Ðây là một tin vui với một đất nước hiện hơn 70% số dân sinh sống bằng nghề nông. Trong bối cảnh thế giới chịu tác động nặng nề của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, năm nay lại là năm nước ta có số lượng gạo xuất khẩu đạt cao nhất từ trước đến nay. Ðến hết tháng 11-2009, cả nước đã xuất khẩu hơn 5,6 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch gần 2,3 tỷ USD, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2008. Hiện các hợp đồng đã ký chuẩn bị giao hàng cho đến hết năm nay là hơn sáu triệu tấn.
Nếu tính từ năm 1989 đến nay, nước ta đã xuất khẩu tổng cộng gần 70 triệu tấn gạo, trị giá hơn 18,5 tỷ USD. Gạo Việt Nam đã chiếm được thị phần ở các thị trường nhập khẩu lúa gạo như châu Á, châu Phi, châu Mỹ, Trung Ðông và châu Âu, trở thành nước có sản lượng xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới. Số lượng xuất khẩu gạo tăng mạnh đã góp phần tiêu thụ hết lúa hàng hóa trong nông dân với giá cả có lợi cho nông dân, tạo đà cho sản xuất và xuất khẩu năm tới. Thông qua hoạt động xuất khẩu, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo từng bước trưởng thành.
Tuy nhiên, theo dự báo, năm 2010 là năm có nhiều biến động và thử thách với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Ðể khẳng định chỗ đứng cho gạo Việt Nam, các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương cần phối hợp các bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam tổ chức đánh giá lại công tác chỉ đạo sản xuất, điều hành và điều phối hoạt động xuất khẩu gạo trong thời gian qua, từ đó khắc phục những yếu kém, bất cập. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa sản xuất và kinh doanh. Ðể nâng cao giá trị sản phẩm, bên cạnh việc nâng cao chất lượng, cần chú ý đầu tư xây dựng bản sắc riêng cho thương hiệu gạo Việt, trong đó phải đầu tư lớn từ thiết kế, bao bì, bán hàng, phân phối... Duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu, nâng cao hiệu quả sản xuất và kinh doanh trên cơ sở bảo đảm giá bán phù hợp thị trường, không để bị ép giá và cũng không cạnh tranh phá giá, làm giá ở mức tốt nhất. Có kế hoạch điều tiết thị trường, cũng như điều tiết lượng gạo xuất khẩu, xây dựng giá sàn, cơ chế bù giá, và tạm trữ gạo... một cách hợp lý, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất của nông dân, không tạo sức ép cho doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm an ninh lương thực và nâng cao vị thế thương hiệu gạo Việt Nam.
Báo Nhân dân