Duy trì kích thích kinh tế để vượt qua khủng hoảng

(25/09/2009)

Trả lời phỏng vấn báo Spiegel (Ðức) ngày 14-9, nhân một năm sự kiện sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers nổi tiếng Phố Uôn (ngày 15-9-2008), đánh dấu thời điểm bắt đầu cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ trên phạm vi toàn cầu, Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) D.

Trả lời phỏng vấn báo Spiegel (Ðức) ngày 14-9, nhân một năm sự kiện sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brothers nổi tiếng Phố Uôn (ngày 15-9-2008), đánh dấu thời điểm bắt đầu cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ trên phạm vi toàn cầu, Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) D.Stros-Kan nhận định, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới là một thảm hoạ, nhưng là thảm họa do chính con người gây ra. Nguyên nhân cũng một phần do sự chủ quan của giới tài chính và các nhà hoạch định chính sách. Trước ngày Lehman Brothers phá sản, Bộ trưởng Tài chính Mỹ lúc đó, ông H.Paulson tổ chức tiệc gặp mặt quan chức chính phủ và lãnh đạo giới tài chính và ngân hàng Phố Uôn. Hầu như không ai trong số người dự tiệc biết về các vấn đề của Lehman Brothers. Thậm chí, ông chủ một ngân hàng lớn còn tự tin cho rằng, các hoạt động ở Phố Uôn đang rất tốt và không cần thêm các biện pháp siết chặt quản lý.

Ông D.Stros-Kan khuyến cáo các nước cần duy trì các gói kích thích kinh tế; và cảnh báo sẽ rất nguy hiểm nếu cho rằng, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã qua. Bài học từ khủng hoảng đã chỉ rõ các nền kinh tế, kể cả những nền kinh tế được cho là hoàn toàn thị trường, vẫn cần các quy định và sự điều tiết của Nhà nước để bảo đảm vận hành tốt. Ðiều này có thể thấy rõ thực tế các gói kích thích kinh tế vừa qua đã góp phần chặn lại đà tụt dốc của hầu hết các nền kinh tế, dù có thể chế khác nhau. Ông D.Stros-Kan nhấn mạnh, bài học rút ra không chỉ đối với các chính trị gia, học giả, người làm chính sách hay giới chức nhà nước, mà quan trọng hơn là đối với giới tài chính và ngân hàng. Bởi vì, theo ông, "nếu không có các quy định mới cho hoạt động thị trường, giới thương gia sẽ dễ dàng lặp lại cách hành xử trước đây" và mọi thứ có thể lặp lại. 

Nhà kinh tế, chủ nhân Giải Nô-ben Kinh tế năm 2001, Giáo sư J.Stiglitz, cũng chia sẻ quan điểm trên. Mạng tin Bloomberg.com dẫn ý kiến của ông tại một cuộc hội thảo quốc tế tổ chức ở Băng-cốc (Thái-lan) ngày 21-8, nêu rõ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới hiện nay phản ánh thất bại của hệ thống thị trường tự do thiếu điều tiết. Theo ông Stiglitz, cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính châu Á năm 1997 đã không lan tới các nền kinh tế phát triển, nên nhiều người lầm tưởng các chính sách thị trường tự do mà phương Tây áp dụng cho lĩnh vực kinh tế tài chính là thành công, dù chúng tác động nặng nề đến các nền kinh tế châu Á. Thực tế, hệ thống tài chính theo kiểu thị trường tự do đó hoạt động cũng nhờ các biện pháp cứu trợ của chính phủ. Cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay đã chứng tỏ sự cần thiết phải tái cân bằng vai trò của thị trường, Nhà nước và các cổ đông khác trong xã hội. Quá trình toàn cầu hóa đang thúc đẩy hội nhập mạnh mẽ hơn, đòi hỏi nhiều hơn những nỗ lực tập thể, mang tính toàn cầu.

Số liệu kinh tế nửa đầu năm nay, nhất là trong quý II vừa qua, tại hầu hết các nền kinh tế lớn của thế giới (đáng chú ý là ở Mỹ, Nhật Bản, Ðức, Pháp...) đã mang lại tín hiệu lạc quan rằng, giai đoạn khó khăn nhất có thể sớm chấm dứt. Tuy nhiên, triển vọng phục hồi rất mong manh. Người đứng đầu ban điều hành IMF cảnh báo suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ còn tiếp diễn; và các chính phủ cần thận trọng khi cân nhắc ngừng các gói kích thích kinh tế. Bởi vì, các gói kích thích được tung ra thời gian qua mới phát huy hiệu quả bước đầu là chặn đà xuống dốc của các nền kinh tế, trong khi sức mua chưa phục hồi, nên các biện pháp kích cầu rất cần được tiếp tục. Theo ông D.Stros-Kan, mục tiêu kích cầu chưa đạt được còn đáng lo ngại hơn nguy cơ lạm phát, mối lo khiến nhiều chính phủ cân nhắc rút lại các gói kích thích kinh tế.

Bài bình luận trên Thời báo Tài chính (Anh) ngày 8-9 vừa qua nhận định, tình hình kinh tế thế giới đã được cải thiện, nhưng vẫn là quá sớm khi cho rằng, cuộc khủng hoảng đã chấm dứt và các chính phủ có thể ngừng nỗ lực kích thích kinh tế. Vẫn còn nhiều rủi ro: Tăng trưởng mong manh giữa ranh giới dương và âm, nếu xảy ra biến động bất ngờ; thị trường bất động sản chưa thật sự tan băng; dòng vốn ngân hàng chưa lưu thông; thị trường chứng khoán phục hồi thiếu bền vững... Trong bối cảnh trên, duy trì các gói kích cầu là giải pháp phải được xem xét trong các "đơn thuốc" sắp tới, nhằm vực dậy nền kinh tế thế giới vừa trải qua cơn bệnh nặng.

Trong một tuyên bố trước thềm Hội nghị cấp cao G-20, diễn ra trong hai ngày 24 và 25-9 tới, tại TP Pittsburgh, bang Pensinvania, miền đông Mỹ, Tổng thống Mỹ B.Obama kêu gọi nhóm các nền kinh tế lớn nhất thế giới hợp tác, đưa ra các biện pháp phối hợp hành động, nhằm bảo đảm phát triển bền vững và tránh lặp lại cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay. Ông Obama nhấn mạnh, G-20 đã phối hợp các đối tác trên toàn thế giới thực hiện các biện pháp kích thích tăng trưởng, giúp sản xuất công nghiệp dần ổn định hoặc đạt tăng trưởng, thương mại toàn cầu mở rộng và sức ép đối với các thị trường tài chính giảm đáng kể. Hội nghị Pittsburgh là dịp quan trọng để các nước bàn cách tiếp tục các nỗ lực kích thích tăng trưởng, ngăn chặn suy thoái và đặt nền móng cho phát triển cân đối và bền vững kinh tế toàn cầu. Hy vọng, cam kết của các Bộ trưởng Tài chính G-20 tiếp tục các biện pháp kích thích kinh tế, trong đó có đề xuất tiếp tục chi thêm hàng nghìn tỷ USD thúc đẩy tăng trưởng, sẽ được thông qua tại hội nghị này.
 
 
                 Báo Nhân dân

 



Các tin đã đưa ngày: