Đúng là thời điểm này nền kinh tế Mỹ đang ngập trong khó khăn: sản xuất đình đốn, thất nghiệp gia tăng, nợ nần và thâm hụt ngân sách đang ở mức kỷ lục… Trong bối cảnh đó, giá đồng USD liên tục giảm so với các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới. Phải chăng sức mạnh của đồng tiền suy yếu do nền kinh tế Mỹ đang đi xuống? Điều này càng được củng cố bởi thông tin các quốc gia Ả rập đã bàn thảo với Trung Quốc, Nga và Pháp về việc tìm một đồng tiền khác thay cho đồng USD trong giao dịch dầu lửa và một số quốc gia cũng đang tiến hành dự trữ ngoại tệ khác, không phải đồng bạc xanh.
Các chuyên gia kinh tế khẳng định, trong một vài thập kỷ tới, khả năng đồng USD bị mất vị trí độc tôn là rất cao (xin xem thêm bài Sức mạnh đồng USD sẽ giảm? trên TG&VN số 149 ra ngày 19/9). Điều này cũng đúng theo dự đoán của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mỹ Ben Bernanke và Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick. Nhưng đấy là tương lai của mấy chục năm nữa, còn hiện tại và tương lai gần vẫn chưa thể có nền kinh tế nào vượt qua Mỹ. Vậy thực chất vấn đề đồng USD mất giá tới 11,5% (theo tờ Thời báo Tài chính của Anh ngày 7/10) so với các đồng tiền chủ chốt khác trên thế giới trong 6 tháng qua là gì?
Để thúc đẩy kinh tế phát triển sau sau cuộc khủng hoảng tài chính, Chính phủ Mỹ đã phải để đồng USD yếu làm bàn đạp cho các nhà xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu vào thị trường nội địa, từ đó thúc đẩy sản xuất và giảm thất nghiệp. Trong quý III, các tập đoàn hàng đầu nước này đã tăng doanh thu mạnh mẽ. Hãng Boeing đã trở nên có lợi thế cạnh tranh về giá so với Airbus. Với IBM, doanh thu từ các thị trường Trung Đông, châu Âu và châu Phi đều tăng khoảng 13% trong khi tại thị trường Mỹ, con số này chỉ là 1%. Theo Reuters, kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng trong quý III với mức 3,3%.
Thêm một nguyên nhân nữa khiến Mỹ cần thúc đẩy điều chỉnh tỷ giá với chính sách đồng USD yếu so với NDT để cải thiện tình trạng mất cân bằng thương mại Mỹ - Trung. Mỹ là con nợ lớn nhất thế giới, còn Trung Quốc lại là chủ nợ lớn nhất thế giới, hơn nữa Trung Quốc xuất khẩu nhiều nhất là vào Mỹ. Vì vậy, việc đồng USD tiếp tục mất giá và Mỹ gia tăng áp lực lên đồng NDT là cách phù hợp nhất để Mỹ giảm gánh nặng nợ nần, cân bằng lợi ích thương mại Mỹ - Trung. Ngày 3/10, tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương nhóm G7, lại một lần Âu - Mỹ vẫn thúc giục Trung Quốc tăng giá cho đồng NDT nhằm hỗ trợ ngăn chặn sự mất cân bằng kinh tế toàn cầu.
Ngoài ra, sự trượt giá của đồng USD cũng bắt nguồn từ “lòng tham” của các nhà đầu tư (đặc biệt là các quỹ đầu tư) khi từ bỏ đồng tiền này để tìm kiếm lợi nhuận trên các thị trường hàng hóa và trông chờ triển vọng lãi suất tăng ở những nước khác. Do các nền kinh tế trên đều đang có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ hơn kinh tế Mỹ, lãi suất các đồng tiền của họ cao hơn lãi suất USD, tạo ra một cơ hội ngắn hạn cho các nhà giao dịch tiền tệ. Chẳng hạn, lãi suất USD liên ngân hàng tại London hiện ở mức chưa đầy 1%, thấp hơn nhiều so với mức lãi suất ngắn hạn 6,5-7% của đồng Rupiah trên thị trường tiền tệ Indonesia. Giới phân tích cho biết, chính sự chênh lệch lớn này giữa lãi suất của hai đồng tiền trên là lý do khiến nhiều quỹ đầu tư ồ ạt bán USD để mua đồng Rupiah nhằm hưởng lãi suất cao.
Trước những nhận định trên, nhiều chuyên gia thậm chí còn cho rằng, chính sách tờ bạc xanh yếu có thể còn được Mỹ áp dụng trong vài năm tới. Giáo sư kinh tế học Niall Ferguson thuộc đại học Harvard đánh giá, đồng USD sẽ tiếp tục hạ giá so với đồng euro tới 20% trong khoảng 2 đến 5 năm tới. Tác giả của cuốn sách nổi tiếng The Ascent of Money: A Financial History of the World khẳng định vì đó là công cụ cứu kinh tế Mỹ trong bối cảnh suy thoái tồi tệ hiện nay và lẽ tất nhiên đây là tin “không vui” đối với phần lớn các nền kinh tế trên thế giới, nhất là châu Á - khu vực đang nắm giữ một lượng lớn tờ bạc xanh.
Đứng trước bối cảnh ấy, ngân hàng trung ương các nước châu Á đã can thiệp mạnh mẽ vào thị trường ngoại hối nhằm ngăn chặn sự tăng giá của đồng tiền trong nước so với đồng USD. Một phần vì lo sợ bị mất thị trường xuất khẩu vào tay Trung Quốc. Mặt khác, sản xuất đình đốn, họ sợ sẽ không thu hút được vốn đầu tư từ nước ngoài. Tất nhiên, Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Tỷ giá USD/VND đang được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng gần đây, tuy nhiên mức tăng không lớn, chỉ khoảng 1-5 đồng/USD.
Tgvn.com.vn