Chuyển dịch cơ cấu kinh tế và mô hình kinh tế ở nước ta

(29/10/2009)

Tuy nhiên, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế lúc bấy giờ có nhiều sự khác biệt so với hiện nay như: nước ta chưa gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), chưa xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới trầm trọng như hiện nay. Mặt khác, chuyển dịch cơ cấu kinh tế  ở nước ta trước đây trong điều kiện cơ sở hạ tầng, trình độ khoa học - công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin còn thấp kém, kinh tế - xã hội còn lạc hậu, môi trường còn chưa bị ô nhiễm nặng. Ngày nay, chúng ta đã trở thành thành viên của WTO, nước ta phải thực hiện cải cách cơ bản nền kinh tế vì chúng ta là một bộ phận cấu thành của nền kinh tế thế giới, mà nền kinh tế thế giới sẽ phát triển theo hướng tiết kiệm năng lượng, bảo vệ khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững.

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã ảnh hưởng mạnh đến tăng trưởng ở nước ta. Năm 2007, tăng trưởng GDP của nước ta đạt 8,48%, đến năm 2008 giảm xuống 6,18%, dự kiến cả năm 2009 tăng khoảng 5,2%. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế ở nước ta chủ yếu theo số lượng. Việc tăng trưởng do yếu tố đầu tư vốn chiếm khoảng 57,5%, do yếu tố tăng lao động khoảng 20%. Cả hai yếu tố chiếm khoảng 77,5%, còn yếu tố năng suất và hiệu quả chiếm 22,5%, trong lúc đó các nước trong khu vực, yếu tố năng suất và hiệu quả chiếm 36%-40%.

Chính do mô hình kinh tế tăng trưởng theo số lượng như trên và do kinh tế thế giới khủng hoảng nghiêm trọng hiện nay làm cho vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, xuất nhập khẩu, khách du lịch đến nước ta giảm, nhập siêu và bội chi tăng. Rõ ràng phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế để hạn chế và khắc phục mô hình kinh tế tăng trưởng chủ yếu theo số lượng trong tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới. Nhà nước đã áp dụng nhiều biện pháp kích thích kinh tế, trong đó có biện pháp hỗ trợ lãi suất 4%, giảm giãn thuế, có tác dụng tích cực, góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế. Tuy nhiên, những biện pháp kích thích kinh tế vẫn mang tính chất tình thế, ngắn hạn trước mắt. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế mang tính chất dài hạn là hết sức cần thiết để phát triển và ổn định kinh tế vĩ mô, đón cơ hội khi kinh tế thế giới phục hồi, bảo đảm sự tăng trưởng và phát triển bền vững.

Qua thực tiễn chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nước ta trong thời kỳ đổi mới kinh tế trước đây và tình hình kinh tế - xã hội ở nước ta những năm gần đây, trong điều kiện kinh tế thế giới khủng hoảng hiện nay, có thể thấy nổi lên nhiều vấn đề quan trọng có liên quan mật thiết với nhau trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nước ta như chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành; chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, miền, địa phương; chuyển dịch cơ cấu kinh tế doanh nghiệp; chuyển dịch cơ cấu vốn; chuyển dịch cơ cấu lao động; chuyển dịch cơ cấu thị trường, cơ cấu thể chế kinh tế. Vậy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nước ta dựa vào mô hình kinh tế nào? Theo chúng tôi, đó là mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh;  là mô hình kinh tế phát triển theo hướng tăng chất lượng, hiệu quả và bền vững. Nói cụ thể hơn, mô hình kinh tế đó thể hiện trên những mặt chủ yếu sau đây:

Một là, tăng năng suất đất đai và năng suất biển, thềm lục địa, làm sao trên mỗi đơn vị diện tích đất đai ngày càng thu được nhiều giá trị sản lượng hàng hóa có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Giá trị sản lượng của mỗi ha đất nông nghiệp ở nước ta mới đạt khoảng 1.000 USD - 1.100 USD. Trong lúc đó ở Ðài Loan (Trung Quốc), điều kiện đất đai khó khăn hơn đã đạt 10.000 USD/ha đất nông nghiệp, ở khu công nghệ cao đạt 15.000 - 18.000 USD/ha.

Hai là, tăng năng suất lao động. Giá trị sản lượng nông nghiệp đạt khoảng 256-300 USD/lao động nông nghiệp, còn ở Ma-lai-xi-a đạt 6.112 USD, ở Phi-li-pin đạt khoảng 1.438 USD, ở Thái-lan đạt khoảng 863 USD.

Ngoài ra, mô hình kinh tế đó phát triển theo hướng tăng hiệu quả chi phí, tiết kiệm năng lượng, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường. Việc sử dụng năng lượng ở nước ta còn rất lãng phí, hiệu suất sử dụng trong các nhà máy đốt than, đầu mối chỉ đạt 28-32%, thấp hơn các nước đang phát triển khoảng 10%. Các lò hơi công nghiệp có hiệu  suất sử dụng khoảng 60%, thấp hơn mức trung bình thế giới khoảng 20%. Ðể sản xuất một tấn thép từ nguyên liệu quặng, các nhà máy thép của nước ta cần 11,33 đến 13,2 triệu Kcal, trong khi mức tiên tiến của thế giới chỉ cần 4 triệu Kcal. Tính trung bình để làm ra một giá trị sản phẩm như nhau, sản xuất công nghiệp của nước ta phải tiêu tốn năng lượng gấp 1,5-1,7  lần so với các  nước phát triển trên thế giới. Theo dự báo, với tốc độ gia tăng mức khai thác năng lượng như hiện nay thì không lâu nữa các nguồn năng lượng ở nước ta sẽ trở thành khan hiếm, các mỏ dầu và khí đốt sẽ cạn kiệt. Việc ban hành và thực hiện ngay luật sử dụng năng lượng tiết kiệm là việc cấp thiết.

Báo cáo nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố tháng 4-2009, xếp Việt Nam ở vị trí đầu trong danh sách bốn nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu sẽ gây nên những tác hại nặng nề như bão lụt, úng lũ, khô hạn thất thường, tàn phá các làng xã, các khu công nghiệp, đô thị, phá hoại sản xuất (đặc biệt sản xuất nông, lâm, thủy sản), các trục giao thông. Biện pháp cấp bách là phải ban hành và thực hiện luật về vấn đề biến đổi khí hậu, áp dụng khoa học - công nghệ tiến bộ, hạn chế và khắc phục những tác hại của biến đổi khí hậu.

Nước ta, đặc biệt các đô thị, các khu công nghiệp, các trục giao thông, các làng nghề bị ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, thể hiện rõ nhất là ô nhiễm không khí, nước, chất thải, ảnh hưởng sức khỏe, gây ra các bệnh, dịch cho người lao động, dân cư; làm cho năng suất lao động, năng suất đất đai bị giảm sút; sản phẩm, đặc biệt nông sản ngày càng ít sạch. Rõ ràng phải tích cực hạn chế và khắc phục ô nhiễm môi trường bằng nhiều biện pháp như: áp dụng khoa học - công nghệ tiến bộ trong sản xuất chế biến sản phẩm, xây dựng, giao thông vận tải, thu gom và chế biến rác. Ðể những biện pháp trở thành hiện thực phải chú ý vấn đề giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm những vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Những mặt chủ yếu trên đây cần được thể hiện trong nội dung của mô hình kinh tế ở nước ta.
 
 
                         Báo Nhân dân


Các tin đã đưa ngày: