Hồi 7 giờ ngày 29/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,1 độ Vĩ Bắc; 126,0 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-Dông (Philippines) khoảng 370km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150-185km/giờ), giật cấp 17.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 7 giờ ngày 29/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,1 độ Vĩ Bắc; 126,0 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-Dông (Philippines) khoảng 370km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150-185km/giờ), giật cấp 17.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 7 giờ ngày 30/10, vị trí tâm bão ở khoảng 16,7 độ Vĩ Bắc; 121,5 độ Kinh Đông, ngay trên đảo Lu-Dông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (135-150km/giờ), giật cấp 15.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Đến 7 giờ ngày 31/10, vị trí tâm bão ở khoảng 17,2 độ Vĩ Bắc; 117,8 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 570km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 14.
Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km. Đến 7 giờ ngày 01/11, vị trí tâm bão ở khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc; 115,3 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 420km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/giờ), giật cấp 14. Cấp độ rủi ro thiên tai trên khu vực Đông Bắc Biển Đông: cấp 3.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai, Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn vừa ban hành Công điện số 53/CĐ-TW ngày 20/10/2018 chỉ đạo ứng phó siêu bão YUTU.
Cụ thể, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Phòng chống thiên tai, Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ: Quốc phòng, Giao thông vận tải, Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,... chỉ đạo triển khai ngay một số nội dung sau:
Thứ nhất, thông báo cho chủ và thuyền trưởng các phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển của siêu bão để chủ động phòng tránh.
Thứ hai, thường xuyên theo dõi diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin đại chúng, giữ liên lạc thường xuyên với chủ và thuyền trưởng các phương tiện, tàu thuyền để thông tin, xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.
Thứ ba, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Thứ tư, các cơ quan thông tấn, báo chí của trung ương và địa phương thường xuyên cập nhật thông tin về diễn biến của bão, thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để các cấp chính quyền, chủ và thuyền trưởng các phương tiện tàu, thuyền hoạt động trên biển, người dân biết để chủ động phòng tránh.
Thứ năm, tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn./.
Nguồn: Cổng TTĐT Chính phủ