Xanh lại vùng lũ Quảng Trị, Quảng Bình

(29/11/2010)

 

Trồng rau màu sau lũ ở Quảng Trị.  
 Vật vã vùng lũ

Vùng lũ Triệu Phong, Hải Lăng (Quảng Trị) những ngày này, không khí thật tất bật. Tranh thủ trời hửng nắng, người dân đổ xô ra đồng cày xới, gieo trồng rau màu vụ đông xuân. Chị Nguyễn Thị Lan, ở thôn An Mô, xã Triệu Long (Triệu Phong) có nhà bị ngập lút, trôi đồ đạc và ướt hết lúa, gạo trong đợt lũ tháng 10 vừa qua cho biết, thời gian qua, gia đình chị sống nhờ vào gạo và tiền cứu trợ của Nhà nước. Ðể chuẩn bị lương thực cho gia đình trong kỳ giáp hạt, sau lũ chị đã triển khai trồng rau màu ở cồn đất cao, đến nay hằng tuần thu hoạch bán được vài trăm nghìn đồng cho nên không sợ thiếu đói. Anh Nguyễn Thành, ở thôn An Nhơn, xã Hải Hòa (Hải Lăng) lại ở vào một hoàn cảnh khác, gia đình cũng chịu thiệt hại nặng về lũ lụt. Sau lũ, mưa rét dầm dề cho nên toàn bộ đất màu bị ngập úng không sản xuất được. Từ khoản tiền dành dụm trước đây anh đã mua một đàn vịt giống hơn 150 con về nuôi thả trên đồng ruộng. Một tháng nữa là đàn vịt của anh xuất chuồng, thu lãi khoảng năm triệu đồng, đủ để gia đình anh sống qua kỳ giáp hạt, chờ mùa vụ tới.

Chị Nguyễn Thị Hòa, ở xã Hải Thành (Hải Lăng) cho biết, gia đình chị có năm sào ruộng,  đợt lũ tháng 9 vừa qua lúa chưa gặt kịp  cho nên đã mất mùa, đợt lũ đầu tháng 10 kéo dài, làm ẩm mốc thêm lương thực; hơn một sào hoa màu ngâm lâu ngày trong nước bị hư hỏng. Thời gian vừa qua, mưa tiếp tục kéo dài, gia đình không trồng rau màu được cho nên đang có nguy cơ thiếu ăn. Ðiều mà chị mong muốn nhất lúc này là trời nắng ráo thêm vài ngày nữa, nước rút nhanh để trồng rau màu.

Ði một vòng quanh các xã bị ngập lũ nặng của huyện Triệu Phong, hai tháng sau lũ, chúng tôi thấy nhiều nhà cửa bị đổ, xiêu vẹo được dựng lại, chuồng trại chăn nuôi mới mọc lên, nhiều diện tích rau màu đã xanh tốt. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hải Lăng, Nguyễn Giáp cho biết, trong đợt lũ từ ngày 2 đến 5-10 vừa qua, toàn huyện có gần 3.500 nhà dân ngập sâu từ 0,5 đến 1 m. Sau lũ đã gần hai tháng, nhưng toàn huyện còn hơn 4.000 ha hoa màu ở các xã vùng trũng chưa thể trồng màu vụ đông xuân. Vừa qua, huyện Hải Lăng được hỗ trợ ba tấn giống ngô, 400 kg giống rau các loại, nhưng chưa gieo trồng hết toàn bộ giống. Ðến nay, toàn huyện mới trồng được 70 ha rau màu. Ðể giúp người dân chuẩn bị về lương thực, thực phẩm, bảo  đảm đời sống từ nay đến mùa vụ, huyện chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người dân phát triển chăn nuôi và mở mang ngành nghề. Ở các xã vùng trũng huyện Hải Lăng đã xuất hiện nhiều mô hình chăn nuôi vịt, cá thu hoạch sau ba tháng nuôi thả, cho lãi khá, giúp người dân vượt qua thời kỳ khó khăn sau lũ. Ngoài ra, nhiều hộ gia đình đã tranh thủ thời gian nhàn rỗi làm nón lá, đan lát rổ rá, trồng nấm, buôn bán nhỏ tạo thu nhập nâng cao đời sống gia đình... Nhờ vậy đời sống của người dân sau lũ dần ổn định trở lại. Trận lũ tháng 10 đã làm  hệ thống giao thông, kênh mương, đê đập, hồ chứa ở huyện Hải Lăng hư hỏng, thiệt hại hơn 55 tỷ đồng, huyện Triệu Phong hơn 50 tỷ đồng. Ðến nay, mỗi huyện mới được phân bổ 7,1 tỷ đồng và hỗ trợ một tỷ đồng từ nguồn vốn khắc phục hậu quả bão lũ của tỉnh và trung ương. Số tiền này, các huyện ưu tiên dành sửa chữa trường học, trạm y tế và các công trình  thủy lợi, giao thông. Các công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp nhỏ chủ yếu huy động từ nội lực của địa phương và sức dân.

Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng  Phan Văn Linh đã chỉ đạo các địa phương huy động người dân và lực lượng xung kích như đoàn thanh niên, dân quân tự vệ tu sửa các công trình thủy lợi bị sạt lở, nạo vét kênh mương nội đồng bị bồi lấp để lấy nước, tiêu úng phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ đông xuân. Ðến nay, một số công trình đã được hoàn thành bằng sức dân, như các tuyến kênh tách nước cát, kênh mương nội đồng ở các xã Hải Dương, Hải Quế, Hải Thiện và Hải Thọ (Hải Lăng)... Trong thời gian tới, nếu hơn 4.000 ha ruộng lúa ở các xã vùng trũng vẫn ngập, huyện sẽ huy động máy bơm tiêu úng để đưa toàn bộ diện tích ruộng lúa vào sản xuất kịp thời vụ.

Chúng tôi về xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) sau hơn một tháng kể từ khi lũ rút. Những cánh đồng ngập lũ đã tràn ngập mầu xanh. Sau hai trận lũ vừa qua, toàn bộ 60 ha rau màu của xã mất trắng,  bùn, cát lấp hầu hết diện tích đất sản xuất. Người dân đang tập trung 'đánh' cát để lấy đất trồng rau. Ở thôn Hữu Hậu, xã Võ Ninh, hầu như nhà nào cũng trồng rau. Gia đình chị Phan Thị Hạnh có năm sào rau, phần nào giúp gia đình chị có nguồn thu ổn định để nuôi bốn đứa con đang ăn học. Trò chuyện với chúng tôi, chị Hạnh cho biết, nhờ trồng lại rau ngay sau lũ rút, mỗi tháng chị thu nhập khoảng 4 đến 5 triệu đồng, đủ để trang trải cuộc sống.

Theo Chủ tịch UBND xã Võ Ninh Lê Bá Phấn, những năm gần đây, Võ Ninh là xã chuyên canh rau ở huyện Quảng Ninh. Từ một ha rau xanh, nông dân thu từ 80 đến 100 triệu đồng, cao hơn nhiều so trồng lúa trên cùng đơn vị diện tích. Trong khi nhiều nơi, mùa hè cây cối khô quắt thì ở Võ Ninh rau vẫn xanh tươi là nhờ được che bằng các tấm lưới; mùa đông rau được giữ ấm bằng tro bếp. Cũng theo Chủ tịch UBND xã Võ Ninh, sau lũ, xã được hỗ trợ 3,8 tấn hạt giống. Nhờ vậy, bà con đã chủ động được giống để sản xuất sớm.

Tại xã 'rốn' lũ Liên Trạch, huyện Bố Trạch, người dân đang từng bước gượng dậy sau lũ. Trưởng thôn Phú Kinh Phạm Bá Ðăng cho biết, nhờ gạo cứu trợ của Nhà nước và các tổ chức xã hội cho nên 197 hộ với gần 1.000 người dân trong thôn đang dần ổn định đời sống. Giống lúa, ngô được cấp đầy đủ và hiện nông dân đang làm đất để chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân. Chị Phan Thị Liên ở thôn Phú Kinh cho biết, gia đình chị có sáu tạ lúa, nhưng nước lũ đã làm ướt toàn bộ. May nhờ Nhà nước cứu trợ gạo, mì tôm cho nên đã tạm ổn định, bây giờ tập trung cày xới đất trồng ngô, rau màu để có thêm cái ăn.

Ðể khắc phục hậu quả thiên tai, UBND tỉnh Quảng Bình phân bổ 250 tỷ đồng từ nguồn hỗ trợ Chính phủ cho các địa phương, phân bổ 15 tỷ đồng để mua 1.250 tấn giống lúa cho sản xuất vụ đông xuân 2010-2011. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài đã yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố ưu tiên hàng đầu là trợ giúp lương thực cho người dân, không để người dân thiếu đói, đứt bữa. Các vùng bị thiệt hại nặng,  trợ  giúp 100% tiền mua giống lúa, các vùng còn lại tùy vào tình hình cụ thể để quyết định mức hỗ trợ hợp lý, công bằng...

Vụ đông xuân năm nay, Công ty cổ phần Giống cây trồng Quảng Bình chuẩn bị 3.500 tấn giống lúa các loại nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất của nông dân. Tại Quảng Bình, cơ cấu bộ giống chủ lực dài ngày gồm: Xi23, X21, NX30, P6, IR35366, giống mới 94-11... Ðối với vùng đất cao, không chủ động được nước tưới và gieo muộn được bố trí giống HT1, PC6, Khang dân 18, Nhị ưu 838... Ðến cuối tháng 11, công ty đã vận chuyển đến các địa phương 2.300 tấn giống lúa, 40 tấn ngô lai để chuẩn bị cho sản xuất. Trong khi chờ đến khung lịch thời vụ, các địa phương ở Quảng Bình vận động nông dân trồng cây vụ đông và các loại rau màu chống đói. Theo Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch Ðậu Minh Ngọc, huyện chỉ đạo các xã vận động nhân dân khôi phục lại diện tích khoai vụ đông bị hư hỏng và trồng theo 800 ha khoai lang vụ đông muộn và các loại rau để bù lại một phần số lương thực đã mất và chống đói.

Khó khăn chồng chất

Về xã Triệu Phước và Triệu An, nơi có nhiều hộ gia đình nuôi tôm nhất huyện Triệu Phong, trong trận lũ vừa qua, hơn sáu km đê hồ nuôi tôm bị sạt lở, với khối lượng đất bị cuốn trôi hơn 20 nghìn m3, làm khoảng bảy tấn tôm nuôi mất trắng. Sau lũ, người dân đầu tư hàng nghìn ngày công tu sửa lại hồ nuôi chuẩn bị thả tôm giống cho vụ mới. Trong hai đợt lũ vừa qua, cùng với lương thực, thực phẩm còn có hàng trăm tấn giống lúa và rau màu của người dân hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng bị nước lũ cuốn trôi, ẩm ướt, hư hỏng. Ðến nay, mỗi huyện được Nhà nước cứu trợ hơn 200 tấn gạo, khoảng hai tỷ đồng tiền mặt,  trợ giúp gần 100 tấn giống lúa, 3,5 tấn giống ngô và rau màu. Tuy nhiên, số giống này cùng với lượng giống ở các địa phương và trong dân chỉ mới đáp ứng khoảng 30% diện tích gieo trồng trong vụ đông xuân. Huyện Hải Lăng còn thiếu khoảng 400 tấn giống lúa, hơn 10 tấn giống ngô và 1,5 tấn giống rau màu, còn huyện Triệu Phong thiếu khoảng hơn 100 tấn giống lúa, 10 tấn giống ngô và một tấn giống rau màu. Người dân tự lo được về giống rau màu, còn giống lúa thì rất khó khăn. Sau lũ gần hai tháng nhưng nhiều hồ chứa, đê đập, kênh mương bị vỡ, sạt lở ở tỉnh Quảng Trị vẫn chưa được khắc phục do thiếu nguồn vốn đầu tư, trong khi vụ đông xuân đang cận kề. Người dân lo lắng và mong được trung ương và tỉnh quan tâm, đầu tư sửa chữa kịp thời.

Tại huyện miền núi Minh Hóa (Quảng Bình) khung cảnh vẫn tiêu điều. Những mái nhà xiêu vẹo chưa được sửa sang. Hệ thống đường, cầu cống, hư hỏng ngổn ngang. Chủ tịch UBND xã Minh Hóa Cao Ngọc Uyên cho biết, đập Eo Hụ, nơi cung cấp nước tưới, nước sinh hoạt cho hàng trăm hộ dân đã bị vỡ hoàn toàn cho nên việc sản xuất của người dân đang gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, người dân vùng lũ này còn thêm một khó khăn khác, đó là thiếu nước sinh hoạt. Chị Cao Thị Kim Hương ở xã Minh Hóa cho biết, sau khi lũ rút, giếng nước nhà chị đã được cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng huyện khử trùng, nhưng đến nay, nhà chị vẫn không thể dùng lại nguồn nước do có mùi  khó chịu. Nước giếng khơi bốc mùi, nước sông thì ô nhiễm. Rác và củi khô từ đầu nguồn kéo về, dạt vào ven bờ dày đặc. Ðể có nguồn nước hợp vệ sinh, nhiều người dân Minh Hóa buộc phải mua nước sạch từ thị trấn Quy Ðạt với giá 12 nghìn đồng/thùng. Nhiều hộ gia đình  không có tiền thì ghi nợ người bán nước, có hộ nợ mấy trăm nghìn đồng, chưa biết lấy tiền đâu để trả.

Từ sau lũ đến nay, người dân các xã vùng trũng của huyện Minh Hóa như Tân Hóa, Minh Hóa, Thượng Hóa 'đói' thông tin vì không thể nghe, xem đài, ti-vi. Nguyên nhân là do các trạm phát lại truyền hình đặt ở các xã này bị hỏng nặng sau  lũ. Anh Ðinh Quang Lưu, cán bộ kỹ thuật của Ðài Truyền thanh - Truyền hình huyện  Minh Hóa, cho biết, lũ ngập tới nóc nhà hai tầng của trạm, phá hủy toàn bộ máy móc. Hơn một tháng nay, trạm vẫn chưa hoạt động trở lại. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở xã Thượng Hóa và một phần xã Minh Hóa khi trạm phát lại truyền hình xã Thượng Hóa cũng bị hỏng nặng, khiến gần 1.000 hộ dân không thể tiếp cận với thông tin đại chúng.

Vượt qua những hậu quả của thiên tai, người dân Quảng Trị, Quảng Bình đang đồng lòng, dốc sức để xây dựng cuộc sống mới. Nhưng những khó khăn và tổn thất nặng nề không thể hàn gắn ngay được nếu không có sự hỗ trợ tích của các bộ, ngành T.Ư và cả cộng đồng.

 

                   Báo Nhân dân


Các tin đã đưa ngày: