Khẩn cấp đối phó với bão số 10

(14/10/2009)

Nội dung công điện khẩn như sau:

Bão số 10 đang hoạt động trên Biển Ðông, dự báo 12 đến 24 giờ tới, bão số 10 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh và các tỉnh phía Nam đồng bằng sông Hồng, với sức gió vùng tâm bão mạnh cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Ðể triển khai kịp thời các biện pháp khẩn cấp đối phó với bão số 10, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh tiếp tục thực hiện nghiêm các công điện của Ban Chỉ đạo PCLBT.Ư; chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, tiếp tục nắm chắc số lượng tàu thuyền còn hoạt động trên biển, hướng dẫn di chuyển về nơi tránh bão; tổ chức neo đậu an toàn cho tàu thuyền trong các khu tránh trú bão, khi bão đổ bộ vào kiên quyết không để người trên các tàu thuyền và khu nuôi trồng thủy sản ven biển; huy động nhân dân triển khai ngay việc chằng, chống nhà cửa, kho tàng trường học, bệnh viện; phối hợp với các lực lượng vũ trang trên địa bàn thực hiện việc di dời dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm (ven biển, vùng cửa sông, vùng có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất). Việc di dời phải hoàn thành trước 22 giờ ngày 13-10-2009; tổ chức lực lượng canh gác bảo đảm an ninh trật tự ở những khu vực phải di dời dân đi.

2- Ủy ban quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn chỉ đạo các trung tâm cứu nạn và các lực lượng tìm kiếm cứu nạn của các Bộ, ngành và địa phương nằm trong khu vực bão sẽ đổ bộ vào chuẩn bị lực lượng, phương tiện, sẵn sàng thực hiện việc cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn khi có sự cố xảy ra.

3- Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị đóng quân trên địa bàn các tỉnh ven biển nằm trong khu vực ảnh hưởng của bão phối hợp với lực lượng của địa phương triển khai ngay giúp đỡ chính quyền địa phương thực hiện việc di dời sơ tán dân ra khỏi những vị trí nguy hiểm.

4- Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cử 3 Ðoàn công tác do Bộ trưởng - Trưởng ban Cao Ðức Phát đi Thái Bình, Nam Ðịnh, do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Vũ Văn Tám đi Ninh Bình, Thanh Hóa, do Trung tướng Nguyễn Sơn Hà - Chánh văn phòng Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đi Quảng Ninh, Hải Phòng phối hợp với địa phương trực tiếp chỉ đạo triển khai các biện pháp đối phó với bão số 10.

5- Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 10, thông tin kịp thời cho Ban Chỉ đạo PCLBT.Ư, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương và nhân dân biết để phòng, tránh hiệu quả.

6- Các bộ: Công thương, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo chức năng nhiệm vụ của mình làm tốt các nhiệm vụ sau: bảo đảm an toàn cung cấp điện, chuẩn bị các phương tiện bảo đảm giao thông, thông tin liên lạc, bảo đảm an toàn cho khách du lịch.

7- Ðài Truyền hình Việt Nam, Ðài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương tăng thời lượng đưa tin, thường xuyên thông báo diễn biến của bão số 10 cho các Bộ, ngành, địa phương và nhân dân biết để chủ động phòng, tránh.

Chiều 13-10, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì buổi họp khẩn cấp triển khai các biện pháp đối phó với bão số 10 của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương - Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành các biện pháp đối phó với bão số 10 trước 22 giờ ngày 13-10. Các đoàn công tác của Ban Chỉ đạo căn cứ Công điện 54/CÐ-T.Ư hồi 14 giờ 30 phút ngày 13-10, hoàn thành các công việc ngay trong đêm, lưu ý xử lý với khách du lịch, nhất là vùng Quảng Ninh. Bộ đội Biên phòng, Bộ Giao thông vận tải kiểm tra tàu thuyền trên biển, sơ tán ngư dân khỏi tàu thuyền, lồng bè, bảo đảm tính mạng của người dân.

Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo đôn đốc lực lượng Biên phòng các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên - Huế triển khai kế hoạch phòng, chống bão, phối hợp với chính quyền địa phương giúp dân kêu gọi, hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tàu thuyền, lồng bè, mảng; sơ tán dân khỏi vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Bộ đội Biên phòng tăng cường các biện pháp tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, thực hiện nghiêm lệnh cấm biển của địa phương; duy trì 2.869 cán bộ, chiến sĩ và 198 phương tiện các loại sẵn sàng tham gia cùng các lực lượng và chính quyền địa phương PCLB, TKCN; tổ chức bắn pháo hiệu báo bão tại 26 điểm thuộc các đồn, trạm ven biển.

Ngày 13-10, Bộ Y tế có Công điện khẩn số 6997/CÐ-BYT gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế về việc chủ động đối phó với những diễn biến phức tạp của cơn bão số 10. Bộ yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế theo dõi diễn biến của mưa bão để có kế hoạch chủ động trong công tác phòng, chống mưa lũ, đề phòng mưa lớn trong thời gian dài và ngập lụt trên diện rộng. Sở Y tế các tỉnh, thành phố triển khai ngay các phương án bảo vệ hoặc di dời cơ sở y tế để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như trang thiết bị y tế tại các vùng có nguy cơ xảy ra mưa lũ, lên kế hoạch chủ động sơ tán cơ sở y tế ở những vùng trũng, thấp và những vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Các cơ sở y tế tổ chức trực ban, trực cấp cứu 24/24 giờ, sẵn sàng thu dung và cấp cứu miễn phí cho nạn nhân do mưa, lũ gây ra. Các đội cấp cứu cơ động luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới khi có lệnh.

Trước diễn biến phức tạp của bão số 10, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu các địa phương nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, thông báo đường đi của bão để các chủ phương tiện thủy biết; rà soát các vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở đất đá để di dời dân; đồng thời triển khai thực hiện ngay các phương án phòng, chống lụt bão đã xây dựng; kiểm tra phương tiện cứu hộ sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra. Yêu cầu Sở GTVT Quảng Ninh tăng cường chỉ đạo các đơn vị đang thi công nâng cấp cải tạo tuyến quốc lộ 18 phải có phương án chủ động phòng, chống sạt lở đất đá, bờ kè bảo đảm an toàn cho người và phương tiện, máy móc. Ðối với các huyện Yên Hưng, Tiên Yên cần có các phương án chủ động, sẵn sàng bảo vệ các tuyến đê khi có sự cố xảy ra.

Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Ninh cho biết, ngay trong sáng 13-10 đã có 420 tàu du lịch nhận được lệnh tạm dừng hoạt động đưa khách tham quan vịnh Hạ Long và 156 tàu đánh bắt xa bờ được đưa về nơi trú ẩn an toàn. Tại huyện Cô Tô trong sáng ngày 13-10 đã có gần 1.000 tàu đánh bắt xa bờ đã vào trú ẩn an toàn tại các khu vực như: vụng Nam Hà, Hồng Vàn thuộc xã Ðông Tiến, vụng Chiến Thắng thuộc xã Thanh Lân. Trong gần 1.000 tàu đánh bắt xa bờ này có hơn 200 tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân huyện Cô Tô và số còn lại là của ngư dân ở các địa phương khác đang đánh bắt, khai thác hải sản trên vùng biển Cô Tô. Ðến 17 giờ ngày 13-10, trên địa bàn huyện Cô Tô đã có gió to kèm theo mưa.

Hồi 9 giờ sáng 13-10, bão số 10 đã đổ bộ vào khu vực đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng). Bão đã làm tốc mái nhiều nhà, cây cối bị đổ, gẫy; tàu thuyền tránh trú bão trong âu cảng Bạch Long Vĩ không thể buộc neo cố định và có tàu đã bị sóng đánh chìm; cột điện chạy bằng sức gió trên đảo bị đổ gẫy, một người trong đội xung kích PCLB của Tổng đội thanh niên xung phong đã bị thương nặng trong lúc làm nhiệm vụ cứu người, cứu tàu tại âu cảng. Do bão lớn với mưa to, gió mạnh nên công tác cứu hộ, cứu nạn trên đảo gặp rất nhiều khó khăn, hiện chưa thể thống kê được số lượng thiệt hại cụ thể. Hiện nay, huyện Cát Hải đang tập trung di dân vùng trũng, thấp như các xã Hoàng Châu, Hiền Hào, Văn Phong... Các địa phương đã hướng dẫn nông dân tranh thủ thu hoạch hơn 20 nghìn ha lúa mùa, đạt 44,3% tổng diện tích gieo cấy; hoành triệt các cửa khẩu qua đê; tổ chức tiêu thoát nước đệm trên các hệ thống thủy lợi đề phòng mưa lớn; triển khai các biện pháp bảo vệ hơn ba nghìn ha đầm nuôi thủy sản ngoài đê sông, đê biển. Lực lượng xung kích PCLB gồm 43.300 người thường trực chống bão. Trong đó, lực lượng chủ lực của bộ chỉ huy quân sự thành phố gồm 1.250 cán bộ, chiến sĩ cùng 35 xe ô-tô vận tải, 28 tàu, xuồng cao tốc thường xuyên ứng trực chống bão. 

Từ đầu giờ chiều ngày 13-10, tại các huyện ven biển tỉnh Nam Ðịnh gió đã mạnh lên cấp 6, cấp 7 kèm theo triều cường gây sạt lở một số tuyến đê biển. Tuyến đê biển xã Nghĩa Phúc (huyện Nghĩa Hưng) dài 2 km đã bị sóng đánh làm sạt lở khoảng 150 m2. Các lực lượng hộ đê địa phương cùng với quân đội đã khẩn trương xử lý sự cố, đến 15 giờ cơ bản gia cố ổn định tuyến đê. Tại tuyến đê biển xã Giao Phong (khu vực Ðồn Biên phòng 88), huyện Giao Thủy vào tối 13-10  xảy ra sạt trượt dài 15 m. Ban chỉ huy PCLB huyện cùng với lực lượng quân đội tạm thời dùng bao tải cát để xử lý điểm sạt trượt này. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Nam Ðịnh, ở ba huyện ven biển vẫn còn nhiều tuyến đê xung yếu, rất dễ xảy ra sự cố khi bão đổ bộ vào: Nghĩa Hưng có đê biển Ðông-Tây Nam Ðiền và đê biển xã Nghĩa Phúc (dài 2 km); huyện Hải Hậu có hai cống Ba Nõn (xã Hải Ðông) và đê biển Hải Lý dài 5 km; huyện Giao Thủy có khu vực Ang Giao Phong rất xung yếu. Những khu vực đê biển này trong mấy ngày qua đã được Ban chỉ huy PCLB tỉnh bổ sung thêm bao tải, rọ đá, lưới thép để nếu xảy ra sự cố sẽ triển khai phương án hộ đê ngay. Theo các đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh, đến 15 giờ ngày 13-10, tại các cảng neo đậu ven biển của tỉnh Nam Ðịnh đã có 2.562 chiếc tàu, thuyền về nơi trú, tránh an toàn. Trong ngày 13-10, Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh đã gửi hai công điện khẩn yêu cầu ban chỉ huy PCLB các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 10 để chủ động phòng chống; đối với các huyện ven biển đến 19h cùng ngày đã vận động người ở các chòi canh vây, vạng vào bờ tránh bão; sơ tán triệt để nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm, sơ tán nhân dân từ nhà yếu sang nhà kiên cố, chằng chống nhà cửa kho tàng, phương tiện thiết bị tại các cảng. Tính đến ngày 13-10, toàn tỉnh đã thu hoạch được gần 30 nghìn ha lúa mùa, tuy nhiên vẫn còn hơn 50 nghìn ha chưa gặt do đó nguy cơ  ngập úng ảnh hưởng  đến năng suất là rất lớn.

Ðến 21 giờ ngày 13-10, các đơn vị ở Ninh Bình đã kêu gọi hơn 120 phương tiện với hơn 300 lao động nghề cá trên biển và gần 1.200 lao động làm nghề nuôi trồng thủy sản ngoài đê Bình Minh II vào nơi tránh bão an toàn. Công ty KTCTTL tỉnh đã chủ động triển khai phương án tiêu úng, mở 59 cống dưới đê và vận hành 52 máy bơm của 22 trạm bơm tiêu kiệt nước đệm bảo vệ cho 12.097 ha cây vụ đông đã trồng. Công ty TNHH một thành viên điện lực Ninh Bình trực 24/24 giờ bảo đảm an toàn lưới điện để sẵn sàng cấp điện cho các trạm bơm tiêu úng.

Tại huyện miền núi Nho Quan chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện gồm: Lực lượng xung kích 1.292 người, đất dự phòng 6.770 m3, đá hộc 1.633 m3, cát 600 m3, cọc tre 24.246 chiếc, 8 xuồng máy và 72 thuyền phục vụ cứu hộ... sẵn sàng đối phó với mưa bão, lũ.

Ðồng chí Ðinh Quốc Trị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, các cán bộ của tỉnh đã tỏa về cơ sở để cùng nhân dân triển khai phương án phòng chống bão. Các công trình thủy lợi như đê Bình Minh II, đê Tả Hoàng Long đã cơ bản hoàn thành và khá kiên cố. Ðặc biệt hệ thống cống hiện đại được xây dựng ở tràn Lạc Khoái (Gia Viễn) có thể khống chế ở mức nước cao hơn năm ngoái bởi có van xả hiện đại bằng điện.

Chiều 13-10, biển Sầm Sơn đã có sóng cao hơn 1 m. Cư dân địa phương khẩn trương chằng chống nhà cửa. Tiếng trống, phèng la vang liên tục thúc lên. Chưa bao giờ người vùng biển Thanh Hóa khẩn trương như thế. Tính đến 16 giờ, 1.114/1.216 phương tiện đánh bắt trên biển cùng 5.190 lao động của địa phương đã cập bến an toàn. Số còn lại đã neo đậu an toàn ở các khu trú tránh ngoài tỉnh.

Tại âu tàu xã Quảng Tiến, thị xã Bỉm Sơn (âu tàu có sức chứa 700 tàu vừa đưa vào sử dụng) trong chiều qua đã có hàng trăm chiếc tàu đánh cá nội, ngoại tỉnh vào trú tránh.

Nhờ nhận được thông báo từ đất liền, 45 phương tiện cùng hơn 450 ngư dân của xã Quảng Tiến đã chủ động trú tránh tại Cát Bà và Bạch Long Vĩ. Tuy nhiên đã có 2 chiếc tàu đã bị đắm và một người bị thương. UBND xã Quảng Tiến 19 giờ tối qua đã huy động được 160 người, hơn 1.000 rọ sắt, 300 m3 đá để cắm chốt tại những vùng biển xung yếu, sẵn sàng đối phó với tình huống bất thường xảy ra.

Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống bão lụt tỉnh Thanh Hóa, trước khi bão số 10 đổ bộ vào Vịnh Bắc Bộ, Thanh Hóa có 8.365 tàu thuyền với 29.938 lao động trên biển. Ðến thời điểm này các địa phương trong tỉnh đã kêu gọi người, số phương tiện nêu trên vào nơi trú ẩn an toàn, trong đó có hơn 500 phương tiện neo đậu ở các bến ngoài tỉnh.

Trong đêm 13-10, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Thanh Hóa chia thành nhiều hướng trực tiếp xuống cơ sở cũng như các địa bàn trọng yếu ở các huyện ven biển: Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Tĩnh Gia và thị xã Sầm Sơn  hỗ trợ  địa phương chằng chống nhà cửa, kho tàng, phương tiện, thiết bị ở cơ sở; kiểm tra việc chuẩn bị lương thực, thực phẩm và nước uống để khi cần sẽ kịp thời ứng cứu cho người dân. Các cấp ủy, chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã và đang huy động mọi nguồn lực đối phó với bão số 10, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Theo báo cáo từ Ban chỉ huy PCLB tỉnh Nghệ An, đến 15 giờ ngày 13-10, 4.482 tàu với 23.000 lao động đánh bắt hải sản trên biển đã vào đất liền tránh bão số 10 an toàn, trong đó có hơn 20 phương tiện vào trú ẩn ở các tỉnh bạn Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Cát Bà - Hải Phòng.

Ban chỉ huy PCLB cũng đã triển khai các phương án tránh bão an toàn cho dân và đối phó với mưa lớn xảy ra lũ quét ở các huyện miền núi cao. Chỉ đạo các địa phương nhanh chóng kiểm tra gia cố các công trình thủy lợi, các hồ đập. Các lực lượng cứu hộ cứu nạn đều đã chuẩn bị đầy đủ phương tiện sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra.

Hồi 22 giờ ngày 13-10, vị trí tâm bão số 10 ở vào khoảng 20,4 độ vĩ bắc; 107,5 độ kinh đông, trên khu vực vịnh Bắc Bộ, cách bờ biển các tỉnh Quảng Ninh - Thanh Hóa khoảng 110 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, cấp 11 (tức là từ 89 đến 117 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14.
Bão số 10 đã gây ra gió mạnh cấp 10, cấp 11, giật cấp 13, cấp 14 trên vịnh Bắc Bộ; vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão số 10 di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 km. Ðến 10 giờ ngày 14-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,5 độ vĩ bắc, 106,3 độ kinh đông, trên khu vực các tỉnh Quảng Ninh - Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (tức là từ 75 đến 102 km một giờ), giật cấp 11, cấp 12. Tính từ tâm bão vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200 km.

Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, bão số 10 di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 km. Ðến 22 giờ ngày 14-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,3 độ vĩ bắc, 105,2 độ kinh đông, trên địa phận các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 km đến 74 km một giờ), giật cấp 9, cấp 10. Tính từ tâm bão vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200 km.

Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão số 10 di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng  10 - 15 km, tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Ðến 22 giờ ngày 15-10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 20,0 độ vĩ bắc, 103,0 độ kinh đông, trên khu vực Thượng Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Do ảnh hưởng của bão kết hợp với hoạt động của không khí lạnh, khu vực vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10, cấp 11, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội. Ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Ðịnh, Ninh Bình, Thanh Hóa có gió mạnh cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 12, cấp 13; Các tỉnh từ Nghệ An, Hà Tĩnh đến Quảng Trị, vùng đồng bằng Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa cần đề phòng nước biển dâng cao kết hợp với thủy triều cao từ 3 - 5 mét. Phía đông Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng.

(Theo Trung tâm Dự báo
Khí tượng thủy văn T.Ư

 

                                        Báo Nhân dân



Các tin đã đưa ngày: