Mặc dù đạt được nhiều thành tựu trong phát triển nông nghiệp, nhưng việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn manh mún, chưa có định hướng cụ thể và đồng bộ. Sản phẩm nông nghiệp làm ra chưa ổn định về số lượng và chất lượng, giá thành cao, khó cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Do đó, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao là rất cần thiết, nhằm tạo ra những bước đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp, đưa nền nông nghiệp nước ta chuyển nhanh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Với một đất nước nông nghiệp, có hơn 70% dân số sinh sống ở nông thôn cũng như lao động nông nghiệp, để phát triển nông nghiệp công nghệ cao cần đề ra các tiêu chí và có những giải pháp, chính sách cụ thể trong từng lĩnh vực, từ trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, đến bảo quản và chế biến sản phẩm. Trước mắt là hướng dẫn nông dân điều chỉnh, thay đổi chế độ trồng trọt, chăn nuôi phù hợp thị trường; sản xuất sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm; áp dụng chăn nuôi tập trung gắn với giết mổ và xử lý chất thải một cách khoa học; phát triển rừng gắn với bảo vệ môi trường. Nông nghiệp công nghệ cao sẽ tạo ra những sản phẩm có năng suất, chất lượng tốt, đạt hiệu quả kinh tế cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Muốn vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa việc gắn kết giữa "ba nhà": nhà khoa học-nhà sản xuất và nhà nông để đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào trong quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, gắn với phát triển mô hình sản xuất mới trong nông nghiệp. Chú trọng đầu tư cho công nghệ sau thu hoạch để bảo quản, chế biến nhanh các loại nông, lâm, thủy sản, góp phần giảm tổn thất, tăng giá trị xuất khẩu. Từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung để có thể ứng dụng công nghệ sinh học tạo ra nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và giá trị cao.
Lâu nay, thu hút đầu tư vào nông nghiệp hạn chế, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, vì vậy phải có cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút các nhà khoa học, cũng như các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư "chất xám", công nghệ, vốn... vào nông nghiệp. Ðối với sản xuất nông nghiệp ở các địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, cần có những chính sách ưu đãi đầu tư. Danh mục lĩnh vực nông nghiệp cần tập trung khuyến khích đầu tư chủ yếu các lĩnh vực trực tiếp phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Sự đầu tư của các doanh nghiệp cũng hướng vào việc xây dựng cụm công nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Báo Nhân dân