Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Đã đảm bảo tính bền vững của ngân sách nhà nước

(30/10/2018)

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, những kết quả đạt được trong 3 năm 2016-2018 là khá tích cực; một số chỉ tiêu đã đạt được trước thời hạn; tính bền vững của ngân sách nhà nước (NSNN) được củng cố, góp phần duy trì ổn định vĩ mô.

 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: Cơ cấu lại ngân sách nhà nước đạt kết quả tích cực.

 

Chiều 29/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã giải trình làm rõ thêm một số ý kiến Đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến việc cơ cấu lại NSNN; việc thực hiện và giao dự toán thu từ các khu vực kinh tế, một số địa phương trọng điểm thu và quản lý vốn vay ODA.

Cơ cấu lại ngân sách đạt kết quả tích cực

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, những kết quả đạt được trong 3 năm 2016-2018 là khá tích cực; một số chỉ tiêu đã đạt được trước thời hạn; tính bền vững của NSNN được củng cố, góp phần duy trì ổn định vĩ mô.

Theo đó, thu NSNN 3 năm đều vượt dự toán, đạt khoảng 54-55% kế hoạch (trong khi giá trị GDP đạt 52-53% kế hoạch của 5 năm), tỷ lệ động viên vào NSNN đạt 24,9% GDP, trong đó từ thuế, phí đạt 21% GDP, đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Quốc hội (tỷ lệ động viên vào NSNN không thấp hơn 23,5% GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 21% GDP).

Tỷ trọng thu nội địa tăng từ mức 75% năm 2015 lên gần 82% năm 2018; trong khi quy mô thu ngân sách bình quân 3 năm 2016-2018 bằng 1,5 lần bình quân giai đoạn 2011-2015. Trong đó, thu nội địa tăng 1,78 lần (nếu trừ đất, trừ phần bán vốn, cổ tức tại các doanh nghiệp nhà nước, tăng 1,62 lần). Tỷ trọng thu dầu thô và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) giảm tương ứng từ 23% xuống còn 18% trong cùng kỳ.

Đối với ý kiến một số đại biểu cho rằng, số tăng thu NSNN trong 3 năm qua chủ yếu là thu tiền sử dụng đất, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, điều này là đúng vì khoản thu này phụ thuộc nhiều vào thị trường và điều hành của chính quyền từng địa phương. Tuy nhiên, cũng như một số nguồn thu từ khai thác khoáng sản, bán tài sản Nhà nước, tỷ trọng khoản thu tiền sử dụng đất trong thu nội địa đang có xu hướng giảm, từ mức khoảng 11% năm 2016, 12% năm 2017, xuống còn 10,6% năm 2018 và dự kiến giảm còn khoảng 6,7% năm 2020.

“Đối với một số địa phương, các nguồn thu này đã giảm mạnh thời gian qua. Chẳng hạn, Đà Nẵng đã từng có lúc thu tiền sử dụng đất chiếm gần 50% tổng thu ngân sách địa phương (NSĐP), thì nay chỉ còn khoảng trên dưới 10%; Quảng Ninh, năm 2011 thu từ khai thác khoáng sản (chủ yếu là than) chiếm gần 60% thu NSĐP, thì đến nay còn khoảng 45%; trong khi chi ngân sách của các địa phương này vẫn tăng nhờ thu thuế, phí từ hoạt động sản xuất – kinh doanh trong nước tăng nhanh”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói. 

Về chi ngân sách, theo Bộ trưởng, kết quả cơ cấu lại là tích cực, sớm đạt yêu cầu theo Nghị quyết 25 của Quốc hội và tính bền vững NSNN được củng cố.

 Theo đó, đã tăng tỷ trọng chi cho đầu tư phát triển. Dự toán năm 2015 là 17% tổng chi NSNN; nghị quyết của Quốc hội yêu cầu giai đoạn 2016-2020 bố trí tăng lên bình quân 25-26%, dự toán NSNN 3 năm đã bố trí trên 26%, thực tế thực hiện còn lên đến 27-28% nhờ tăng thu NSĐP.

Cùng với đó, đã giảm tỷ trọng chi thường xuyên: Dự toán năm 2015 là 66,8%; Quốc hội yêu cầu giảm dần xuống mức dưới 64%, dự toán 3 năm 2016-2018 đã bố trí khoảng 64%, thực hiện xuống còn 63%, trong khi vẫn điều chỉnh tiền lương bình quân 7%/năm, cùng với triển khai chính sách giảm nghèo đa chiều, an sinh xã hội, đảm bảo một số nhiệm vụ an ninh - quốc phòng,... “3 năm gần đây thu ngân sách đều có tích luỹ cho đầu tư phát triển”, người đứng đầu ngành Tài chính nói.

Bên cạnh đó, bội chi NSNN được kiểm soát chặt chẽ, cả về số tuyệt đối và tỷ lệ so với GDP; trong điều hành phấn đấu giảm so với dự toán và giảm dần qua các năm: nếu như bình quân giai đoạn 2011-2015 là 5,79% GDP; năm 2018 dự kiến còn 3,67% GDP (dự toán là 3,7%).

Các khoản nợ công cũng được kiểm soát chặt chẽ; bố trí trả nợ đầy đủ. Nhờ vậy, tốc độ tăng nợ công đã giảm gần một nửa, từ mức tăng trên 18% trong giai đoạn 2011-2015 xuống còn 9,6% của 3 năm 2016-2018, góp phần đưa tỷ lệ nợ công giảm từ mức 63,7% GDP năm 2016 xuống còn 61,4% GDP năm 2018 và dự kiến xuống còn 61,3% năm 2019 và 60,8% năm 2020...

 Kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu nợ

Về băn khoăn của Đại biểu Quốc hội về nghĩa vụ chi trả nợ gốc có xu hướng tăng nhanh, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, “điều này là đúng”. Bởi vì, trong giai đoạn 2012-2014, trước tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, để có nguồn lực ổn định vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, chúng ta đã phải huy động một lượng lớn trái phiếu chính phủ kỳ hạn 3-5 năm, dẫn đến nhu cầu trả nợ gốc chủ yếu vào thời điểm hiện nay. Bên cạnh đó, các khoản vay ODA trước đây hết thời gian ân hạn về trả nợ gốc, cùng với việc phải áp dụng điều khoản trả nợ nhanh đối với nguồn vốn vay IDA, ADF, nên áp lực trả nợ gốc gia tăng.

“Tuy nhiên, so với mấy năm trước, áp lực huy động cho NSNN, bao gồm vay cho bù đắp bội chi và vay trả nợ gốc – hay nôm na là vay đảo nợ, đã giảm mạnh.  Cụ thể, năm 2018, tổng mức vay của NSNN là 363 nghìn tỷ đồng, trong khi năm 2014 là 441 nghìn tỷ đồng, năm 2015 là 447 nghìn tỷ đồng, năm 2016 là 389 nghìn tỷ đồng”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết thêm.

Việc kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu nợ đã góp phần quan trọng trong việc tiếp tục cải thiện mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam (năm 2018, Fitch và Moody’s đã lần lượt nâng bậc hệ số tín nhiệm của Việt Nam lên mức BB/Ba3). Tháng 7 vừa qua, Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF cũng nhận định tình hình tài chính công của Việt Nam trong trung hạn ở mức ổn định, rủi ro khủng hoảng nợ ở mức thấp.

Đối với nợ nước ngoài của Chính phủ, đã tích cực cơ cấu lại theo hướng giảm dần tỷ trọng từ 60% năm 2011 xuống còn khoảng 40% cuối năm 2018. Theo đó, tỷ lệ nợ nước ngoài của Chính phủ giảm từ mức 24% GDP vào cuối năm 2011 xuống còn 21% GDP giai đoạn 2016-2018. Đối với nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh, đã hạn chế cấp bảo lãnh cho các dự án mới. Theo đó, dư nợ được Chính phủ bảo lãnh giảm từ mức 10,9% GDP năm 2015 xuống còn 8,7% GDP năm 2018; trong đó bảo lãnh nước ngoài giảm từ mức 5,9% GDP vào cuối năm 2015 xuống còn khoảng 5% GDP vào cuối năm 2018.

Riêng đối với nợ nước ngoài tự vay tự trả của doanh nghiệp (hiện chiếm khoảng 50% tổng nợ nước ngoài của quốc gia), Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, nợ có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây và là nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng nợ nước ngoài của quốc gia so với GDP. Riêng năm 2017, nợ nước ngoài tự vay tự trả của doanh nghiệp tăng tới 42%, trong đó có khoản vay của Công ty Vietnam Beverage trị giá 4,8 tỷ USD để mua cổ phần Sabeco...

Điều chỉnh dự toán thu sát với thực tế

Liên quan đến thực hiện và giao dự toán thu từ các khu vực kinh tế và một số địa phương trọng điểm thu, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2018, Chính phủ đang báo cáo ước thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chỉ đạt 97,1% dự toán; thu từ khu vực doanh nghiệp FDI đạt 84,9%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 97,8% dự toán. Nguyên nhân chủ yếu do dự toán năm 2018 tính cao: khu vực DNNN tăng 13,1% so với năm 2017; khu vực FDI tăng 30,1%; khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 20,4%.

Bên cạnh đó, còn do số ước năm 2017 cao (thực hiện thu năm 2017 từ 3 khu vực này thấp hơn trên 34 nghìn tỷ đồng so với nền ước tại thời điểm tính dự toán năm 2018). “Mặc dù không đạt dự toán, nhưng thu NSNN từ 3 khu vực kinh tế năm 2018 vẫn tăng trưởng khá (khu vực DNNN ước tăng 9,7%; khu vực FDI tăng 10,4%; khu vực ngoài quốc doanh tăng 17,7%), tính chung 3 khu vực tăng khoảng 12,8%, là mức tích cực so với đánh giá tăng trưởng kinh tế đạt khoảng trên 6,7% và lạm phát khoảng 4%", người đứng đầu ngành Tài chính khẳng định trước Quốc hội.

Theo Bộ trưởng, để đạt được kết quả trên, ngoài sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, còn có phần đóng góp rất lớn của các địa phương, đặc biệt là 16 địa phương có điều tiết thu về ngân sách trung ương (chiếm trên 70% tổng thu nội địa). Đây là các địa phương có quy mô kinh tế lớn, công nghiệp và dịch vụ tăng trưởng khá, có nhiều dư địa thu ngân sách,... Do đó, khi xây dựng dự toán thu, Chính phủ giao cho các địa phương này ở mức phấn đấu cao hơn mức bình quân chung trên cơ sở yêu cầu bám sát thực tế phát triển kinh tế trên địa bàn và đẩy mạnh công tác quản lý thu, chống thất thu, xử lý thu hồi nợ thuế,..

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn có khác biệt giữa thực tế và dự báo, dẫn đến việc hoàn thành dự toán thu ở một số địa phương là khó khăn. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, nhìn tổng thể thu NSNN cả nước, việc giao dự toán thu đã dần sát hơn với thực tế.

Tiếp thu ý kiến của Quốc hội, qua kinh nghiệm triển khai dự toán 3 năm 2016-2018, dự toán thu NSNN năm 2019 giao cho các địa phương đã có sự điều chỉnh lại sát với thực tế phát sinh trên địa bàn.

Cần rà soát để bổ sung vốn cho dự án thực sự cấp thiết

Về quản lý vốn ODA, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, khi khoản vay được Chính phủ Việt Nam tiếp nhận về, thì việc phân bổ, giao dự toán và quản lý nguồn vốn ODA từ trước đến nay vẫn được giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì trình trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và dự toán chi đầu tư phát triển hàng năm.

Theo Bộ trưởng, thực tế trong 3 năm 2016-2018, dự toán nguồn vốn ngoài nước là 60 nghìn tỷ đồng/năm, nhưng tỷ lệ giải ngân đều thấp hơn dự toán. Trường hợp bổ sung thêm kế hoạch trung hạn 60 nghìn tỷ đồng, thì số dự toán năm 2020 sẽ tăng mạnh, chưa tính đến số lũy kế chưa giải ngân của các năm 2016-2018. “Vì vậy, chúng tôi nhất trí ý kiến của một số đại biểu cho rằng cần rà soát thật cụ thể, lựa chọn bổ sung vào kế hoạch trung hạn và bổ sung kế hoạch vốn cho các dự án thực sự cần thiết, cấp bách, thuộc diện ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngoài nước và đáp ứng các điều kiện giải ngân tốt”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Đối với các dự án vốn ngoài nước cấp phát cho địa phương một phần và cho vay lại một phần, theo Bộ trưởng, việc điều chỉnh tăng kế hoạch vốn ngoài nước đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương để đảm bảo tiến độ giải ngân và giữ các chỉ tiêu bội chi, nợ công, nợ chính quyền địa phương đã được Quốc hội quyết định.

Với nguyên tắc bổ sung kế hoạch vốn ngoài nước trên cơ sở giảm kế hoạch nguồn vốn TPCP, nên về cơ bản, các mục tiêu bội chi NSNN, nợ công đến năm 2020 sẽ không bị tác động. Tuy nhiên, để tránh các áp lực trong việc thực hiện các mục tiêu giảm dần bội chi, nợ công từ năm 2021 trở đi theo Nghị quyết số 07 của Bộ Chính trị, không chỉ đánh giá các tác động bội chi, nợ công trong kỳ trung hạn 2016-2020, mà phải đánh giá các tác động bội chi, nợ công của toàn bộ kỳ Hiệp định đối với các dự án xem xét bổ sung vào kế hoạch trung hạn 2016-2020; trên cơ sở đó rà soát, lựa chọn, bổ sung các dự án thỏa mãn các điều kiện về tính cần thiết, cấp bách, ưu tiên sử dụng vốn ngoài nước, đủ điều kiện giải ngân; đồng thời các tác động của tổng quy mô giá trị vốn vay theo Hiệp định đối với bội chi NSNN, nợ công ở mức hợp lý./.

 

 

Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam

 



Các tin đã đưa ngày: