Trăn trở kéo dài thời gian bảo quản thóc

(12/10/2018)

Chia sẻ với Cổng Thông tin điện tử Dự trữ Nhà nước (DTNN), ông Phan Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ bảo quản, Tổng cục DTNN cho biết: “Nhiều năm qua, ông cùng các cộng sự luôn trăn trở, tìm tòi nghiên cứu để làm sao thực hiện Chiến lược dự trữ quốc gia với mục tiêu kéo dài được thời gian bảo quản thóc lên 1,5 lần nhằm giảm áp lực nhập, xuất kho khi đến hạn đổi hàng, giảm được chi phí nhập, xuất và kê lót”.

 

 

Ông Phan Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ bảo quản, Tổng cục DTNN

 

Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu

Đối với ngành dự trữ quốc gia, công tác quản lý chất lượng hàng dự trữ quốc gia, trong đó có bảo quản lương thực luôn là nhiệm vụ cơ bản, quan trọng hàng đầu trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ của ngành.

Trong bảo quản lương thực thì việc kéo dài thời gian bảo quan thóc luôn được lãnh đạo Bộ Tài chính, lãnh đạo Tổng cục DTNN đặc biệt quan tâm, chỉ đạo, nhất là sau khi Luật dự trữ quốc gia có hiệu lực thi hành (01/07/2013).

Chia sẻ thêm, ông Phan Anh Tuấn nhấn mạnh, bảo quản lương thực là công tác quan trọng nhất sau thu hoạch, góp phần bảo đảm an toàn lương thực quốc gia. Trong bảo quản lương thực việc đưa công nghệ và kỹ thuật bảo quản là khâu then chốt nhất quyết định chất lượng hiệu quả của công tác bảo quản lương thực.

Chính vì vậy, nhiều năm qua, ông và các cộng sự đã luôn trăn trở, dày công nghiên cứu để làm sao thực hiện Chiến lược dự trữ quốc gia với mục tiêu kéo dài thời gian bảo quản thóc lên 1,5 lần nhằm giảm áp lực nhập, xuất kho khi đến hạn đổi hàng, giảm được chi phí nhập, xuất và kê lót.

Xuất phát từ mục tiêu này, trên hướng tiếp cận môi trường bảo quản nghèo oxy, ức chế hoạt động hô hấp của hạt thóc từ công nghệ bảo quản áp suất thấp mà ngành đang triển khai rộng rãi, nhóm nghiên cứu thử nghiệm bảo quản thóc đóng bao trong môi trường bổ sung khí Nitơ với thời gian bảo quản 36 tháng tại miền Bắc và miền Trung, Tây Nguyên nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trong bảo quản thóc DTQG.

“Qua tìm hiểu và so sánh giữa 02 khí trơ (N2, CO2), chúng tôi tiến hành thử nghiệm bảo quản thóc DTQG trong môi trường có bổ sung khí N2 được duy trì nồng độ cao trên 98% với mục tiêu lưu kho đến 36 tháng, đáp ứng được chất lượng thóc DTQG khi xuất kho theo QCVN 14: 2014/BTC Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thóc dự trữ quốc gia”.

Ông Phan Anh Tuấn chia sẻ, vật liệu nghiên cứu là thóc dự trữ quốc gia nhập kho vụ Đông xuân năm 2015 tại khu vực miền Bắc và miền Trung, Tây Nguyên theo thang tiêu chuẩn chất lượng tại QCVN 14: 2014/BTC Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thóc dự trữ quốc gia (QCVN 14: 2014/BTC).

Ông Phan Anh Tuấn nói: “Chúng tôi đã bố trí 03 ngăn kho thử nghiệm và một ngăn kho đối chứng (mỗi kho 80 tấn). Với ngăn kho thử nghiệm đã nạp bổ sung khí Nitơ nồng độ trên 98% khi kho đã được bao kín bằng màng PVC với lượng 0,8 kg/tấn/lần; duy trì thường xuyên ở nồng độ thử nghiệm trên 98%. Còn ngăn kho đối chứng được bảo quản trong điều kiện áp suất thấp theo quy trình tại QCVN 14: 2014/BTC”.

