Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe và đóng góp ý kiến ba nội dung quan trọng: Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 30/2008/NQ-CP và Nghị quyết số 01/2009/NQ-CP của Chính phủ do Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư trình bày; Báo cáo kiểm điểm sự chỉ đạo, điều hành, tình hình thực hiện Quy chế làm việc năm 2009 và Chương trình công tác năm 2010 của Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày; Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2010 (Nghị quyết số 01/2010/NQ-CP) do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng trình bày.
Về Nghị quyết số 01 của Chính phủ, các đại biểu nhất trí cao dự thảo của Chính phủ. Năm 2009, nhờ sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt, kịp thời, các chủ trương, nghị quyết của Ðảng, Quốc hội, Chính phủ đã đưa đất nước vượt qua khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, sớm ngăn chặn được suy giảm và từng bước phục hồi nền kinh tế, đồng thời thực hiện có kết quả nhiều mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đặt ra. Bên cạnh những kết quả đạt được, trong năm qua vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế và yếu kém cần được khắc phục. Năm 2010 là năm cuối của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2006 - 2010 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001 - 2010, vì vậy việc thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2010 có ý nghĩa rất quan trọng. Ðể thực hiện thắng lợi Mục tiêu tổng quát của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 đã được Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XII thông qua, Chính phủ đề ra tám giải pháp chủ yếu, đó là: Phục hồi kinh tế, chuyển dịch cơ cấu và nâng cao chất lượng tăng trưởng; Ðiều hành chính sách tài chính, tiền tệ linh hoạt, thận trọng để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát nhập siêu, ngăn chặn lạm phát cao trở lại; Ðẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ; Tạo chuyển biến trong công tác chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân; Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội; Tăng cường công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Phát biểu ý kiến kết thúc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng 30 ý kiến đóng góp tại hội nghị của lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương là những ý kiến thẳng thắn, xây dựng, đã nêu khá đầy đủ và có hệ thống những việc làm được và những yếu kém, khuyết điểm. Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2009 là năm có nhiều thách thức khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo của Ðảng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, chính quyền các cấp; tranh thủ sự hỗ trợ bên ngoài chúng ta đã thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát về phát triển kinh tế-xã hội năm 2009 đã đề ra. Năm 2010 thuận lợi nhiều hơn, nhưng khó khăn cũng không ít, vì vậy, để thực hiện được mục tiêu tổng quát về phát triển kinh tế-xã hội năm 2010, cần làm tốt sáu nhiệm vụ chủ yếu về chỉ đạo điều hành và tám giải pháp chủ yếu như dự thảo nghị quyết đã đề ra. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý: Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, không để lạm phát hai con số; Bảo đảm tính thanh khoản của nền kinh tế, của hệ thống ngân hàng, không để nhập siêu vượt quá 20%; Tìm mọi giải pháp, tạo thể chế để huy động các nguồn vốn thực hiện đầu tư phát triển, tái cấu trúc nền kinh tế; Cần đặc biệt quan tâm phát triển khoa học công nghệ, góp phần thúc đẩy sản xuất; Các địa phương cần lựa chọn những vấn đề bức xúc xã hội của địa phương mình để tập trung giải quyết; Bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, an toàn xã hội;
Ðề cao trách nhiệm trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành và các địa phương trong việc tổ chức thực hiện các giải pháp đã đề ra. Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương tập trung tổ chức tốt Ðại hội Ðảng bộ các cấp; tổ chức tốt các ngày lễ lớn trên cơ sở vui tươi, lành mạnh và tiết kiệm. Trước mắt, tổ chức tốt cho nhân dân đón Tết Canh Dần, không được để thiếu hàng, không để giá cả tăng cao, bảo đảm an ninh, an toàn dịp Tết cổ truyền của dân tộc; Quan tâm đến các gia đình chính sách, bảo đảm cho mọi người, mọi nhà có đủ điều kiện vui Xuân, đón Tết.