Vườn địa lan của gia đình nông dân Đoàn Văn Quỳnh ở Lâm Đồng,
tạo việc làm cho nhiều lao động - Ảnh TTXVN
Những nỗ lực bền bỉ và thành tựu trong xóa đói, giảm nghèo ở Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh trên địa bàn cả nước. Năm 2005, tỷ lệ này là 22%, thì năm nay đã giảm một nửa, chỉ còn 11%. Tuy nhiên, tốc độ giảm nghèo dù nhanh nhưng chưa vững chắc, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là ở khu vực miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Những tác động tiêu cực từ khủng hoảng kinh tế thế giới và tình hình lạm phát, suy giảm kinh tế từ hai năm qua khiến cuộc sống của người nghèo, người có thu nhập thấp không khỏi lao đao. Thiên tai, dịch bệnh thường xảy ra đã trực tiếp làm tăng số hộ nghèo và tái nghèo. Theo Tổng cục Thống kê, trong 11 tháng qua, thiên tai đã làm gần 500 người chết và mất tích, tàn phá hơn 50 nghìn ha lúa màu, gần 100 km đê, kè, hơn 1.000 km đường giao thông, 25 nghìn ngôi nhà..., thiệt hại về vật chất khoảng 23 nghìn tỷ đồng.
Mặc dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, phải tập trung đối phó với những thách thức không nhỏ, nhưng những chính sách của Ðảng, Nhà nước về an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, vùng nghèo không những không giảm, mà vẫn được duy trì và còn được bổ sung, hoàn thiện hơn.
Vòng tay ấm áp của cộng đồng
Hiện nay, có khoảng 20 nhóm chính sách của Nhà nước với hơn 50 chính sách cụ thể đang được triển khai thực hiện, bao gồm cả các chương trình, dự án, chính sách trực tiếp hoặc gián tiếp tác động nhằm tạo cơ hội vươn lên cho người nghèo, vùng nghèo. Cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006-2010, Chính phủ đã dành mức đầu tư lớn cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng cao, vùng sâu, biên giới hải đảo, với Chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 135) giai đoạn 2 và cho kéo dài Chương trình 134 về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho các hộ dân tộc thiểu số nghèo... Mới đây, trong bối cảnh lạm phát tăng cao và kinh tế suy giảm, Chính phủ đã ban hành bổ sung các chính sách hỗ trợ hộ nghèo theo vùng; điều chỉnh tăng mức mua bảo hiểm y tế cho người nghèo và mở rộng đối tượng hỗ trợ bảo hiểm y tế đối với hộ cận nghèo; mở rộng đối tượng và tăng mức cho vay ưu đãi học tập đối với học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ xóa nhà tạm cho khoảng 500 nghìn hộ nghèo, v.v. Ðặc biệt, nhằm hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo nhất cả nước, vào những ngày cuối cùng của năm 2008, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 30a về những chính sách ưu đãi đặc thù, coi đó như điểm tựa để các địa phương này nỗ lực vươn lên thoát nghèo.
Một trong những bài học kinh nghiệm góp phần làm nên thành tựu trong công cuộc giảm nghèo ở Việt Nam là không chỉ có sự trợ giúp từ Nhà nước, mà còn huy động được sự tham gia của toàn xã hội. Cùng với những chính sách, những chương trình, dự án của Chính phủ dành cho người nghèo mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng, thể hiện tính ưu việt của chế độ, thì sự giúp đỡ thiết thực từ cộng đồng như vòng tay ấm áp chia sẻ khó khăn thiếu thốn của tình nghĩa đồng bào. Hồi tháng 9-2009, khi cơn bão số 9 mạnh trên cấp 12 quét qua các tỉnh miền trung và Tây Nguyên, đe dọa cuộc sống người dân nơi đây, UBT.Ư MTTQ Việt Nam ra lời kêu gọi ủng hộ, giúp đỡ đồng bào bị nạn. Chỉ trong thời gian ngắn, 35 tỷ đồng đã được gửi về cùng với 20 tỷ đồng các tổ chức, cơ quan chuyển tới Quỹ Cứu trợ T.Ư, thêm nguồn lực đáng kể giúp đồng bào vượt qua hoạn nạn. Chỉ tính đến cuối tháng 9, Quỹ Vì người nghèo ở T.Ư đã tiếp nhận hơn 104 tỷ đồng, cùng với Quỹ ở các địa phương góp phần xây dựng, sửa chữa nhà đại đoàn kết, xóa nhà dột nát cho hộ nghèo. Từ khi phát động Quỹ Vì người nghèo (tháng 10-2000) đến nay, Quỹ đã vận động được hơn 3.000 tỷ đồng, giúp xây, sửa gần 900.000 căn nhà cho người có hoàn cảnh khó khăn, chưa kể hơn 2.500 căn nhà được xây dựng từ cuộc vận động "Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới, hải đảo" hiện đang còn tiếp tục. Các doanh nghiệp lúc "ăn nên làm ra" đều nhớ đến đồng bào nghèo, giúp đỡ bằng nhiều hình thức, khi "con cá", lúc "cần câu". Nhiều địa phương có sáng kiến mỗi đảng viên, đoàn viên, hội viên đỡ đầu một hộ nghèo để cùng góp sức cải thiện đời sống bà con. Sự trợ giúp rất tích cực, song điều quan trọng là bản thân người nghèo không an phận, ỷ lại, biết tranh thủ sự trợ giúp quý báu đó để tự lực vượt lên...
Tập trung giúp đỡ 62 huyện nghèo nhất
Ngày 27-12-2008, Chính phủ ban hành Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (nay là 62 huyện, do huyện Than Uyên của tỉnh Lai Châu được tách thành hai huyện Than Uyên và Tân Uyên). Ðây là một chủ trương lớn của Ðảng và Nhà nước nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ về kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống người dân ở các huyện nghèo nhất cả nước, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống giữa các vùng miền. Nghị quyết 30a đã nhận được sự đồng tình, hoan nghênh của dư luận xã hội.
Vào thời điểm cuối năm 2006, tỷ lệ hộ nghèo chung cả nước là 18,1%. Tổng hợp báo cáo thống kê về tỷ lệ hộ nghèo đến cấp huyện, có tới mấy chục huyện tỷ lệ nghèo rất cao, hơn 50%, có huyện tới 70%, Bộ LÐ-TB và XH đã kiến nghị Chính phủ có chính sách riêng để giảm nghèo tại các huyện này. Chính phủ giao Bộ LÐ-TB và XH cùng các Bộ, ngành liên quan xây dựng đề án, và sau đó, Nghị quyết 30a ra đời với đối tượng thụ hưởng là 62 huyện. Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII vừa qua, có đại biểu chất vấn vì sao còn những huyện hiện tỷ lệ nghèo cũng trên 50% nhưng chưa được đưa vào danh sách huyện nghèo nhất? Theo ông Ngô Trường Thi, Chánh Văn phòng Giảm nghèo (Bộ LÐ-TB và XH), tính tới cuối năm 2006, thời điểm lấy số liệu thống kê làm căn cứ xây dựng nghị quyết, tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện đó dưới 50%. Cần có thời gian thực hiện nghị quyết, rút kinh nghiệm mới có thể bổ sung vào danh sách huyện nghèo.
Năm 2009 là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết 30a, một năm vừa triển khai, vừa xây dựng đề án, vừa thực hiện nội dung nghị quyết, được sự đồng thuận và trách nhiệm cao của các địa phương và đơn vị liên quan. Mặc dù đến giữa tháng 9-2009 mới phê duyệt xong đề án giảm nghèo của từng huyện, nhưng ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ứng trước vốn để các huyện triển khai thực hiện ngay những phần việc cụ thể, như hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở, xóa nhà dột nát, hỗ trợ gạo, khoán chăm sóc và bảo vệ rừng, dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ xuất khẩu lao động... Bên cạnh nguồn vốn của Chính phủ, theo tinh thần Nghị quyết 30a, 41 tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước và doanh nghiệp đã nhận giúp đỡ 62 huyện nói trên; trong đó, số huyện có một doanh nghiệp giúp đỡ là 50, có hai doanh nghiệp là 10, và có ba doanh nghiệp giúp đỡ là hai huyện. Dù trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế, nhưng với tình cảm và trách nhiệm đối với đồng bào còn nghèo khó, đến cuối tháng 11-2009, đã có 38 doanh nghiệp cam kết hỗ trợ với tổng số tiền hơn 2.100 tỷ đồng giai đoạn 2009-2020 (năm 2009 là 697 tỷ đồng). Ông Nguyễn Văn Du (Ngân hàng Công thương Việt Nam) cho biết, ngoài việc nhận giúp đỡ hai huyện nghèo thuộc tỉnh Hà Giang, ngân hàng còn tự nguyện giúp thêm 15 tỉnh khác trong chương trình xóa nhà tạm. Ngay từ đầu năm, ngân hàng đã cử cán bộ lên làm việc trực tiếp với tỉnh Hà Giang bàn biện pháp xóa gần 1.600 nhà tạm cho đồng bào ở hai huyện Quản Bạ và Yên Minh, hỗ trợ nông dân mua trâu mỗi huyện 300 con (8 triệu đồng/con), trang bị xe cứu thương, giường bệnh cho trạm y tế 34 xã... với tổng số tiền 50 tỷ đồng. Theo ông Trịnh Ngọc Khánh (Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam), tập đoàn nhận giúp đỡ ba huyện nghèo của Lai Châu, cử cán bộ đến từng thôn, bản tìm hiểu nhu cầu của bà con, trên cơ sở đó xây dựng chương trình hỗ trợ 3 năm, ưu tiên đáp ứng những nhu cầu cấp thiết. Hiện Tập đoàn đang thực hiện nâng cấp trường học, nhà bán trú dân nuôi có đủ chăn màn, quần áo cho các em, cấp miễn phí 1.500 suất bảo hiểm y tế học đường mức cao nhất cho các cháu gia đình nghèo. Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam hỗ trợ nông dân trồng, cung cấp nguyên liệu và thu mua sản phẩm. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhận hỗ trợ sáu huyện thuộc tỉnh Quảng Ngãi, tập trung chủ yếu vào việc xóa nhà dột nát với 13.000 căn... Tuy nhiên, có tập đoàn nhận hỗ trợ huyện nghèo, hứa hẹn thì nhiều nhưng thực tế hầu như chẳng có gì, khiến bà con ở đây rất tâm tư.
Trên địa bàn các huyện nghèo, thống kê có 77.311 căn nhà tạm cần được xây dựng lại. Với kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ của doanh nghiệp và từ Quỹ Vì người nghèo địa phương, cộng với sự đóng góp của cộng đồng làng xóm, bà con dòng tộc, đến cuối tháng 11-2009, các huyện đã khởi công xây dựng gần 60.000 căn (đạt 77,26%), trong đó đã hoàn thành, bàn giao cho hộ nghèo 36.313 căn để bà con chuẩn bị đón Tết Canh Dần trong nhà mới.
Những cố gắng bước đầu thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ cùng với sự tác động tổng hợp từ những chính sách giảm nghèo của Nhà nước và sự nỗ lực của chính người nghèo, đã đưa tỷ lệ hộ nghèo trung bình tại 62 huyện giảm 4%, từ 47% năm 2008 xuống còn 43% năm 2009, phấn đấu năm tới giảm còn dưới 40%.
Giảm nghèo nhanh và bền vững
Xóa đói, giảm nghèo là một trong những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Với tỷ lệ hộ nghèo còn 11% năm 2009, chúng ta đã hoàn thành sớm một năm chỉ tiêu giảm nghèo (Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo 2006-2010 đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 10-11% vào năm 2010). Tuy vậy, nước ta vẫn đang là quốc gia nghèo, lại thường xuyên chịu thiên tai bão lũ, cư dân trên địa bàn miền núi, vùng cao, vùng sâu, biên giới hải đảo do đặc thù tự nhiên mà cuộc sống rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao và luôn đe dọa gia tăng số hộ nghèo và tái nghèo, làm cho bản đồ giảm nghèo chưa vững chắc. Nguồn lực cho xóa đói, giảm nghèo khá lớn, bao gồm từ ngân sách Nhà nước, sự đóng góp của xã hội, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế..., với nhiều chương trình, dự án, chính sách cụ thể. Hiện có 20 nhóm chính sách với hơn 50 chính sách cụ thể dành cho người nghèo. Trên một địa bàn đang thực hiện cùng lúc nhiều chính sách ưu đãi, chương trình đầu tư do nhiều cơ quan khác nhau chủ trì, không tránh khỏi có sự chồng chéo, trùng lắp, nguồn lực bị dàn trải, hiệu quả không cao; có những nơi vì thế mà tạo cho người dân (và cả cán bộ) tâm lý trông chờ, ỷ lại, chưa thật sự nắm bắt cơ hội để tự lực vươn lên. Chuẩn nghèo hiện đang áp dụng được xây dựng từ năm 2005 nhằm xác định đối tượng thụ hưởng các chính sách của Nhà nước dành cho người nghèo, đến nay do tình hình lạm phát và giá cả biến động, đã không còn phù hợp.
Công tác xóa đói, giảm nghèo đặt mục tiêu là giảm nghèo nhanh nhưng phải bền vững. Cùng với việc thực hiện tốt những chính sách của Ðảng và Nhà nước chăm lo cho người nghèo, vùng nghèo, trong đó có Nghị quyết 30a, các địa phương cần rà soát, lồng ghép các chương trình, dự án đang thực hiện trên địa bàn nhằm tạo được hiệu quả cao hơn, tránh chồng chéo, trùng lặp và chống thất thoát, tiêu cực. Cần khẩn trương xây dựng mức chuẩn nghèo mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bởi với chuẩn nghèo hiện hành, hộ có thu nhập bình quân từ 200.000 đồng/người/tháng trở xuống (đối với nông thôn) và 260.000 đồng/người/tháng trở xuống (đối với thành thị) mới được tính là hộ nghèo, thì nay đã lạc hậu, nếu không điều chỉnh thì vô tình đã loại những gia đình khó khăn ra khỏi đối tượng được thụ hưởng chính sách. Phát huy tinh thần tương thân tương ái trong xã hội với tấm lòng "lá lành đùm lá rách", bên cạnh các cuộc vận động do MTTQ Việt Nam và các đoàn thể nhân dân phát động, cần động viên những sáng kiến giúp đỡ đồng bào nghèo trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt ở cộng đồng làng xóm. Không chỉ giúp bằng tiền bạc, vật chất, mà quan trọng phải tuyên truyền, động viên tinh thần tự lực tự cường của bà con, giúp họ tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh để từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Ðó mới có thể thoát nghèo bền vững.
Báo nhân dân