Hạt gạo miền Tây Nam Bộ

(05/01/2010)

Cơm gạo Nàng thơm quả thật ngây ngất hương vị đồng quê. Hạnh phúc biết bao phút giây bưng bát cơm trắng ngần với khúc cá chiên vàng rộ, cùng chiếc bánh nếp thơm chợ Ðào, nuốt tới bụng rồi mà dư vị ngọt thơm  nơi đầu lưỡi vẫn còn ngầy ngậy, râm ran... Thế kỷ 19, thời vua Minh Mạng, gạo Nàng thơm, nhất là Nàng thơm Chợ  Ðào đã được xếp vào danh mục đặc sản tiến vua "cơm Cần Ðước nước Ðồng Nai". Ở Hồng Công  (Trung Quốc), nhờ tiếng tăm của gạo Nàng thơm Chợ Ðào do những Hoa kiều Chợ Lớn đưa sang mà  nhiều tiệm cơm có treo bảng "cơm gạo Nàng thơm Chợ Ðào" rất đông khách. Người Pháp sống ở Sài Gòn đều rất sành sỏi nên tại thị trường Pháp, gạo Nàng thơm Chợ Ðào bao giờ cũng cao giá... Tất nhiên, cái quý thường hay hiếm, bởi lẽ sản xuất ra nó đòi hỏi công phu. Toàn xã Mỹ Lệ có hơn 1.000 ha đất gieo trồng, nhưng ruộng để trồng được loại lúa khó tính này bảo đảm đúng chất lượng chỉ khoảng 400 ha. Nói "khó tính" vì giống lúa này kén đất, kén nước, thời vụ và kỹ thuật canh tác, nhất là sự kén đất và nước. Nếu đem giống này trồng ở nơi khác (không phải đất, nước Chợ Ðào) thì hương vị, độ thơm dẻo sẽ giảm đi một phần đáng kể. Người có kinh nghiệm mới phân biệt được gạo Nàng thơm Chợ Ðào với Nàng thơm nơi khác, bởi gạo Nàng thơm Chợ Ðào khi soi có một khối trắng trong ánh hồng nằm ở giữa hạt gạo, người địa phương gọi là "hột lựu". Chỉ có gạo Nàng thơm Chợ Ðào mới có được cái "hột lựu" ấy mà thôi. Và cho đến nay, bí mật về "hột lựu" trong gạo Nàng thơm Chợ Ðào vẫn chưa được "giải mã".
 
 
 
Nông dân tỉnh Sóc Trăng thu hoạch lúa. (Ảnh: TRUNG HIẾU (TTXVN)

Nhớ đã có thời phải giải quyết "cái ăn", lo cho đầy bao tử, các Nàng thơm phải lùi lại phía sau nên dễ dàng mai một. May mà vận nước đổi thay, "cơ cấu bao tử" cũng dần thay đổi, cộng với nhu cầu xuất khẩu ngày càng cao, nhờ thế mà các Nàng thơm trở lại đúng vị trí của mình. Bây giờ thì truyền thuyết về các nàng tiên do Ngọc hoàng phán truyền mang giống lúa quý của thượng giới xuống trần gian cứu giúp dân làng làm ra cơm ra gạo đã dần đi vào dĩ vãng. Nhưng các"nàng tiên" ở Viện Nghiên cứu lúa ÐBSCL đang "tái trần" làm nên nghiệp lớn, giúp đồng bằng này có hàng chục giống lúa cao sản ngắn ngày, không những thơm ngon mà còn kháng được sâu rầy, cho năng suất cao, trong đó hơn 30 giống đã được thuần chủng gieo cấy đại trà và được người dân đón nhận. Một bộ 10 giống chủ lực "dẻo cơm thơm hạt": Thần nông 73-2, IR64, IR19660, IR42, IR36,  OM 1490, OM 2031, MTL 250, VND 95-20, Khao 39 có phẩm chất gạo cao, hạt dài trong, không bạc bụng, thơm ngon, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu đang được nhân rộng. Ngoài bộ giống lúa "Nàng thơm", Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Ðồng Tháp Mười và tỉnh Long An còn thực hiện thành công dự án khôi phục giống lúa Huyết rồng, một giống lúa quý của Ðồng Tháp Mười có cách đây hàng trăm năm, gạo có mầu đỏ và hương vị thơm ngon béo ngậy "không thể nào chê" lại rất "dễ tính", cho năng suất cao, thích hợp với chân ruộng mặn phèn. Thêm vào đó là giống lúa thơm Basmati gốc từ Pakistan và Ấn Ðộ nổi tiếng thế giới, được Trung tâm hạt nhân TP Hồ Chí Minh thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam nhân thành công bằng phương pháp chiếu xạ cũng rất thích hợp đất nhiễm phèn mặn của ÐBSCL. Ðặc biệt giống lúa Một bụi được người dân vùng đất mũi Cà Mau tuyển chọn bằng phương pháp thủ công, cũng rất thơm ngon, cho năng suất cao và thích hợp   đồng đất mặn phèn...

Từ năm 2000, diện tích trồng lúa ở ÐBSCL được gieo cấy các giống lúa đặc sản, có phẩm cấp gạo cao chiếm 70%. Bên cạnh chương trình một triệu ha lúa xuất khẩu được xúc tiến là sự nỗ lực nghiên cứu về giống lúa và sản xuất lúa giống của các nhà khoa học và toàn xã hội, bước đầu  đạt nhiều thành công. Việt Nam hoàn toàn có khả năng sản xuất nhiều giống lúa thơm đặc sản phẩm cấp cao, với năng suất 6-8 tấn/ha, có nơi đạt 8-9 tấn/ha, chín sớm sau 90-100 ngày và trên thực tế đã được khẳng định. Chỉ tính riêng một triệu ha lúa xuất khẩu, mỗi năm cho sản lượng 7-8 triệu tấn lúa, "sàng sẩy" ra khoảng 3,5-5 triệu tấn gạo xuất khẩu, đủ thấy tầm vóc của vấn đề xuất khẩu lúa gạo lớn lao cỡ nào đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của ÐBSCL? Và như vậy, vấn đề sản xuất lúa giống đang trở thành "rất cần thiết"đối với vùng đất "vựa lúa" Chín Rồng. Một tính toán khoa học, mỗi năm ÐBSCL cần tới 300.000 - 400.000 tấn lúa giống, diện tích để sản xuất lúa giống cần tới năm, sáu chục nghìn ha, quả là con số khổng lồ. "Ðất quê ta mênh mông", nhưng chẳng thể nào có được một viện nghiên cứu, một trung tâm nhân giống có đủ sức lo toan hết công việc "tày trời" này, mà phải dựa vào dân. Mỗi tỉnh phải có từ 10.000 đến 15.000 ha và 1.500-2.000 hộ nông dân sản xuất lúa giống, có sự giúp sức của Nhà nước về chính sách trợ giá, giảm miễn thuế, hỗ trợ vốn, tiêu thụ sản phẩm và KHKT mới có thể đáp ứng một cách căn cơ khâu giống lúa cho 6 triệu ha sản xuất lúa của ÐBSCL. Dù  đồng bằng đã nổi lên cả nghìn hộ dân điển hình làm lúa giống, trong đó có cả Anh hùng lúa giống như ông Hai Hữu ở Thủ Thừa, Long An, ông Ba Châu ở Trà Vinh... Nhưng, quả thật đây mới chỉ là số ít, cần phải có hàng nghìn, hàng vạn điển hình như vậy.

Kết quả sự tìm tòi, vươn tới, giải mã "bài ca vỡ đất" ÐBSCL của nhiều thế hệ là tiếp tục khẩn hoang Ðồng Tháp Mười và vùng Tứ giác Long Xuyên, trong đó ba công trình thủy lợi "long trời chuyển đất" được coi là cốt lõi "sức bật khởi nguồn": Kênh Vĩnh Tế, kênh Xà No và kênh Hồng Ngự, với hàng trăm, hàng nghìn kênh mương nội đồng tưới, tiêu chằng chịt. Lại nghĩ về công cuộc khai phá Ðồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên, xưa người Pháp, sau này là người Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan... đều bó tay cho là đất xấu, không chắc ăn, sản xuất lúa ở đây chỉ có lỗ vốn. "Bởi lẽ khử được phèn chỉ có vôi, mà vôi thì lấy đâu ra cho đủ ở cái vùng đất mênh mông này?". Không ngờ "đến thời ta", những "dân ấp, dân lân" lại tìm ra giải pháp đúng đắn mà đơn giản là "dẫn ngọt, ém phèn". Vì phèn có tác dụng kết tủa phù sa, mỗi trận lũ về lại có cả triệu khối phù sa lắng đọng để đất tốt thêm màu. Cơ sở khoa học của phương pháp này là không động tới ổ phèn tiềm tàng ở tầng sâu, rửa phèn tầng mặt, không để phèn trở thành phèn hoạt tính độc hại. Một biện pháp quá đơn giản, không tốn kém mà tăng được cả triệu ha đất canh tác, không chỉ một vụ mà có nơi tới ba vụ lúa chắc ăn, đạt năng suất hơn 10 tấn/năm. Biến ÐBSCL thành "công trường" sản xuất lúa khổng lồ, bảo đảm an ninh lương thực cho cả nước và xuất khẩu để hạt gạo Việt Nam góp một phần chống đói nghèo với thế giới. Kết quả con số gạo xuất khẩu hằng năm đã lên tới 4-5 triệu tấn, năm 2009 sẽ là 6 triệu tấn. Tất nhiên rất phấn khởi, song nói như GS, TS Nguyễn Văn Luật, chỉ mới là thắng bước đầu về số lượng. Cái ta cần phấn đấu phải là thắng bước hai về giá trị, chất lượng. Các chuyên gia nghiên cứu giống lúa Việt Nam đang nỗ lực để tăng chiều dài, độ trong cho hạt gạo. Quy trình trồng lúa xuất khẩu bảo đảm cho hạt gạo phải ngon, sạch và nâng lên trình độ dinh dưỡng cao. Từ yêu cầu ngon, ăn được nhiều phải nâng lên đòi hỏi hạt gạo như viên thuốc bổ, có tỷ lệ vi-ta-min, sắt... cao hơn, để ăn ít vẫn bảo đảm độ dinh dưỡng cần thiết. Một loạt các biện pháp được thực thi, trước tiên là chương trình quốc gia IPM hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng thuốc trừ sâu và bón phân hữu cơ, làm tăng phẩm chất gạo, bảo vệ được thiên địch có lợi, lúa vẫn trúng mùa, giá thành hạ, giảm được ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người trồng lúa và người tiêu dùng. Thứ hai là, cơ giới hóa nông thôn, từ khâu làm đất đến gieo trồng, tưới tiêu, thu hoạch... cần phải được cơ giới hóa nhằm bảo đảm tính khoa học của sản xuất và giải phóng sức lao động con người. Ðã có nhiều "nhà khoa học, kỹ sư chân đất" thành đạt trong lĩnh vực này, nhưng các nhà khoa học thực thụ hình như còn vắng bóng. Tiến bộ kỹ thuật sau thu hoạch đang rất cần sự có mặt của các nhà khoa học. Thất thoát sau thu hoạch hiện ở con số 5%, nếu chỉ giảm số thất thoát trên xuống một hai % là có thêm cả triệu tấn lúa gạo, bằng mấy chục nghìn tỷ đồng. Ðặc biệt khâu sấy lúa, một yếu tố rất quan trọng giúp nâng cao phẩm chất gạo. Việc phơi lúa thủ công vừa không có sân phơi tiêu chuẩn, vừa không khắc phục được thời tiết bất lợi của ÐBSCL. Thực tế cho thấy, nếu dùng máy sấy lúa đạt tiêu chuẩn chất lượng, dù lúa thu hoạch ở thời điểm nào cũng tốt hơn phơi. Ngay cả lĩnh vực để làm giống, lúa sấy cũng tốt hơn. Ðòi hỏi các nhà khoa học, sáng chế "vào cuộc sống" sản xuất máy sấy đa dạng loại nhỏ, rẻ tiền, phù hợp quy mô nông hộ, hoặc các kiểu máy sấy lớn đi liền với các nhà máy xay xát lúa gạo xuất khẩu. Cuối cùng là vấn đề quy hoạch: Trồng bao nhiêu và ở đâu lúa xuất khẩu để xuất ngoại, bao nhiêu lúa thơm, ngon, bổ, sạch để cải thiện bữa ăn cho người dân Việt Nam và bảo đảm an ninh lương thực cả nước, để giá cả không bị thả nổi, ổn định và có lợi cho người trồng lúa... Tất cả, rất cần thiết một "nhạc trưởng" để "dàn nhạc" trồng lúa ÐBSCL tấu lên "Huyền thoại bài ca vỡ đất", về huyền thoại trắng trong của hạt gạo miền Tây Nam Bộ...

Hơn 300 trăm năm hình thành, phát triển của đất gạo Nàng thơm thật sự diệu kỳ, để hôm nay ÐBSCL trở thành công trường lớn sản xuất lúa gạo và đi lên công nghiệp hóa nông thôn. Ðể người dân nơi đây đổi đời, đồng ruộng, xóm thôn từng ngày đổi thịt thay da. Và hạt gạo ngày ngày vẫn  trăn trở lo toan cho mục tiêu: nhiều, ngon, sạch, bổ... Còn người  trồng lúa phải vượt qua biết bao gian khó, thấm đẫm mồ hôi, vươn tới với tất cả sự cần cù, sáng tạo để hạt gạo Việt Nam hội nhập, bay xa và cũng để hương thơm hạt gạo Việt Nam trở về với người trồng lúa "liên kết bốn nhà", tạo hướng tương lai cho thương hiệu gạo Việt Nam sánh cùng năm châu, bốn biển.
 
                      Báo Nhân dân

 



Các tin đã đưa ngày: