Vượt qua khó khăn, thách thức
Xác định rõ tầm quan trọng của hoạt động thu NSNN, Bộ Tài chính đã tập trung chỉ đạo tăng cường công tác quản lý thu, phấn đấu thu vượt so dự toán Quốc hội quyết định. Trong điều hành, Bộ đã chỉ đạo ngành Thuế, Hải quan đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, đặc biệt là kiểm soát tốt về chi phí, giá thành sản phẩm, tăng cường công tác thanh tra chống chuyển giá, chú trọng việc đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế... nên đã huy động kịp thời các nguồn thu cho NSNN với tổng thu cân đối NSNN ước vượt 13,4% so dự toán, tăng 20,6% so thực hiện năm 2010, tỷ lệ động viên từ thuế và phí đạt 20,3% GDP.
Về chi NSNN, đã bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ chi theo đúng dự toán được duyệt, thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm đầu tư công, tăng cường kiểm soát chi để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách. Ðã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện rà soát, sắp xếp lại, điều chuyển được khoảng 9.452 tỷ đồng vốn đầu tư, đồng thời dành 3.857,7 tỷ đồng từ thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên để chi cho lĩnh vực an sinh xã hội. Ðiều đáng nói là trong điều kiện ngân sách hạn hẹp nhưng chi NSNN cho công tác an sinh xã hội đã tăng gần 20% so năm 2010 với mức ước đạt 84 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, ngành đã xuất hàng dự trữ quốc gia để cứu trợ vùng bị thiên tai hơn 62 nghìn tấn gạo, xuất cấp các vật tư, thiết bị khoảng 574 tỷ đồng. Chính nhờ làm tốt hoạt động tăng thu, tiết kiệm chi nên không chỉ bảo đảm các nhiệm vụ chi NSNN mà ngành Tài chính còn tiết giảm bội chi ngân sách từ mức 5,3% GDP xuống còn 4,9% GDP, góp phần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia.
Nhằm mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, cơ quan, địa phương trong việc điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, như: điều hành lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) theo hướng linh hoạt nhằm bảo đảm mục tiêu huy động vốn cho NSNN và ngăn chặn lạm phát. Lãi suất phát hành TPCP đã từng bước phát huy vai trò là mức lãi suất cơ sở, có tác dụng dẫn dắt các mức lãi suất khác trên thị trường tài chính. Kỳ hạn phát hành trái phiếu cũng đã được lựa chọn và phân bổ hiệu quả, hợp lý để tránh tạo áp lực trả nợ TPCP cho các năm tới, hạn chế tạo áp lực huy động ảnh hưởng không tốt tới mặt bằng lãi suất của thị trường, theo đó kỳ hạn trung bình của TPCP đã được cải thiện từ mức 3,65 năm (cuối năm 2010) lên mức khoảng 3,71 năm (cuối năm 2011).
Trong những hoạt động được ngành Tài chính tập trung thực hiện đồng bộ và quyết tâm cao, việc tháo gỡ khó khăn cho DN, người dân đã đạt được những kết quả tốt. Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, Quốc hội miễn, giảm, gia hạn nghĩa vụ thuế phát sinh năm 2011 cho một bộ phận DN vừa và nhỏ, hộ kinh doanh và cá nhân với tổng số 10 nghìn tỷ đồng. Ðồng thời đã điều hành chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu linh hoạt thông qua việc điều chỉnh thuế suất kịp thời nhằm khuyến khích xuất khẩu, kiểm soát nhập siêu, góp phần bình ổn giá để chống lạm phát. Tiếp tục thực hiện việc rà soát, ban hành các cơ chế, chính sách về thu, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng nộp thuế, như: ứng dụng công nghệ thông tin trong việc cấp, quản lý mã số thuế, thực hiện kê khai thuế điện tử.
Trong năm 2011, một trong những "điểm nóng", "vấn đề nóng" của nền kinh tế là về công tác quản lý, điều hành giá. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, ngành tài chính đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt, phù hợp với diễn biến của thị trường góp phần làm giảm dần tốc độ tăng giá. Tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường để xóa bao cấp một bước qua giá đối với một số hàng hóa, dịch vụ đầu vào quan trọng của nền kinh tế, nhưng điều hành việc điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng (điện, than bán cho điện, xăng, dầu...) ở mức độ có kiềm chế, phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát không đẩy chỉ số giá tiêu dùng tăng quá cao. Khi có điều kiện đã điều chỉnh giảm giá (giá xăng, dầu giảm hai lần...), đồng thời sử dụng linh hoạt các công cụ tài chính nhà nước như giảm thuế nhập khẩu cơ bản về 0%, sử dụng Quỹ bình ổn giá... để kiềm chế mức độ tăng giá trong nước, giảm áp lực lạm phát.
Bộ Tài chính đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương áp dụng đồng bộ các biện pháp bình ổn giá như bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ không để xảy ra các "cơn sốt" đột biến về giá. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về giá tại các đơn vị kinh doanh các mặt hàng: phân bón hóa học, thức ăn chăn nuôi, xi-măng, đường ăn, khí hóa lỏng, thép, sữa bột trẻ em, thuốc bảo vệ thực vật, giấy in, giấy viết, kiểm tra giá nhập khẩu xăng, dầu tại các DN đầu mối... Kiên quyết xử lý nghiêm, đúng quy định của pháp luật đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về giá.
Trong công tác quản lý tài chính doanh nghiệp, năm 2011, ngành Tài chính đã tập trung xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý phục vụ cho công tác quản lý, giám sát tình hình tài chính của các DNNN, tổng hợp về thực trạng hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty giai đoạn 2006-2010 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2011-2015 trình Chính phủ phê duyệt. Từ đó, Bộ đã hình thành cơ sở để xây dựng, đề xuất phương án tái cấu trúc DNNN, trong đó trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3, Khóa XI. Công tác đổi mới, sắp xếp, cổ phần hóa DNNN tiếp tục được đẩy mạnh và đã tạo ra được những chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả DNNN.
Năm 2012, tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả
Quán triệt mục tiêu điều hành tổng quát của năm 2012 đã được Chính phủ phê duyệt, toàn ngành Tài chính quyết tâm tiếp tục nâng cao nhận thức, triển khai sớm và có hiệu quả các mặt công tác được giao. Cụ thể:
Thứ nhất, toàn ngành quyết tâm tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, hiệu quả, phấn đấu hoàn thành vượt nhiệm vụ thu NSNN năm 2012 đã được giao và giảm bội chi NSNN xuống dưới 4,8% GDP, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia. Ðể tăng cường quản lý thu ngân sách, ngành quyết tâm tổ chức triển khai thực hiện tốt các luật thuế, nhất là các luật thuế mới, thực hiện quyết liệt các biện pháp chống thất thu (đặc biệt là các khoản thu liên quan đến đất đai, chống gian lận thuế và chuyển giá, trốn thuế trong tất cả các loại hình DN) đi đôi với tiết kiệm chi; tăng cường kỷ luật tài chính, bảo đảm dư nợ Chính phủ, nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn.
Thứ hai, hoạt động điều hành chi NSNN phải bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả và tiết kiệm, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng và an sinh xã hội; Ðiều hành vốn đầu tư phải gắn với việc triển khai thực hiện Ðề án tái cấu trúc đầu tư công. Phối hợp đồng bộ chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; điều hành chặt chẽ thu, chi ngân sách; Phối hợp chặt chẽ cùng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư và các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Ðề án tái cấu trúc đầu tư công; tổ chức triển khai thực hiện trong phạm vi quản lý của bộ sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thực hiện nghiêm các nguyên tắc và giải pháp đã được đề ra trong Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15-10-2011 của Thủ tướng Chính phủ đối với chi đầu tư từ NSNN và TPCP (trong đó yêu cầu đặt lên hàng đầu là phải kiểm soát chặt chẽ, chỉ được quyết định đầu tư khi đã xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối ở từng cấp ngân sách; bố trí vốn đúng theo quy định về thứ tự ưu tiên... cũng như tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra, thanh tra các khoản chi NSNN); chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng; quản lý chặt chẽ các khoản chi thường xuyên theo đúng dự toán được phê duyệt; thực hiện nghiêm các quy định về mua sắm tài sản công.
Thứ ba, Bộ Tài chính quyết tâm đẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN), tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của các DN trong nước khác để tạo nên sức mạnh của cộng đồng DN.
Chính phủ đã chính thức giao cho Bộ Tài chính chủ trì, nghiên cứu xây dựng Ðề án tái cấu trúc DNNN mà trọng tâm là tái cấu trúc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Trên cơ sở Ðề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung xây dựng và triển khai Ðề án tái cấu trúc DNNN; đổi mới, hoàn thiện cơ chế quản lý của chủ sở hữu tại DNNN theo hướng làm rõ hơn các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm giám sát của chủ sở hữu đối với DN; nâng cao vai trò của Bộ quản lý ngành trong việc quản lý, theo dõi, giám sát các tập đoàn, tổng công ty lớn và thực hiện chức năng cảnh báo về hiệu quả hoạt động của các DN này; tiếp tục thực hiện thoái vốn nhà nước tại những DN đã cổ phần hóa và không thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ cổ phần chi phối; tiếp tục hoàn thiện cơ cấu, mô hình tổ chức theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp đối với những DN thuộc diện Nhà nước tiếp tục giữ 100% vốn.
Thứ tư, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp về quản lý giá cả và kiềm chế lạm phát; thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước. Tiếp tục lộ trình điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường, xóa bao cấp qua giá đối với các loại hàng hóa, dịch vụ còn bao cấp qua giá vào thời điểm thích hợp, với liều lượng hợp lý phù hợp với mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện công khai, minh bạch giá các hàng hóa, dịch vụ này... đi đôi với các giải pháp hỗ trợ hợp lý đối với những ngành sản xuất gặp khó khăn, hỗ trợ đối với người nghèo, người có thu nhập thấp, thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Thực hiện cơ chế DN sản xuất, kinh doanh tự định giá, cạnh tranh về giá phù hợp với các quy định của pháp luật; kiểm soát chặt chẽ giá độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh về giá, chống bán phá giá và chuyển giá nội bộ theo quy định của pháp luật. Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật về giá; phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm.
Thứ năm, thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán như: điều hành chính sách thuế linh hoạt; đẩy mạnh, mở rộng ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, giám sát hải quan; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc đăng ký, kê khai, nộp tờ khai quyết toán thuế, thu thuế qua hệ thống các ngân hàng thương mại... để tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người nộp thuế.
Thứ sáu, đối với việc quản lý và điều hành thị trường tài chính, dịch vụ tài chính, Bộ tiếp tục tăng cường công tác quản lý, giám sát, thúc đẩy sự phát triển đồng bộ các loại hình thị trường tài chính và dịch vụ tài chính gắn với việc xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện Ðề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán, các công ty chứng khoán và thị trường bảo hiểm. Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Ðề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán, các công ty chứng khoán và thị trường bảo hiểm để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tập trung chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện tốt Ðề án sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thứ bảy, Bộ tiếp tục đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp theo Kết luận số 37-TB-TW ngày 26-5-2011 của Bộ Chính trị về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp; khuyến khích xã hội hóa đi đôi với tăng cường quản lý Nhà nước.
Thứ tám, Bộ Tài chính quyết tâm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, thúc đẩy thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra nhằm bảo đảm kỷ cương, kỷ luật tài chính. Xây dựng Ðề án cải cách tiền lương cho giai đoạn 2012 - 2020 theo hướng tiếp tục đổi mới chế độ tiền lương và có chính sách đãi ngộ, động viên, khuyến khích cán bộ, công chức. Tiếp tục bổ sung và hoàn thiện các chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về sử dụng NSNN. Thực hiện minh bạch hóa chi tiêu của NSNN và đầu tư công, nhất là đầu tư từ NSNN, trái phiếu Chính phủ và đầu tư của khu vực DNNN.
Thứ chín, toàn ngành tài chính tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả tổ chức thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ song song với việc tôn vinh và nhân rộng các điển hình tiên tiến.
Năm 2012 có ý nghĩa hết sức quan trọng trong chặng đường phát triển mới của đất nước, với nhiều khó khăn, thuận lợi, thách thức và thời cơ đan xen nhau. Quán triệt chủ trương của Ðảng, Nhà nước và sự chỉ đạo của Chính phủ, phối hợp công tác chặt chẽ với các ngành, các cấp, tranh thủ sự đồng thuận của các doanh nghiệp và nhân dân, toàn ngành tài chính tiếp tục đoàn kết, đồng lòng, đồng sức; lao động tập trung, trách nhiệm và sáng tạo, phấn đấu thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao ở cấp độ cao hơn những kết quả đã đạt được trong năm qua.
GS, TS VƯƠNG ÐÌNH HUỆ
Ủy viên T.Ư Ðảng,
Bộ trưởng Tài chính