Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc FAO cho biết, chỉ số giá lương thực đã tăng liên tiếp trong 6 tháng qua lên 214,7 điểm, vượt mốc kỷ lục 213,5 điểm trong tháng 6/2008.
Dựa trên các chỉ số chính của FAO theo dõi sự thay đổi hàng tháng trong một giỏ 55 mặt hàng, bao gồm thịt, sữa, ngũ cốc, dầu và đường thì giá một số loại thực phẩm trong số đó thấp hơn so với năm 2008. Nhưng ngược lại, một số mặt hàng khác lại tăng đáng kể.
Ví dụ, chỉ số giá ngũ cốc, trong đó có lúa mì và lúa gạo thấp hơn 13% so với hồi tháng 6/2008; nhưng chỉ số giá đường lại tăng gấp đôi.
Chỉ số tổng thể của FAO tăng 4,3% trong tháng 12/2010, phần lớn là do giá các mặt hàng như ngũ cốc và đường tăng đáng kể. Các chỉ tương ứng của 2 mặt hàng này lần lượt tăng 6,4%, và 6,7% trong tháng 12 kể từ tháng 11.
Điều kiện thời tiết khắc nghiệt tại các nước nghèo (chủ yếu cung cấp lương thực trên toàn cầu) đã giảm bớt năng suất thu hoạch khiến giá cả tăng lên rõ rệt.
Giá ngô và lúa mì tăng 49% kể từ cuối năm 2009; giá đậu nành tăng 33%. Tuy nhiên, ông Abbassian, thư ký nhóm liên chính phủ về thương mại ngũ cốc thuộc FAO cho biết, giá các loại lương thực quan trọng vẫn còn thấp hơn mức cao kỷ lục. Giá gạo chỉ tăng lên một nửa so với mức giá cách đây 2 năm.
Thêm vào đó, nguy cơ suy dinh dưỡng trẻ em gia tăng, tình trạng chính trị bất ổn, giá lương thực tăng cao chính là các nguyên nhân gây nên lạm phát trong nước, đồng thời là mầm mống gây ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ trên toàn thế giới.
Trong vài tháng gần đây, Trung Quốc đã tăng lãi suất hai lần nhằm chống lại lạm phát. Tại châu Âu, tỷ lệ lạm phát vượt quá mục tiêu của khu vực và các chuyên gia kinh tế cho rằng giá cả leo thang là do giá lương thực và năng lượng tăng vọt.
Ông Abbassian cho biết, nhiều khả năng giá cả sẽ tăng trong năm nay do tình hình thời tiết diễn biến ngày càng xấu.