Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Võ Hồng Phúc cho biết, trong số hơn 8 tỷ USD, 1,4 tỷ USD là vốn viện trợ không hoàn lại và 6,6 tỷ USD vốn vay. Năm nay, Ngân hàng Thế giới là nhà tài trợ lớn nhất với cam kết gần 2,5 tỷ USD. Tiếp đó là Nhật Bản với cam kết 1,64 tỷ USD. Liên minh châu Âu (EU) công bố mức hơn 1 tỷ USD, trong đó Pháp tiếp tục là nhà tài trợ lớn nhất trong khối này với 378,26 triệu USD. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dành 1,479 tỷ USD cho Việt Nam.
Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Võ Hồng Phúc nhận định, so với mức gần 6 tỷ USD cam kết của năm 2009, cam kết của các nhà tài trợ năm nay thể hiện sự ủng hộ chính sách phát triển, đường lối của Việt Nam trong đổi mới, hội nhập quốc tế.
Giám đốc WB tại Việt Nam V.Qua-qua cho rằng, nợ quốc gia của Việt Nam vẫn trong mức an toàn và không gặp vấn đề trong việc trả nợ. WB và các nhà tài trợ vẫn tiếp tục giám sát chặt chẽ khả năng trả nợ của Việt Nam.
Trong những năm gần đây, nguồn vốn ODA cam kết luôn trong xu hướng tăng. Trong quá trình Việt Nam thoát khỏi mức thu nhập thấp, trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình, các khoản vay ưu đãi sẽ giảm dần và thay vào đó là khoản vay kém ưu đãi hơn. Tuy nhiên, trong phần bế mạc hội nghị, Giám đốc quốc gia của WB tại Việt Nam, bà V.Qua-qua khẳng định: "Các đối tác phát triển đã sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam để củng cố những thành tựu phát triển và đương đầu với những thử thách mới khi trở thành quốc gia có thu nhập trung bình". Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ nêu cao trách nhiệm "sử dụng nguồn lực vốn vay ODA hiệu quả, giải ngân tốt cũng như giám sát việc thực hiện nguồn vốn".
Báo Nhân dân