Quyết liệt bình ổn giá tại các địa phương
(27/12/2010)
Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), đến nay, các địa phương trên cả nước đều đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện nhiều cuộc kiểm tra, thanh tra việc tuân thủ pháp luật về giá trên địa bàn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 1875/CT-TTg ngày 11-10-2010 và Công văn số 2022/TTg-KTTH ngày 6-11-2010 về thành lập đoàn kiểm tra việc tuân thủ quy định về quản lý giá (QLG) ở địa phương. Kết quả kiểm tra cho thấy, các địa phương đã xử lý nhiều vụ vi phạm. Chẳng hạn tại Lâm Ðồng, đã xử lý 13 vụ vi phạm, thu phạt và truy thu thuế hơn 420 triệu đồng; TP Hồ Chí Minh xử lý 279 vụ vi phạm với số tiền phạt là 1,2 tỷ đồng; Tiền Giang xử lý bốn vụ với tổng số tiền thu phạt hơn 26 triệu đồng... Cục trưởng QLG Nguyễn Tiến Thỏa cho biết, tại các địa phương, vi phạm về niêm yết giá là khá nhiều. Vì vậy, để có thể kiểm soát được giá cả thị trường dịp Tết Nguyên đán Tân Mão thì tăng cường kiểm tra việc tuân thủ các quy định về QLG tại địa phương là một trong những giải pháp trọng tâm, trong đó cần có sự chỉ đạo phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các ngành, các cấp, địa phương và các lực lượng chức năng của tỉnh. Bên cạnh việc kiểm tra chấp hành pháp luật về giá và thuế trên địa bàn, cũng cần kiểm soát chặt chẽ phương án giá hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền quyết định của địa phương, kiểm soát chặt chẽ mức giá đăng ký, kê khai của các doanh nghiệp (DN)... Ðể làm tốt công tác bình ổn giá cả (BOG), nhiều địa phương cũng tích cực đẩy mạnh triển khai chương trình BOG. TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương đi đầu trong việc thực hiện chương trình BOG đối với một số mặt hàng thiết yếu kéo dài gần như cả năm. Thành phố hỗ trợ vốn lãi suất 0% cho các DN tham gia BOG với số tiền hơn 380 tỷ đồng từ ngày 1-6-2010 đến 31-3-2011. Ðến nay, tổng số điểm bán hàng BOG của TP Hồ Chí Minh là 1.983 điểm, tăng 89 điểm so với đầu chương trình. Chương trình BOG của TP Hồ Chí Minh đã góp phần quan trọng trong công tác BOG không chỉ của thành phố mà còn có sức lan tỏa đến các tỉnh, thành phố khu vực miền nam, qua đó góp phần bình ổn và kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng của cả nước. Không chỉ TP Hồ Chí Minh, nhiều địa phương khác cũng đang xây dựng kế hoạch hỗ trợ 100% lãi suất cho DN dự trữ hàng như Lâm Ðồng, Tiền Giang (dự kiến hỗ trợ lãi suất vay bốn tháng với số tiền vay là 46,7 tỷ đồng), TP Cần Thơ (dự kiến ứng vốn dự trữ Tết Nguyên đán Tân Mão là 30 tỷ đồng, tăng gấp hai lần so với Tết Nguyên đán Canh Dần). Tuy nhiên, một số tỉnh gặp khó khăn trong công tác BOG do nguồn ngân sách địa phương còn hạn hẹp, không thể cho DN trên địa bàn tỉnh vay vốn để dự trữ hàng Tết. Chẳng hạn tỉnh Bến Tre, do đặc điểm là tỉnh nghèo, ngân sách trung ương còn phải bổ sung, vì vậy không thực hiện hỗ trợ DN sản xuất và dự trữ hàng hóa. Mặc dù vậy, tỉnh cũng có kế hoạch phối hợp chặt chẽ giữa các ngành trong việc cân đối cung cầu hàng hóa, tổ chức tốt khâu lưu thông phân phối đồng thời hỗ trợ DN bằng các điều kiện, thủ tục hành chính; sử dụng các hình thức khuyến khích, vận động DN tham gia bình ổn thị trường... Ðánh giá công tác BOG tại các địa phương, Cục trưởng QLG (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, nhìn chung các địa phương đã chú trọng lựa chọn các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và có kế hoạch cân đối cung cầu, dự trữ để chuẩn bị nguồn hàng đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho nhân dân dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Tân Mão. Về cơ bản, hàng BOG đưa ra thị trường trong thời gian qua đã có những tác động tích cực, góp phần bình ổn và kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng của cả nước. Tuy nhiên, một trong những hạn chế của chương trình này là hiện nay, hàng BOG mới chỉ tập trung ở các siêu thị, cửa hàng lớn, trong khi tại hầu hết các chợ truyền thống đều chưa có hàng BOG, số lượng người dân tiếp cận hàng BOG còn hạn chế. Cần tăng cường thêm các điểm bán hàng BOG tại các chợ truyền thống, các khu dân cư tập trung, nếu làm tốt điều này, chương trình BOG sẽ càng phát huy được hiệu quả, góp phần dịu bớt giá cả thị trường. Bên cạnh đó, theo Cục trưởng Nguyễn Tiến Thỏa, nhằm kiểm soát giá cả và chất lượng hàng BOG, các địa phương cũng cần lựa chọn được nhiều DN có tiềm lực tài chính, khả năng kho bãi, mạng lưới phân phối... để tham gia chương trình BOG. Giá bán của các mặt hàng BOG không thể giữ cố định một cách cứng nhắc do quy luật thị trường. Tuy nhiên, DN có thể giữ ở mức giá hợp lý nếu chủ động ký trước được các hợp đồng mua hàng với các đầu mối cung cấp hàng, tránh tình trạng triển khai chậm, thực hiện theo kiểu mua 'vét hàng'. Báo Nhân dân
|
|