi sản lượng lúa mới đạt 30 - 33 triệu tấn/năm). Trước đây, việc mua bán lúa gạo được các thương gia Thái-lan tiến hành chung qua Sở Giao dịch Nông sản kỳ hạn (AFET). Nay, để tạo thuận lợi hơn cho giới kinh doanh lúa gạo, Thị trường Kinh tế gạo (REM) mới được thành lập, là nơi diễn ra các cuộc đấu giá gạo.

                         Báo nhân dân

 



Các tin đã đưa ngày: