Thiên tai năm 2010 Hậu quả nặng nề bởi những hiện tượng thời tiết cực đoan

(28/12/2010)

Biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng biểu hiện rõ nét như cảnh báo của các nhà khoa học về khí tượng thế giới. Những hiện tượng thời tiết như giá rét, nắng nóng, lũ lụt và động đất, sóng thần... xảy ra trong năm 2010 đang là mối đe dọa và thách thức đối với cuộc sống và phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia. Giảm thiểu thiệt hại do thiên tai để phát triển ổn định, bền vững đang là mối quan tâm của nhiều nước, trong đó có nước ta, một đất nước bị ảnh hưởng sớm nhất, trực tiếp và mạnh mẽ nhất những biến động ngày càng bất lợi của thời tiết.

 Hạn hán và lũ lụt, hai loại thiên tai đặc trưng trong năm

Theo công bố của các nhà khoa học về khí tượng thì mùa hè năm 2010 là năm có nhiệt độ cao nhất trên trái đất từ khi loài người có phương tiện quan trắc đến nay. Cũng trong năm 2010, xuất hiện cả hai hiện tượng En Ni-nô và La Ni-na, cho nên nhiều quốc gia trên thế giới xảy ra tình trạng nắng nóng, hạn hán và lũ lụt ở mức vô cùng gay gắt, gây thiệt hại rất nặng nề về người, vật chất và hủy hoại môi trường sinh thái. Năm 2010, thời tiết ở nước ta diễn biến rất phức tạp. Ðặc điểm nổi bật nhất là đầu năm, mức nước trên nhiều sông suối cạn kiệt ở mức lịch sử; nắng nóng xuất hiện sớm, xảy ra nhiều đợt kéo dài với cường độ gay gắt, nền nhiệt độ trên phạm vi cả nước đều cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN), một số khu vực nhiệt độ cao ở mức lịch sử. Ở các tỉnh Bắc Bộ, mùa mưa bão đến muộn và kết thúc sớm, ít xảy ra các đợt mưa vừa, mưa to, cho nên không có lũ lớn trên sông Hồng và sông Thái Bình. Mức nước giữa mùa mưa bão trên sông Hồng tại Hà Nội chỉ ở mức hơn 6,5m, thấp hơn cấp báo động 1 gần 3m. Do ít mưa và kết thúc sớm, cho nên hầu hết các tỉnh, thành phố thuộc Bắc Bộ, tổng lượng mưa năm đều thấp hơn TBNN 30-40%, có nơi tới 60-70%, lượng nước về các hồ chứa thủy điện: Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang đều thiếu hụt 30-50% so với TBNN. Trong khi đó, sau nhiều tháng nắng nóng, hạn hán gay gắt, từ đầu tháng 10 đến giữa tháng 11, các tỉnh miền trung liên tiếp xảy ra các đợt mưa lũ lớn, nhiều sông xảy ra lũ lịch sử và xấp xỉ mức lũ lịch sử, gây ngập lụt nghiêm trọng ở hầu hết các địa phương từ Nghệ An vào đến Ninh Thuận. Riêng khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên thì lượng mưa lại phân bố không đều. Vùng đồng bằng sông Cửu Long và phía bắc Tây Nguyên có lượng mưa ở mức TBNN hoặc cao hơn một ít, nhưng vùng Ðông Nam Bộ và Nam Tây Nguyên lượng mưa thiếu hụt 20-40%, nhiều hồ chứa chưa đạt mức nước thiết kế, cho nên hạn hán nghiêm trọng có khả năng xảy ra trong vụ đông xuân này và đầu vụ hè thu 2011. Ðặc biệt là hệ thống sông Cửu Long, do lượng mưa ở khu vực trung và thượng nguồn sông Mê Công thiếu hụt, cho nên mức nước đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu rất thấp, chỉ cao hơn báo động cấp 2 một chút và thấp hơn TBNN khoảng 1m, thấp nhất trong khoảng vài chục năm trở lại đây và được coi là một năm không có lũ. Như vậy, vụ đông xuân này và đầu vụ hè thu 2011 hạn hán và xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ diễn ra gay gắt.

Năm 2010 là một năm ít bão và bão xuất hiện muộn. Trong năm chỉ có sáu cơn bão và bốn áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Ðông, trong đó chỉ có hai cơn bão (số 1 và số 3) và cả bốn áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng đến nước ta, một cơn bão ảnh hưởng gián tiếp gây mưa to ở các tỉnh miền núi phía bắc và khu vực phía đông bắc Bắc Bộ. Ðặc biệt, hai cơn áp thấp nhiệt đới hoạt động ở khu vực ven biển Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ vào đầu và giữa tháng 11 kết hợp với không khí lạnh đã gây mưa to đến rất to, gây lũ lụt nghiêm trọng ở các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận. Như vậy, các hình thế thời tiết đã gây ra bốn đợt mưa lớn, ngập lụt nghiêm trọng và thiệt hại nặng nề ở hầu hết các tỉnh miền trung. Ðợt một, từ ngày 3 đến 5-10, mưa lớn ở Bắc và Trung Trung Bộ gây ngập lụt ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình. Ðợt hai, mưa lớn từ ngày 15 đến 18-10 ở Bắc và Trung Trung Bộ gây lũ lớn và ngập lụt từ Nghệ An đến Quảng Nam. Ðợt ba từ ngày 29-10 đến 5-11 và đợt bốn từ ngày 12 đến 15-11 mưa lớn xảy ra ở các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ gây ngập lụt ở Bình Ðịnh vào đến Bình Thuận.

Do ảnh hưởng của hiện tượng En Ni-nô, từ tháng 1 đến tháng 4-2010, dòng chảy ở hầu hết các hệ thống sông trên phạm vi cả nước đều rất thấp và ở mức thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc được từ trước đến nay. Lũ tiểu mãn xuất hiện muộn và cũng ở mức rất thấp. Cùng với tình trạng ít mưa, trong năm qua, trên phạm vi cả nước đã xảy ra 18 đợt nắng nóng trên diện rộng, là năm được coi là nắng nóng nhất trong hàng chục năm qua. Ðặc biệt, ngay trong tháng 2 (giữa mùa đông), ở Bắc Bộ xảy ra hai đợt nắng nóng, với nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-38oC, đây là hiện tượng hiếm thấy. Nắng nóng diễn ra gay gắt vào các tháng 3, 4 và 6-2010 (mỗi tháng bốn đợt). Nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến 35-38oC, nhiều nơi vượt 40oC. Trong ngày 19-6, đã quan trắc được nhiệt độ cao nhất lịch sử ở một số nơi như: Hòa Bình 41,8oC, Láng (Hà Nội) 40,4oC, Như Xuân (Thanh Hóa) 41,4oC, Quỳ Hợp và Con Cuông (Nghệ An) là 42 và 42,2oC. Khu vực Bắc Trung Bộ xảy ra tới 11 đợt nắng nóng, nhiều nhất trong các khu vực trên địa bàn cả nước. Khu vực Ðông Nam Bộ, một số nơi ở Tây Nam Bộ và Tây Nguyên xảy ra đợt nắng nóng kéo dài nhất trong hơn chục năm qua (từ ngày 18-3 đến 12-4-2010). Nắng nóng đã làm hàng trăm nghìn ha lúa, màu, cây công nghiệp thiếu nước tưới làm hàng chục nghìn ha lúa ở Trung Bộ và Tây Nguyên mất trắng.

Do lượng mưa thiếu hụt ở nhiều khu vực như Bắc Bộ và Thanh Hóa, các tỉnh Tây Nguyên, Ðông Nam Bộ và một số tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long cùng với lượng dòng chảy trên các hệ thống sông liên quốc gia, như sông Hồng, sông Ðà, sông Cửu Long cho đến thời điểm cuối năm 2010 cạn kiệt hiếm thấy, báo trước hạn hán nghiêm trọng sẽ xảy ra trong vụ đông xuân 2010-2011 và rất khó khăn cho xuống giống vụ hè thu ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Thiệt hại nặng nề và nguyên nhân

Trong năm 2010, các loại thiên tai như hạn hán, lốc, sét, lũ quét, mưa đá, bão và lũ lụt đã gây thiệt hại rất nặng nề về người, sản xuất, nhà cửa, tài sản, hệ thống công trình hạ tầng cơ sở ở nhiều vùng và để lại hậu quả nặng nề đối với đời sống xã hội cũng như việc khôi phục sản xuất, nhất là những đợt lũ lụt nghiêm trọng ở các tỉnh Trung Bộ.

Theo báo cáo tổng hợp của Văn phòng Ban chỉ đạo PCLB T.Ư, tính đến cuối tháng 11-2010, các loại thiên tai trên địa bàn cả nước đã làm chết 245 người, mất tích 50 người và 363 người bị thương. Số người chết và bị thương nhiều nhất chủ yếu do bốn đợt mưa to, lũ lớn gây ngập lụt ở các tỉnh Trung Bộ, với 218 người chết, 35 người mất tích, 198 người bị thương. Các loại thiên tai khác như lũ quét và sạt lở đất làm chết 16 người; lốc, sét, mưa đá làm chết 10 người; hai cơn bão số 2, số 3 làm chết 22 người và mất tích 13 người. Bão, lốc, lũ lụt đã làm sập, đổ, trôi gần 5.000 ngôi nhà, ngập và hư hại 440.609 nhà, gần 2.000 trường học và trạm y tế; úng ngập và hư hại hơn 300 nghìn ha lúa, màu; ướt và trôi 48.553 tấn thóc; chết và trôi hơn 700 nghìn con gia súc, gia cầm; sạt lở bồi lấp hơn 2,3 triệu m3 đất đá ở các công trình thủy lợi, hơn 3,3 triệu m3 đất đá ở các tuyến đường giao thông và nhiều thiệt hại về thủy sản, thông tin liên lạc, hệ thống điện... Ước tổng thiệt hại về vật chất do lũ, bão, úng ngập (chưa kể hạn hán) trong năm 2010 khoảng hơn 15 nghìn tỷ đồng.

