Các khu kinh tế miền trung làm gì để thu hút đầu tư?

(23/10/2009)

I- Hiệu quả bước đầu từ mô hình khu kinh tế

Thời cơ và thách thức

Hầu hết các KKT miền trung được hình thành và phát triển trong thời kỳ đầu CNH, HÐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế nên có những thời cơ và thách thức rất lớn, nhất là trong quá trình xúc tiến đầu tư, triển khai các dự án tại KKT. Theo số liệu của Vụ Quản lý khu công nghiệp và khu chế xuất (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư), đến nay các tỉnh ven biển, miền trung đã hình thành và phát triển mười KKT, như: Nghi Sơn (Thanh Hóa), Ðông Nam Nghệ An (Nghệ An), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Hòn La (Quảng Bình), Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên - Huế), Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhơn Hội (Bình Ðịnh), Vân Phong (Khánh Hòa) và Nam Phú Yên (Phú Yên).
 

 
Ðánh giá quá trình đầu tư, phát triển các KKT miền trung, một số chuyên gia kinh tế Việt Nam thống nhất rằng: Phát triển các KKT hiện nay là biểu hiện của nền kinh tế mở cửa và sự thành công ở giai đoạn đầu của thời kỳ CNH đất nước. Ðây là một bước đi đúng đắn, thuận lợi nhiều mặt trong quá trình thu hút đầu tư, phát triển kinh tế bền vững ở khu vực miền trung. Nếu so với các mô hình phát triển đặc khu kinh tế, khu thương mại tự do và KKT mở ở các nước và thì hiện nay mô hình KKT miền trung đang có nhiều ưu thế trong quá trình lựa chọn những dự án đầu tư và có điều kiện phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Tuy nhiên, trước mắt vẫn còn nhiều thách thức đáng lo ngại về thu hút đầu tư nước ngoài. Nhiều dự án hiện nay triển khai rất chậm, thậm chí có nhà đầu tư "bỏ của chạy lấy người". Công tác di dân tái định cư đối với nhân dân nằm trong vùng quy hoạch KKT còn phức tạp. Ðời sống, việc làm của những hộ dân bị giải tỏa gặp nhiều khó khăn. Hệ sinh thái ở các KKT hiện rất kém và có nguy cơ tiềm ẩn về ảnh hưởng môi trường trong khu vực là rất lớn...   

Thành công của các KKT

Với mô hình, bước đi rõ ràng, trong những năm gần đây các KKT miền trung đã phát triển khá nhanh theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực và được hưởng cơ chế ưu đãi của Nhà nước, bảo đảm từng bước phát triển kinh tế một cách có hiệu quả. Lợi thế rõ nhất của các KKT miền trung vẫn là các cảng nước sâu, như KKT Dung Quất, Vũng Áng, Nghi Sơn, Chân Mây, Vân Phong... đã và đang là điểm hấp dẫn của các nhà đầu tư với những dự án đầu tư công nghiệp nặng, bảo đảm cho việc phát triển bền vững các KKT. Hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tiện ích ở các KKT miền trung đã được đầu tư bằng mọi nguồn vốn, từng bước tập trung đầu tư chiều sâu, với tổng nguồn vốn lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách Nhà nước khoảng 20%). Nhờ vậy, đến nay, các KKT miền trung đã thu hút khoảng 300 dự án đầu tư trong nước và nước ngoài, tổng vốn đăng ký đạt hơn 30 tỷ USD (trong đó có hơn 50 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký gần 20 tỷ USD). Hiện nay, nhiều dự án đã hoàn thành, đi vào hoạt động, có hiệu quả, tạo động lực mới trong việc thu hút đầu tư và góp phần tăng trưởng kinh tế nhanh đối với khu vực miền trung.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bịnh Ðịnh Lê Hữu Lộc cho biết: KKT Nhơn Hội được quy hoạch hơn 12 nghìn ha và đầu tư phát triển theo đa ngành, đa lĩnh vực. KKT này có cảng phi thuế quan, các KCN, khu cảng tổng hợp, khu điện gió, các khu đô thị, khu du lịch và các khu chức năng khác. Với những thuận lợi về đường biển, sân bay Phù Cát và nằm gần TP Quy Nhơn nên KKT Nhơn Hội đã nhanh chóng thu hút được một số dự án lớn trong nước và nước ngoài. Ðến nay, đã có 70 doanh nghiệp ký văn bản ghi nhớ đầu tư và đã cấp phép cho 20 dự án, với tổng vốn đăng ký hơn 16.200 tỷ đồng (trong đó có ba dự án nước ngoài vốn đăng ký 314 triệu USD). Hiện đã có 12/20 dự án đang triển khai xây dựng công trình và năm dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động từng phần...

KKT mở Chu Lai được thành lập năm 2003, là KKT mở đầu tiên của Việt Nam. Ðến nay, KKT mở Chu Lai có 50 dự án, với tổng vốn đầu tư 794 triệu USD. Trong đó, có 17 dự án, đầu tư trực tiếp nước ngoài, tổng vốn đăng ký 195 triệu USD và 33 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký 599 triệu USD. Hiện nay, đã có 30 dự án đang đi vào hoạt động, tổng vốn đăng ký 362 triệu USD và có 20 dự án đang triển khai xây dựng, tổng vốn 432 triệu USD... Các dự án đi vào hoạt động tại KKT mở Chu Lai không chỉ tạo ra diện mạo mới cho bộ mặt nông thôn, mà đã có nhiều đóng góp tích cực đối với sự phát triển của tỉnh Quảng Nam. Ðặc biệt, trong hai năm 2007, 2008 các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều tăng trưởng cao và chiếm tỷ trọng lớn so với toàn tỉnh. Cụ thể, năm 2008, tổng vốn đầu tư xã hội thuộc KKT mở Chu Lai chiếm khoảng 14% tổng vốn đầu tư xã hội của tỉnh; tổng giá trị sản xuất công nghiệp chiếm khoảng 13,9% so với cả tỉnh; tổng số thu ngân sách phát sinh trên địa bàn KKT mở Chu Lai chiếm khoảng 32% so với tổng thu ngân sách toàn tỉnh; giải quyết việc làm cho hơn sáu nghìn lao động, trong đó có gần 90% là người địa phương...

KKT Vân Phong đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch với tổng diện tích 150 nghìn ha. Ðây là KKT tổng hợp, trong đó cảng trung chuyển công-ten-nơ quốc tế giữ vai trò chủ đạo kết hợp phát triển kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực gồm du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các ngành nghề kinh tế khác. KKT Vân Phong phát triển sẽ tạo một điểm nhấn mới, cùng với KKT mở Chu Lai, các KKT Dung Quất, Nhơn Hội, Nam Phú Yên tạo thành mối liên kết, chuỗi những hạt nhân tăng trưởng của khu vực Nam Trung Bộ. Ðến nay, KKT Vân Phong đã thu hút được 82 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 15 tỷ USD; trong đó có nhiều dự án có quy mô lớn, như Cảng trung chuyển quốc tế, riêng giai đoạn khởi động vốn đầu tư 185 triệu USD; Tổ hợp lọc hóa dầu Nam Vân Phong vốn đầu tư 4,5 tỷ USD; Trung tâm nhiệt điện Vân Phong vốn đầu tư 3,8 tỷ USD; Khu đô thị mới Tu Bông và Khu du thuyền cao cấp vốn đầu tư 3,5 tỷ USD.

Thành công nhất tính đến thời điểm hiện nay là KKT Dung Quất. Sau 13 năm xây dựng và phát triển, KKT Dung Quất hiện đã có 147 dự án đăng ký đầu tư với tổng vốn khoảng mười tỷ USD (trong đó có 113 dự án đã cấp phép đầu tư với nguồn vốn hơn 7,6 tỷ USD). Sự phát triển của KKT Dung Quất đã làm thay đổi cơ bản cơ cấu GDP của tỉnh Quảng Ngãi theo hướng tăng mạnh tỷ trọng công nghiệp. Trong ba năm (từ 2006 đến 2008), KKT Dung Quất đã đóng góp gần 50% tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, đưa Quảng Ngãi từ một tỉnh có nguồn thu thấp khoảng 500 tỷ đồng/năm (năm 2005 về trước) trở thành thành viên "câu lạc bộ 1.000 tỷ"  kể từ năm 2006. Sản lượng công nghiệp năm 2008 là 2.600 tỷ đồng. Dự kiến năm 2009, khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất hoạt động ở công suất đạt khoảng 2,5 triệu tấn thì giá trị sản lượng công nghiệp đạt hơn 30 nghìn tỷ đồng. Từ năm 2010, Nhà máy hoạt động đạt 100% công suất thiết kế sẽ cho giá trị sản lượng công nghiệp đạt 100 nghìn tỷ đồng và sẽ nộp thuế khoảng 8.700 tỷ đồng (chưa kể sản lượng của hai nhà máy đóng tàu Vinashin và Nhà máy công nghiệp nặng Doosan Vina). Sự phát triển KKT Dung Quất đã khai thác tốt lợi thế về địa lý, nguồn tài nguyên đất đai và tác động lan tỏa, kích thích các ngành sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Trưởng Ban quản lý KKT Dung Quất Nguyễn Xuân Thủy cho biết: Những năm qua, KKT Dung Quất tập trung thu hút đầu tư phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực mà trọng tâm là lọc hóa dầu, do đó hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, tiện ích đã tập trung đầu tư đồng bộ.

Từ những thành công bước đầu về mô hình KKT, hiện nay, KKT Dung Quất được quy hoạch mở rộng từ 10.300 ha lên gần 45.500 ha đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 998/QÐ-TTg ngày 10-7-2009. Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đang nghiên cứu phương án mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất lên 10 triệu tấn/năm, bảo đảm xây dựng trở thành một trong những tổ hợp lọc hóa dầu đầu tiên của cả nước. Như vậy, KKT Dung Quất vẫn phát triển theo hướng thu hút đầu tư mạnh mẽ các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn gắn với mở rộng, hình thành cảng nước sâu Dung Quất II (có điều kiện tự nhiên đáp ứng cho loại tàu từ 250 đến 300 nghìn DWT) và xây dựng KKT Dung Quất thành trung tâm lọc hóa dầu và trung tâm công nghiệp nặng quốc gia. Sự phát triển của các tổ hợp công nghiệp nặng sẽ là tiền đề quan trọng để sau năm 2015, KKT Dung Quất chuyển hướng sang thu hút các dự án công nghiệp nặng, các tổ hợp dịch vụ, tổ hợp đô thị - công nghiệp hiện đại. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, KKT Dung Quất có thể chuyển đổi mô hình quản lý thành phố công nghiệp và sẽ thu hút đầu tư khoảng 15 tỷ USD và đến năm 2020 đạt khoảng 20 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện đạt hơn 70%...  

Những hạn chế, khó khăn

Nhìn nhận một cách khách quan, các KKT miền trung ngoài thành công bước đầu trong lĩnh vực quảng bá, thu hút vốn đầu tư có tính khả thi, nhưng thực tế vẫn chưa thoát khỏi căn bệnh "đói vốn". Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, số doanh nghiệp đăng ký vào các KKT miền trung  giảm mạnh so với những năm trước. Tình trạng một số doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào các KKT nhưng chậm triển khai đã làm ảnh hưởng tiến độ đầu tư các dự án. Nhiều dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp, đô thị có biểu hiện chiếm giữ đất, gây bất bình đối với nhân dân địa phương. Trưởng Ban quản lý KKT Chân Mây - Lăng Cô, Hồ Sĩ Nguyên cho biết: Ðiều quan trọng, khi tiếp cận nhà đầu tư, chúng ta cần tạo điều kiện tối đa cho họ, nhưng cũng buộc nhà đầu tư phải có những cam kết ràng buộc với cơ quan quản lý dự án. Nhiều nhà đầu tư lớn thường có khoản tiền đặt cọc để bảo đảm đầu tư ổn định. Ðây là cách làm để sàng lọc được những nhà đầu tư kém năng lực tài chính. Tất nhiên, hiện nay có một số nhà đầu tư trong nước triển khai đầu tư dự án rất chậm. Nguyên nhân chính là nguồn vốn tự có của doanh nghiệp chỉ bảo đảm khoảng 20 đến 30% tổng mức đầu tư, còn lại phải vay các tổ chức tín dụng với lãi suất cao nên khó triển khai dự án. Chúng tôi đã làm việc cụ thể với từng nhà đầu tư để bàn biện pháp giải quyết trên tinh thần hỗ trợ nhà đầu tư. Thực tế hiện nay, nếu chúng ta chỉ nhìn một khía cạnh nào đấy, khi nhà đầu tư chậm triển khai dự án, Ban quản lý tiến hành thu hồi giấy chứng nhận đầu tư để cấp lại cho nhà đầu tư mới buộc phải làm lại thủ tục ngay từ đầu. Cách làm như vậy đôi khi thời gian không nhanh bằng giúp cho nhà đầu tư đang khó khăn để họ có thể triển khai đầu tư dự án thì hiệu quả hơn...

Có một thực trạng là, các KKT hiện nay giải quyết thủ tục cho các nhà đầu tư còn khá lòng vòng. Một thủ tục cấp phép đầu tư mà có nhiều cơ quan cùng tham gia  giải quyết  kéo dài cả tháng. Công tác đền bù, tái định cư và giải phóng mặt bằng chậm cũng là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư lo ngại. Việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng ở các KKT miền trung hiện nay còn rất yếu kém, chưa đồng bộ, không đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, nhất là hạ tầng về giao thông, viễn thông... Ngay Sân bay Chu Lai - thường được gọi là "cái kích nổ" cho KKT Chu Lai, Dung Quất cũng chỉ là sân bay nội địa, và chỉ một đường bay Chu Lai - TP Hồ Chí Minh, với  bốn chuyến bay/tuần. Hay như cảng biển Kỳ Hà cũng chỉ là cảng nhỏ tiếp nhận tàu 5.000 tấn, chưa có các tuyến vận tải quốc tế thường xuyên. Thêm vào đó, hạ tầng các khu công nghiệp chưa được đầu tư hoàn chỉnh; đồng thời chưa có hệ thống xử lý nước thải, nguồn điện chưa ổn định; nguồn lao động tại địa phương vừa thiếu, vừa yếu.
 
II- Giải pháp hợp lý để phát triển khu kinh tế
 
 Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng tới nền kinh tế cả nước nói chung và thu hút đầu tư vào các khu kinh tế (KKT) miền trung nói riêng. Nhiều nhà đầu tư đã xin giãn tiến độ triển khai dự án. Các KKT miền trung cần điều chỉnh, lựa chọn những dự án và giải pháp hợp lý để thu hút đầu tư, phát triển mô hình KKT một cách có hiệu quả.

Liên kết vùng, tạo động lực phát triển

Những năm qua, do những lợi thế giống nhau nên các KKT miền trung chưa có sự liên kết hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển. Hiện nay việc liên kết vùng, miền là một trong những yếu tố cần thiết để quảng bá, thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển KKT bền vững. KKT Dung Quất (Quảng Ngãi) nằm ở trung tâm vùng kinh tế trọng điểm miền trung (gồm các tỉnh, thành phố Thừa Thiên - Huế, TP Ðà Nẵng, Quảng Nam, Bình Ðịnh) và mở rộng thêm các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa tạo thành vòng cung phát triển các KKT rất thuận lợi. Ðể thực hiện vai trò "hạt nhân tăng trưởng" cho khu vực ven biển Trung Trung Bộ và Tây Nguyên (như đã được xác định trong Nghị quyết 39/NQ-T.Ư của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ), đuổi kịp hai tam giác tăng trưởng kinh tế phía bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh) và phía nam (TP Hồ Chí Minh - Ðồng Nai - Bình Dương - Bà Rịa-Vũng Tàu) thì các KKT miền trung cần có sự liên kết vùng chặt chẽ, tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, lựa chọn dự án có công nghệ cao và đưa ra những giải pháp hợp lý để thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế bền vững cho cả khu vực này.

Trong mối liên kết vùng đang hình thành sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế vùng theo hướng dựa vào lợi thế cạnh tranh và tiềm lực của từng địa phương. Tỉnh Quảng Ngãi phát triển mạnh công nghiệp nặng với hạt nhân là KKT Dung Quất, TP Ðà Nẵng tập trung phát triển mạnh dịch vụ du lịch và công nghệ cao để trở thành đô thị trung tâm của khu vực. Thừa Thiên - Huế với KKT Chân Mây phát triển mạnh du lịch, dịch vụ. Quảng Nam với KKT mở Chu Lai phát triển mạnh du lịch và công nghiệp nhẹ. Bình Ðịnh với KKT Nhơn Hội đẩy mạnh kinh tế biển và là cửa ngõ của Tây Nguyên. Xu hướng chung hiện nay là đang phát triển, hình thành mới chuỗi đô thị và KKT biển, từng bước liên kết và hỗ trợ nhau để thu hút đầu tư, tạo động lực thúc đẩy CNH, HÐH ở khu vực miền trung là rất hợp lý. Ðặc biệt, KKT Dung Quất và KKT mở Chu Lai đang hình thành mối liên kết chặt chẽ trong một không gian kinh tế thống nhất, bao gồm việc đầu tư xây dựng các trục hạ tầng kỹ thuật chung, các công trình tiện ích sử dụng chung (đường bộ, ga đường sắt, đường không, cảng nước sâu, khu tập trung chất thải rắn...). Trong thời gian qua, sự phát triển nhanh chóng của KKT Dung Quất đã góp phần thúc đẩy việc đầu tư xây dựng một số công trình hạ tầng dùng chung cho hai KKT mở Chu Lai và KKT Dung Quất có hiệu quả. Khu đô thị Núi Thành (Quảng Nam) phát triển như một cơ sở dịch vụ phục vụ trực tiếp cho KKT Dung Quất. Vì vậy, việc liên kết vùng để hỗ trợ nhau trong quá trình kêu gọi đầu tư, lựa chọn dự án có giá trị kinh tế lớn để phát triển các KKT miền trung là cần thiết.  

Ðầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ

Trong giai đoạn đầu hình thành và phát triển, KKT thường có hệ thống hạ tầng yếu kém. Nhiều KKT hiện thiếu vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng, đây thật sự là khó khăn nếu không có sự hỗ trợ lớn hơn từ Trung ương. Các KKT miền trung có đầu tư hạ tầng đồng bộ, chất lượng cao thì mới có thể lựa chọn, thu hút được nhiều dự án công nghiệp nặng, dự án du lịch sinh thái. Cách làm của tỉnh Thừa Thiên - Huế đầu tư hạ tầng trong KKT Chân Mây là, ngoài nguồn vốn Trung ương hỗ trợ, hằng năm tỉnh kêu gọi các nhà đầu tư trực tiếp đầu tư hạ tầng như Tập đoàn Sài Gòn Geo. Tập đoàn này đã có hơn 20 khu công nghiệp trong nước đủ sức đầu tư hạ tầng thiết yếu về kỹ thuật, tiện ích; đồng thời xây dựng 100 nghìn m2 nhà xưởng tại KKT. KKT Dung Quất cũng đang đầu tư mạnh mẽ cho hệ thống hạ tầng, tiện ích đồng bộ, chất lượng cao, thu hút được những tập đoàn kinh tế, nhiều dự án lớn đang triển khai đầu tư tại đây. Trong Quy chế hoạt động của KKT Vân Phong, Thủ tướng Chính phủ đã thể hiện quyết tâm cao khi cho phép trong thời hạn 15 năm đầu, ngân sách Nhà nước cân đối hằng năm không thấp hơn toàn bộ nguồn thu ngân sách trên địa bàn KKT Vân Phong cho yêu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng. Hiện tại, con số thu từ hoạt động vận chuyển dầu trên vịnh Vân Phong là khá lớn, chỉ riêng trong năm 2008, Vân Phong đem lại nguồn thu xấp xỉ 1.200 tỷ đồng. Thu là như vậy, nhưng trên thực tế, vốn Trung ương phân bổ cho Vân Phong mỗi năm chỉ khoảng 40 tỷ đồng, quá thấp so với chủ trương của Chính phủ và quá ít so với nhu cầu. Với số vốn này, việc xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho KKT Vân Phong là hết sức khó khăn.

