Nhưng đầu tháng 6, trên cánh đồng xã An Ninh, huyện Quảng Ninh lúa tốt bời bời, nhiều thửa ruộng lúa đã trĩu hạt, vàng ươm, có nơi nông dân đã xuống đồng gặt... Chủ nhiệm HTX Thống Nhất (xã An Ninh) Nguyễn Duy Viên cho biết, năng suất bình quân của HTX là 71 tạ/ha, cao hơn vụ đông xuân năm 2009-2010, có nhiều diện tích đạt năng suất 80 tạ/ha. Trên cánh đồng phẳng lỳ như sân phơi thóc, nông dân đã bắt đầu thu hoạch, và gặt đến đâu cày ải đến đó để xuống giống vụ hè thu. Ðược biết, HTX Thống Nhất là nơi có nhiều 'triệu phú' nông dân. Năm nay, những hộ gia đình như ông Nguyễn Phong Hiển, Nguyễn Ðại Ơn... tiếp tục thu vài chục tấn lúa. Không chỉ An Ninh, các xã khác trong huyện như Xuân Ninh, Tân Ninh, Vạn Ninh... cũng được mùa. Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Nguyễn Viết Ánh vui mừng thông báo: 'Ðầu vụ thiệt hại quá lớn nên UBND huyện phải hỗ trợ người dân mua lúa giống gieo lại, thời vụ kéo dài lại gặp tiểu mãn sợ 'mất ăn' nhưng năm nay Quảng Ninh thắng lớn, năng suất bình quân 57 tạ/ha cao hơn năm 2010 gần ba tạ/ha'.
Anh Nguyễn Văn Phong ở HTX Thống Nhất phấn khởi cho biết: 'Lũ lớn năm ngoái đã lấy đi nhiều thứ của chúng tôi nhưng cũng bù lại là những cánh đồng vàng. Tôi cả đời làm ruộng mà bây giờ mới chứng kiến ruộng lúa có năng suất 80 tạ/ha. Riêng gia đình tôi thu hơn mười tấn lúa, giá lúa cao nên càng vui hơn'.
Về Lệ Thủy, nơi được xem là 'vựa lúa' của tỉnh Quảng Bình, chúng tôi được biết toàn huyện gieo cấy 9.600 ha, năng suất bình quân đạt 62 tạ/ha, cao hơn vụ đông xuân năm ngoái. Chủ nhiệm HTX Thượng Phong (xã Phong Thủy) Võ Văn Khinh cho biết, năng suất bình quân trên diện tích 250 ha của HTX đạt 66 tạ/ha, cao hơn năm ngoái hai tạ/ha. Bên cạnh việc hỗ trợ giống lúa để gieo lại, năm nay huyện Lệ Thủy hỗ trợ 500 triệu đồng để tất cả các địa phương đồng loạt đánh bả sinh học diệt chuột, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do chuột gây ra.
Chủ tịch UBND xã An Thủy Võ Văn Tài chia sẻ: Trong điều kiện đất sản xuất không tăng, An Thủy đã biết chọn bước đột phá vào cơ cấu bộ giống đã làm cho năng suất và sản lượng lúa không ngừng tăng lên. Xã đã khuyến khích nông dân chuyển đổi từ cách làm hai vụ lúa rồi bỏ hoang đồng ruộng,... đợi nước lũ về sang mô hình lúa đông xuân, lúa tái sinh và nuôi cá, vịt mang lại hiệu quả kinh tế cao trên một đơn vị diện tích sản xuất. Ngoài sản lượng của hai vụ lúa (đông xuân và tái sinh), việc nuôi cá đưa lại nguồn thu từ 7 đến 10 triệu đồng/ha.
Chúng tôi trở lại 'rốn lũ' Liên Trạch để chung niềm vui được mùa với người dân ở đây. Bác Ðinh Xuân Lâm ở thôn Phú Hữu nói với chúng tôi: 'Ðã có lúc nông dân nghĩ vụ mùa mà như ri (thế này) e đói, nhưng Nhà nước giúp giống lúa để gieo lại, bán phân bón giá rẻ, người dân chăm bón chu đáo nên chừ được mùa lắm chú à. Ở Liên Trạch năng suất lúa hơn 52 tạ/ha là cao rồi đó'. Phó Bí thư Thường trực Ðảng ủy xã Liên Trạch Ðinh Xuân Ðàn cho biết, được mùa lúa đông xuân người dân trong xã rất vui nhưng lại lo lúa hè thu bị chậm vụ, sợ ảnh hưởng của mưa lũ. Xã chỉ đạo sử dụng giống cực ngắn để mong thêm một vụ hè thu thắng lợi.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Mịn cho biết, toàn tỉnh gieo cấy hơn 27 nghìn ha lúa, với các giống như X21, X23, NX30, T6, HT1, IR504-04, năng suất bình quân đạt 52 tạ/ha, cao hơn so với vụ đông xuân 2009-2010. Ðặc biệt, nhiều nơi trong tỉnh đưa vào gieo các giống lúa TBR1 và XT28, năng suất hơn 60 tạ/ha. Trong điều kiện khó khăn về thời tiết như năm nay thì đây là kết quả rất khả quan. Hiện ngành nông nghiệp Quảng Bình đang tập trung chỉ đạo khẩn trương thu hoạch vụ đông xuân với tinh thần 'xanh nhà hơn già đồng', đồng thời tiến hành cày ải ngay những diện tích đã gặt để chuẩn bị gieo lúa hè thu. Các địa phương trong tỉnh sử dụng giống lúa cực ngắn ngày như CN2, 504 đề phòng lũ sớm...