Châu Á là nơi thường xuyên có những trận bão lụt và lốc xoáy mạnh, nhất là các nước ven Ấn Ðộ Dương và Ðông - Nam Á. Một số nước nằm trên 'vành đai lửa' thường xuyên phải hứng chịu những trận động đất lớn, như In-đô-nê-xi-a, Nhật Bản. Tại Trung Quốc, trong khi các tỉnh đông - nam phải hứng chịu những trận mưa bão lớn liên tiếp thì các tỉnh phía tây và tây - bắc lại rất khát nước. Theo Ủy ban Giảm nhẹ thiên tai quốc gia Trung Quốc, trong tuần cuối tháng 6 đầu tháng 7, các tỉnh Chiết Giang, Hồ Nam, Quảng Ðông, Quảng Tây, Tứ Xuyên, Vân Nam bị thiệt hại nặng về người và của do mưa lớn kéo dài và lở đất, thì nhiều vùng ở phía tây và bắc bị hạn hán làm gần bảy triệu ha, chiếm khoảng hơn 5% diện tích đất canh tác của nước này bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ðồng thời, ảnh hưởng cuộc sống của 3,29 triệu người, mùa màng và chăn nuôi thất bát. Nền kinh tế nước này thiệt hại khoảng 2,29 tỷ USD. Bộ Nội vụ Trung Quốc cho biết, đợt hạn hán nghiêm trọng kéo dài trong bốn tháng đầu năm nay ở khu vực dọc sông Dương Tử làm ít nhất 34 triệu người thiếu nước sinh hoạt. Năm 2010, đã có ít nhất ba nghìn người chết do thiên tai. Nguyên nhân của hạn hán và lũ lụt gia tăng được cho là do hiện tượng biến đổi khí hậu, cùng với tình trạng ô nhiễm do đô thị hóa, công nghiệp hóa và nhất là nạn phá rừng.
Tại Ô-xtrây-li-a, cũng có hiện tượng tương tự. Trong khi nửa bắc của nước này bị hạn hán đến nỗi đường sắt xe lửa bị cong vênh, thì nửa phía nam và đông bị bão lụt nghiêm trọng khiến nhiều thành phố tại bang Quyn-xlen ngập sâu dưới nước hằng tuần liền.
Tại châu Mỹ và châu Âu, bão tuyết trái mùa, lũ lụt và lốc xoáy xảy ra nhiều hơn, mức độ mạnh hơn. Ngày 4-7, Hãng tái bảo hiểm 'SwissRe' và Viện Công nghệ LB Thụy Sĩ dự báo, tình trạng biến đổi khí hậu và nạn hạn hán ngày càng gia tăng ở châu Âu sẽ gây thiệt hại nặng nề về tài sản và kinh tế cho châu lục này. Trong giai đoạn từ năm 2021 đến 2040, thiệt hại về tài sản do hạn hán gây ra ở châu Âu sẽ tăng hơn 50% do nhiệt độ Trái đất tiếp tục tăng và mưa sẽ ít hơn. Như ở Pháp, nước sản xuất ngũ cốc hàng đầu thế giới, thiệt hại do hạn hán đã tăng hơn 50% kể từ năm 1990, lên tới 340 triệu ơ-rô một năm. Sản lượng lúa mì của Pháp năm nay dự kiến giảm từ mức 35,7 triệu tấn năm ngoái xuống còn 31 triệu tấn.
Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của LHQ (FAO) và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) vừa cảnh báo, hạn hán nghiêm trọng tại khu vực Sừng châu Phi gây thiệt hại đối với sản xuất lương thực, đang đẩy ít nhất tám triệu dân tại các nước Gi-bu-ti, Ê-ti-ô-pi-a, Kê-ni-a và Xô-ma-li-a vào thảm cảnh chết đói.
Tại hội nghị về vấn đề giảm thiểu thiên tai ở Băng-cốc, Thái-lan cuối tháng 6 vừa qua, Phó Giám đốc Ủy ban Kinh tế và xã hội LHQ khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP), Na-ghét Cu-ma đã trình bày báo cáo của Ủy ban này nêu rõ, một đặc điểm chung của khu vực châu Á - Thái Bình Dương là dân số sống tập trung cao ở những khu vực hay có động đất. Gần 90% số người bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên thế giới trong năm 2010 sinh sống tại châu Á. Thiên tai tác động xấu tới kinh tế - xã hội, môi trường, an ninh lương thực và làm cho giá lương thực tiếp tục tăng cao. ESCAP kiến nghị, các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương phải hợp tác cùng nhau vượt qua các thảm họa thiên nhiên. Ngoài những biện pháp chung sức giảm sự nóng lên của Trái đất, LHQ khuyến khích chính phủ các nước tập trung nỗ lực phòng, chống và cảnh báo thiên tai. Ðồng thời nghiên cứu các loại cây trồng và vật nuôi thích nghi điều kiện thời tiết mới ở từng vùng.