Nhằm tập trung đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển KKT Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đang xây dựng phương án phát hành 1.700 tỷ đồng trái phiếu Chính quyền địa phương. Ðây là sự cố gắng lớn của tỉnh Khánh Hòa, nhưng số vốn nói trên so với nhu cầu vốn khổng lồ của KKT Vân Phong chỉ như muối bỏ bể. Cho nên, vấn đề là sớm có cơ chế, chính sách thật sự phù hợp để thu hút mạnh các nguồn vốn từ nhiều thành phần kinh tế, xã hội đầu tư vào KKT Vân Phong, kể cả những dự án lớn như cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong - dự án theo tính toán của các nhà khoa học, muốn phát huy tốt tác dụng phải đầu tư ở mức hơn 50 tỷ USD. Vừa qua, Chính phủ đã mở ra hướng mới khi giao Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, đơn vị đầu tư giai đoạn khởi động cảng trung chuyển quốc tế, tiếp tục chủ trì huy động vốn đầu tư dự án và tính toán nguồn vốn để bảo đảm dự án khả thi. Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Văn Tự cho biết: Khánh Hòa đang cố gắng tổ chức huy động vốn của các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội cho KKT Vân Phong. Cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính theo cơ chế "một cửa"; đào tạo, thu hút nguồn nhân lực; xây dựng quy chế phối hợp hoạt động giữa Ban Quản lý KKT Vân Phong với các ngành liên quan và các huyện Vạn Ninh, Ninh Hòa trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng... Trước mắt, tỉnh cố gắng khởi công xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong. Bởi vì sớm triển khai dự án quan trọng này mới có thể triển khai một số dự án khác, KKT Vân Phong mới có thể phát huy được vai trò của mình, tạo thêm động lực phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho Khánh Hòa mà cả khu vực...

Thu hút đầu tư bằng những cơ chế, chính sách hợp lý

Thời gian qua, việc thực hiện cơ chế, chính sách đối với KKT chủ yếu theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của các KKT và một số văn bản pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp và đầu tư. Các quy định tại các văn bản này khá thống nhất và có tính khuyến khích cao đối với đầu tư vào KKT. Nghị định 29/2008/NÐ-CP của Chính phủ ban hành đã kế thừa những cơ chế, chính sách về KKT và bổ sung những vấn đề cần thiết bảo đảm cho KKT hoạt động, tạo động lực để thu hút đầu tư. Thực hiện cơ chế quản lý và chính sách phát triển phải phù hợp với tính chất đa ngành, đa lĩnh vực của một KKT mới có thể thu hút được các nhà đầu tư. Các KKT hiện nay hưởng nhiều chính sách ưu đãi, được hỗ trợ nguồn vốn của Trung ương đầu tư vào các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật và công trình dịch vụ, tiện ích quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi thu hút được nhiều dòng vốn FDI vào KKT. Việc tạo ra cơ chế quản lý và chính sách thông thoáng, hợp lý là một trong những giải pháp quan trọng để thu hút đầu tư và mở đường cho các KKT miền trung phát triển nhanh và toàn diện. Chính sách đất đai, bất động sản được áp dụng mức giá ưu đãi đã khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước trực tiếp mua nhà ở, và thuê đất trong KKT; thực hiện tự do hóa đầu tư theo đúng chính sách chung của Nhà nước quy định. Chính sách thuế tại KKT Dung Quất được áp dụng một mức thuế suất và cho hưởng ưu đãi cao nhất. Cụ thể, thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng mức thuế ưu đãi 10% trong vòng 15 năm đầu của dự án, được miễn bốn năm kể từ khi dự án đi vào hoạt động và giảm 50% của chín năm tiếp theo. Những dự án có ý nghĩa quan trọng  hoặc dự án công nghệ cao được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận sẽ được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp 10% suốt đời dự án...       

Với những lợi thế về vị trí địa lý cũng như so với các chủ trương ban đầu của Bộ Chính trị về việc thành lập KKT mở Chu Lai thì những kết quả nêu trên còn khiêm tốn, chưa thu hút được nhà đầu tư lớn. Ðiều đó, có nhiều nguyên nhân. Nhưng vấn đề mấu chốt là do cơ chế tài chính cho KKT mở Chu Lai chưa ổn định, nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng không bảo đảm, hạ tầng yếu kém, không đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư nên việc thu hút vốn đầu tư còn hạn chế. Ðiều đáng lưu ý là, theo Quyết định số 108/2003/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho KKT mở Chu Lai tương ứng với 100% số thu phát sinh trên địa bàn trong mười năm đầu và 50% trong mười năm tiếp theo. Tuy nhiên, cơ chế này chỉ được thực hiện trong một thời gian ngắn. Ngày 10-9-2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 185/2003/QÐ-TTg bãi bỏ cơ chế này trên toàn quốc. Khi cơ chế này thay đổi đã làm cho KKT mở Chu Lai không đủ nguồn vốn để bố trí cho các công trình đang thi công dở dang, nên đến nay kết cấu hạ tầng vẫn còn yếu kém, không tạo sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Hơn nữa, trong Quy chế hoạt động KKT mở Chu Lai có quy định các công trình hạ tầng được đầu tư từ nguồn vốn ODA. Nhưng đến nay, chỉ có Bệnh viện Ða khoa T.Ư được hưởng nguồn ODA của Hàn Quốc, còn lại chưa có công trình hạ tầng nào được đầu tư bằng nguồn vốn này.

Có thể thấy, vị trí và tầm quan trọng đặc biệt của KKT trong chiến lược phát triển kinh tế miền trung, cho nên thời gian tới, các bộ, ngành T.Ư cần quan tâm đầu tư thích đáng các KKT này. Riêng KKT mở Chu Lai không còn những cơ chế ưu đãi, nhưng thời gian qua, tỉnh Quảng Nam vẫn nỗ lực, tiếp tục thu hút đầu tư xây dựng KKT mở Chu Lai theo mô hình khu kinh tế tổng hợp, lấy phát triển dịch vụ làm trung tâm kết hợp với phát triển công nghiệp hợp lý. Phó Ban quản lý KTT mở Chu Lai Nguyễn Văn Lúa cho rằng, nếu thực hiện đúng tinh thần Thông báo số 155-TB/T.Ư của Ban Chấp hành Trung ương về cơ chế tài chính cho KKT mở Chu Lai: Theo hướng ngân sách Nhà nước cân đối hằng năm không thấp hơn toàn bộ nguồn thu ngân sách trên địa bàn để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội, các công trình dịch vụ và tiện ích công cộng quan trọng... thì bình quân mỗi năm nguồn thu phát sinh được bố trí đầu tư từ 500 đến 600 tỷ đồng. Như vậy, sau năm năm kết cấu hạ tầng thiết yếu của KKT mở Chu Lai sẽ được hoàn thiện. Tất nhiên, để Chu Lai phát triển đúng nghĩa của KKT mở, Trung ương cần áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư đặc biệt đối với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu và các dự án xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng tại các khu công nghiệp nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng, tạo cơ sở phục vụ yêu cầu thu hút đầu tư. Ðồng thời, Nhà nước cần sớm đầu tư hạ tầng kỹ thuật liên vùng như: sân bay Chu Lai; đường ven biển Hội An đến Chu Lai; đường cao tốc Ðà Nẵng - Chu Lai - Dung Quất để tạo bước đột phá cho Chu Lai, Dung Quất và KKT lân cận. Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có kế hoạch đầu tư sân bay Chu Lai theo quy định đã được phê duyệt làm động lực thúc đẩy các dự án khác triển khai. Trước mắt, cần tăng thêm chuyến bay tuyến Tân Sơn Nhất - Chu Lai và mở thêm chuyến bay Nội Bài - Chu Lai để phục vụ nhu cầu nhà đầu tư trong khu vực và vận chuyển hàng hóa.

Ðối với các địa phương trong khu vực, cần dựa vào tiềm năng, lợi thế để quảng bá, thu hút đầu tư phát triển ngành nghề, sản phẩm phù hợp; đồng thời khắc phục ngay tình trạng "ăn xổi", mạnh ai nấy làm theo kiểu "mỗi tỉnh một bến cảng, một sân bay, một nhà máy bia, một nhà máy đường và... một trường đại học"...
 
 
                             Báo Nhân dân


Các tin đã đưa ngày: