Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tại phiên họp này Chính phủ đã dành nhiều thời gian để phân tích, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2009. Đồng thời, cũng tại phiên họp này, Chính phủ nghe và cho ý kiến về Kiểm điểm công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, đấu tranh phòng, chống tham nhũng; cải cách thủ tục hành chính; dự án Luật Lưu trữ…
Kiên trì mục tiêu phục hồi tăng trưởng nhưng kiểm soát vĩ mô
Kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2009 đã tiếp tục phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 11 tiếp tục tăng với tốc độ cao hơn so với tháng trước, ước tăng 13% so với cùng kỳ năm 2008. Tính chung tháng 11, giá trị sản xuất công nghiệp ước tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Khai thác thủy sản tháng 11 ước đạt 167 nghìn tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2008.
Trong tháng 11, sức tiêu dùng trong nước đã có những phục hồi đáng kể. Thêm vào đó, việc triển khai thực hiện “Tháng khuyến mại, giảm giá” tại các tỉnh, thành phố lớn đã kích thích việc mua sắm của nhân dân, góp phần đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2008.
Tuy nhiên, cùng với những tín hiệu tích cực của nền kinh tế thì nhiều yếu tố bất ổn như: thu hút FDI giảm, xuất khẩu tăng chậm trong khi nhập siêu lại tăng, lượng khách du lịch giảm 10% so với cùng kỳ năm 2008, lượng kiều hối giảm … Do đó, cần phát triển thị trường trong nước, ngăn chặn nhập siêu, điều chỉnh kịp thời về tỷ giá, lãi suất nhằm kiên trì mục tiêu phục hồi tăng trưởng nhưng kiểm soát vĩ mô.
Trước diễn biến giá cả tăng, dư nợ tín dụng và sức ép tỷ giá tăng, Thủ tướng quyết định dừng thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay vốn lưu động ngắn hạn theo Quyết định số 131/QĐ-TTg ban hành tháng 1/2009 theo như thời hạn đã quy định (31/12/2009). Việc dừng triển khai hỗ trợ lãi suất ngắn hạn trong năm 2009 là biện pháp cần thiết nhằm ổn định tình hình kinh tế vĩ mô đảm bảo tính bền vững cho việc tăng truởng kinh tế của đất nước.
Về các quyết định hỗ trợ lãi suất ban hành trong tháng 4/2009, gồm Quyết định 443/QĐ-TTg đối với các khoản vay trung và dài hạn và Quyết định 497/QĐ-TTg đối với khoản vay mua máy móc, thiết bị, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp… tiếp tục thực hiện trong năm 2010. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao thường trực Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tổng hợp, sắp xếp lại từng loại đối tượng để điều chỉnh, bổ sung về mức hỗ trợ, đối tượng được hưởng hỗ trợ lãi suất cho phù hợp với thực tế nhằm đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước và bộ, ngành liên quan rà soát, tìm hiểu nguyên nhân xuất khẩu giảm sút trong tháng 11 để có biện pháp tăng xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu, tiếp tục khuyến khích, thúc đẩy sự phát triển của thị trường trong nước.
Quản lý chặt chẽ thị trường vàng và ngoại tệ
Sức ép của tỷ giá trên thị trường ngoại tệ, giá vàng tăng cao, công tác quản lý thị trường chứng khoán trong thời gian qua cho thấy, nếu không được quản lý tốt sẽ là những nguyên nhân gây mất ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, đòi hòi sự giám sát, điều hành kịp thời, quyết liệt của các bộ, ngành liên quan, đặc biệt của hệ thống ngân hàng, tài chính. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước thành lập Tổ công tác đặc biệt để rà soát, hoàn thiện cơ chế hoạt động của sàn giao dịch vàng; tiến hành kiểm tra, xử lý đóng cửa ngay một số sàn giao dịch vàng không có giấy phép kinh doanh; đảm bảo nguyên tắc kinh doanh vàng là một loại hình kinh doanh có điều kiện để lĩnh vực này ngày càng đi vào kỷ cương, chống các hoạt động đầu cơ, tăng giá vàng nhằm trục lợi, gây mất ổn định thị trường.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp quản lý thị trường ngoại tệ. Các tập đoàn, tổng công ty không găm giữ ngoại tệ; quản lý thị trường phải kiểm soát chặt chẽ thu đổi ngoại tệ. Điều hành linh hoạt tỷ giá, lãi suất cho phù hợp với tình hình thế giới. Triển khai thực hiện mạnh mẽ các giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ tình hình tăng trưởng tiền tệ, tín dụng và các biến động trên thị trường để ngăn chặn hiệu quả nguy cơ lạm phát tăng mạnh trở lại.
Ổn định thị trường hàng hóa trong dịp Tết nguyên đán
Theo thông lệ vào dịp cuối năm, chỉ số giá tiêu dùng thường có chiều hướng gia tăng. Do vậy, công tác quản lý thị trường thực hiện kiểm soát chặt chẽ công tác nhập khẩu vật tư, hàng hoá, kiểm soát và quản lý giá cả các loại hàng hoá thiết yếu, nhất là trong dịp Tết Nguyên Đán sắp tới. Đặc biệt là kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm và hàng hóa nhập khẩu, chống hiện tượng nhập hàng lậu qua biên giới vào thời điểm cuối năm; không để xảy ra tình trạng hàng hóa bị khan hiếm, đầu cơ, sốt ảo đối với mặt hàng lương thực, thực phẩm; không để sốt giá lương thực bằng việc cân đối xuất khẩu gạo và gạo tiêu thụ nội địa.
Theo ĐCSVN