Khai mạc hội thảo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ðức Lượng nêu rõ, trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, góp phần xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội... Nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng về phòng, chống tham nhũng đã được ban hành, phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện; các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng được tăng cường; vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng được đề cao; hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng được mở rộng... Công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được những kết quả quan trọng bước đầu, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của các cấp, các ngành; thể hiện quyết tâm, khả năng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng trong thời gian qua vẫn còn diễn biến phức tạp, ở Việt Nam đã xuất hiện những vụ tham nhũng có quan hệ đến quốc gia khác.
Ngày 12-5-2009, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ký Nghị quyết phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020. Ngày 30-6-2009, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã có Quyết định số 950/2009/QÐ-CTN, phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng và Công ước có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 18-9-2009. Việc ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng là yêu cầu khách quan, cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, điều đó tiếp tục khẳng định quyết tâm của Nhà nước Việt Nam trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng.
Trong hai ngày làm việc, các đại biểu thảo luận nhiều vấn đề pháp luật, các yêu cầu thể chế và thủ tục, triển khai hợp tác quốc tế phòng, chống rửa tiền, hợp tác giữa các bộ ngành, các cơ quan của Việt Nam trong phòng, chống tham nhũng. Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ đẩy lùi tham nhũng ở mọi cấp, mọi ngành.
Báo Nhân dân