Con số thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra trong năm 2010 là rất lớn trong vòng 10 năm trở lại đây. Thiệt hại về vật chất do các đợt lũ gây ra chủ yếu do các đợt mưa có cường độ quá lớn kéo dài, trong khi các công trình hạ tầng như nhà cửa, trường học, trạm y tế, các công trình giao thông, thủy lợi còn yếu, chưa đủ khả năng chống gió bão, chống lũ và thoát lũ. Mặt khác, trong vòng một đến năm tháng, bốn đợt lũ lớn liên tiếp đã làm mức độ ngập lụt thêm nghiêm trọng, gia tăng thiệt hại một cách nhanh chóng. Số người chết do lũ lụt chủ yếu là do chưa có nhà ở vững chắc cao hơn mức lũ để tránh lũ, thiếu lực lượng và các phương tiện cứu nạn, cứu hộ tại chỗ, ý thức và kỹ năng ứng phó thiên tai của một bộ phận dân cư còn yếu, chưa chủ động thực hiện tốt phương châm 'bốn tại chỗ' ở từng thôn, bản, làng xã; trong khi đó, lực lượng cứu nạn, cứu hộ chuyên trách của địa phương và trung ương lại thiếu các phương tiện chuyên dùng, khả năng ứng cứu rất hạn chế và hiệu quả còn thấp. Tình trạng chết đuối do bất cẩn ở các khu vực ngập lụt vẫn xảy ra là do nhiều người chưa có ý thức tự bảo vệ mình và người thân trong gia đình, còn tư tưởng chủ quan trước các hiểm họa thiên tai...

Những vấn đề cần quan tâm

Năm 2010 đã qua đi, nhưng hậu quả của thiên tai, nhất là những thiệt hại do lũ lụt gây ra ở miền trung cần nhiều công sức, tiền của và thời gian mới khắc phục được. Những đợt lũ liên tiếp xảy ra ở Trung Bộ trong năm qua đã bộc lộ khá nhiều những thiếu sót, yếu kém và cả khuyết điểm trong việc ứng phó và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra ở khu vực này. Từ công tác quy hoạch dân cư, trồng và bảo vệ rừng, xây dựng các hệ thống giao thông, thủy lợi, hồ chứa nước phục vụ các nhà máy thủy điện chưa được gắn kết chặt chẽ và khoa học với chiến lược phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai ở khu vực này. Nhiều hồ chứa nước đã xuống cấp, mất an toàn chưa được nâng cấp, gia cố, nhiều hồ chứa nước khi xây dựng không có khả năng cắt lũ, quy trình vận hành chưa hợp lý đã làm tăng mức độ úng ngập ở vùng hạ lưu. Các tuyến đường giao thông, kể cả đường sắt bắc - nam còn thiếu khẩu độ của hệ thống cầu, cống thoát lũ làm cho tình trạng ngập lụt thêm nghiêm trọng và bị lũ tràn qua phá hỏng đường, gây ách tắc giao thông. Nhiều diện tích rừng bị chặt phá để làm đường thi công các hồ chứa nước phục vụ các nhà máy thủy điện không được trồng lại khi công trình đã xây dựng xong, làm gia tăng tình trạng xói lở đất và tốc độ truyền lũ về hạ lưu...

Tình trạng nguồn nước đang cạn kiệt ở Bắc Bộ, Nam Bộ, Tây Nguyên trong những tháng cuối năm còn để lại hậu quả và nhiều khó khăn đối với sản xuất và đời sống ở các khu vực này. Trong các tháng đầu năm 2011, các bộ, ngành chức năng cần chủ động đề ra các giải pháp ứng phó hợp lý, hiệu quả để giảm nhẹ thiệt hại do hạn hán gây ra, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm cũng như xác định rõ các thiếu sót, yếu kém trong việc phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai trong năm qua để làm tốt hơn việc ứng phó các loại thiên tai trong năm 2011.

                  Báo Nhân dân



Các tin đã đưa ngày: