Hội nghị WEF Ða-vốt 2010 có chủ đề "Cải thiện thực trạng thế giới: Cùng suy nghĩ lại, tái thiết và tái xây dựng", với sự tham dự của khoảng 2.500 đại biểu từ 55 nước, trong đó có hơn 200 nhà lãnh đạo chính phủ và các tổ chức quốc tế, 1.000 lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới, hàng trăm học giả và báo chí quốc tế. Hội nghị được đánh giá là một trong những sự kiện lớn nhất thế giới năm 2010. Hội nghị WEF Ða-vốt 2010 tiếp tục phân tích và rút ra những bài học kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và suy thoái kinh tế toàn cầu, đưa ra những định hướng cụ thể cho quá trình phục hồi vững chắc của các nền kinh tế. Hội nghị tập trung thảo luận sáu mục tiêu: Củng cố các nền kinh tế, giảm bớt các nguy cơ toàn cầu, bảo đảm phát triển bền vững, tăng cường an ninh, tạo ra một khuôn khổ các giá trị và xây dựng các thể chế hiệu quả. Hội nghị WEF Ða-vốt 2010 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới trên đà phục hồi với nhiều dấu hiệu khởi sắc. Các nền kinh tế lớn đều tăng trưởng dương trong quý III-2009. Theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế thế giới có thể tăng trưởng ở mức 3,1% vào năm 2010. Tuy nhiên, kinh tế thế giới còn ẩn chứa nhiều rủi ro, thời kỳ phục hồi có thể kéo dài từ ba đến bốn năm. Những vấn đề hậu khủng hoảng như: chiến lược rút gói kích thích kinh tế, bảo hộ thương mại, nguy cơ bong bóng tài sản, diễn biến phức tạp của thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế... có thể tái diễn bất cứ lúc nào, gây tác động tiêu cực đối với tiến trình phục hồi kinh tế thế giới, nhất là các nước đang phát triển như Việt Nam. Trải qua 40 năm phát triển, Hội nghị WEF Ða-vốt đã khẳng định vai trò quan trọng là một trong những diễn đàn toàn cầu uy tín và hiệu quả, thu hút sự quan tâm và tham dự của lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế, tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới.
Năm 2010 có ý nghĩa đặc biệt đối với Việt Nam, quyết định sự thành công của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2006-2010. Năm 2010 đánh dấu 15 năm nước ta gia nhập ASEAN và là năm Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch ASEAN. Ðây cũng là năm bản lề để ASEAN đẩy mạnh các nỗ lực hoàn thành việc xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Qua nhiều năm phát triển quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và WEF, vị thế của nước ta ngày càng nâng cao trong cộng đồng WEF. Vào tháng 6-2010, Hội nghị WEF Ðông Á lần đầu sẽ được tổ chức ở TP Hồ Chí Minh. Ðây là hội nghị khu vực quan trọng hàng đầu của WEF, với sự tham dự của khoảng 350 đến 400 đại biểu, gồm các nhà lãnh đạo chính phủ các nước trong khu vực, lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu thế giới, các học giả và báo chí quốc tế. Hội nghị WEF Ðông Á 2010 là cơ hội để chúng ta quảng bá hình ảnh đất nước, thu hút đầu tư quốc tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam giao lưu, học hỏi và mở rộng quan hệ làm ăn với các đối tác nước ngoài.
Việc WEF mời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị WEF Ða-vốt 2010 thể hiện sự đánh giá cao và quan tâm đặc biệt của WEF và các nhà lãnh đạo các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới (CEO) thành viên WEF đối với nước ta. Việt Nam được đánh giá là nước có nền kinh tế phát triển năng động, một điểm sáng về phát triển kinh tế thời kỳ hậu khủng hoảng; có vị thế ngày càng cao, nhất là sau khi Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ hai năm Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và là nước chủ nhà của Hội nghị WEF Ðông Á 2010. Việt Nam ngày càng đảm nhiệm nhiều trọng trách quan trọng trong đời sống chính trị - kinh tế của cộng đồng quốc tế, nhất là khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị WEF Ða-vốt 2010 với tư cách Chủ tịch ASEAN và chủ nhà Hội nghị WEF Ðông Á 2010.
Trong bối cảnh quốc tế và trong nước hiện nay, việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị WEF Ða-vốt 2010, kết hợp thăm làm việc với LHQ và WTO nhằm thảo luận với các nhà lãnh đạo các nước về các vấn đề kinh tế, chính trị, môi trường và khoa học-công nghệ toàn cầu; tiếp xúc và trao đổi ý kiến với lãnh đạo các doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới; thúc đẩy và tăng cường hơn nữa quan hệ giữa Việt Nam với LHQ và WTO và quảng bá hình ảnh Việt Nam, một đất nước năng động, phát triển và đổi mới, tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các hoạt động của các thể chế kinh tế, chính trị quốc tế.
Chúc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Ðoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị WEF Ða-vốt 2010, kết hợp thăm làm việc với LHQ và WTO thành công tốt đẹp, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam, đóng góp vào hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Báo nhân dân