Trao đổi rõ hơn về phương pháp nghiên cứu, ông cho biết, cách thức duy trì Nitơ ở nồng độ ≥ 98% là dán kín màng và nạp khí Nitơ đạt nồng độ yêu cầu, đo kiểm tra nồng độ khí thường xuyên. Kết quả nghiên cứu nồng độ khí N2 duy trì không giảm luôn ≥ 98%.

Việc đánh giá chất lượng thóc gạo và sự suy giảm chất lượng thóc thông qua một số chỉ tiêu cơ bản như: Các chỉ tiêu cơ lý (độ ẩm hạt, tỷ lệ hạt biến vàng, tỷ lệ hạt không hoàn thiện, tỷ lệ tạp chất,...); Sự biến đổi độ axit chuẩn độ (độ chua); Biến đổi chất lượng nấu nướng (qua đánh giá cảm quan cơm); Sự suy giảm hàm lượng các chất dinh dưỡng chính (protein, lipid, glucid) và vitamin B1.

Bảo quản hàng triệu tấn lương thực an toàn về chất lượng, số lượng

Sau thời gian thử nghiệm, ông vui mừng cho biết, kết quả thử nghiệm đạt được như mục tiêu đề ra, đã kéo dài được thời gian lưu kho của thóc DTQG bảo quản đóng bao lên 36 tháng vẫn đảm bảo chất lượng tốt. Trong đó, chất lượng thóc suy giảm ít, cơ bản giữ được chất lượng dinh dưỡng, giá trị thương phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường; tỷ lệ hao hụt sau 36 tháng là 1,01%, giảm 0,75% so với định mức cho phép đối với thóc DTQG (1,76%).

Bảo quản thóc DTQG trong môi trường duy trì nồng độ N2 ≥98% hiệu quả hơn bảo quản thóc trong điều kiện áp suất thấp với việc giảm chi phí nhập, xuất, bảo quản và giảm tỷ lệ hao hụt, hạn chế đọng sương chuyển mùa.

Nói rõ hơn về hiệu quả kinh tế, Vụ trưởng Phan Anh Tuấn phân tích, khi quy đổi về cùng đơn vị thời gian bảo quản của một lượng thóc có các chỉ tiêu đầu vào như nhau, chúng tôi thấy việc kéo dài được thời gian lưu kho của thóc từ 24 tháng lên 36 tháng là một yếu tố làm tăng hiệu quả kinh tế. Cụ thể, nếu bảo quản 36 tháng nhập 2 lần được 72 tháng bảo quản; nếu bảo quản 24 tháng nhập 3 lần được 72 tháng bảo quản. Như vậy, tính một cách cơ học thì kéo dài thời gian bảo quản đã tiết kiệm chi phí 1 lần bảo quản ban đầu, 1 lần nhập, 1 lần xuất và 01 lần hao hụt bảo quản. Theo tính toán, bảo quản bổ sung khí N2  sẽ giảm được 106.742 đồng/tấn/năm.

Có thể khẳng định, những năm qua, ngành Dự trữ Quốc gia đã bảo quản hàng triệu tấn lương thực đảm bảo an toàn về chất lượng, số lượng đáp ứng nhu cầu an sinh xã hội, cứu hộ cứu nạn do thiên tai địch họa và bình ổn thị trường.

Dù vậy việc bảo quản lương thực DTQG nói chung, bảo quản thóc nói riêng với số lượng lớn, thời gian dài, cần được thường xuyên nghiên cứu hoàn thiện thay đổi công nghệ đảm bảo chất lượng tốt hơn, hao hụt về số lượng thấp hơn, giảm giá thành bảo quản và phù hợp với vùng sâu vùng xa, vung núi hải đảo

Trên cơ sở kết quả rất khả quan của đề tài, hi vọng đây sẽ là một cơ sở khoa học để sửa đổi, bổ sung phương pháp bảo quản thóc trong môi trường duy trì nồng độ N2 ≥ 98% vào quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với thóc DTQG (QCVN 14: 2014/BTC).

                       Bài và ảnh: Nguyễn Hồng Sâm



Các tin đã đưa ngày: