Công tác cải cách hành chính tháng 6-2010; tình hình thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2010; tình hình soạn thảo các dự án luật, pháp luật trong sáu tháng đầu năm 2010; kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2010; chương trình phát triển sản phẩm quốc gia; đề án đánh giá lại giá trị vốn và tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; dự án Luật Khiếu nại; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và sáu tháng đầu năm 2010, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cho biết: Kinh tế tiếp tục phục hồi khá nhanh trong sáu tháng đầu năm 2010. Tất cả các ngành, lĩnh vực đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng trưởng GDP trong sáu tháng đầu năm 2010 đạt khoảng 6,16%. Ước thu ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 6 đạt gần 37,2 nghìn tỷ đồng, nâng tổng thu NSNN sáu tháng đầu năm 2010 đạt 242,4 nghìn tỷ đồng, bằng 52,5% dự toán năm và tăng 21,6% so cùng kỳ năm trước. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội sáu tháng ước đạt 390,1 nghìn tỷ đồng, tăng 13,4% so cùng kỳ năm 2009. Trong sáu tháng đầu năm 2010, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 5,4 tỷ USD, tăng 5,9% so cùng kỳ năm trước. Trong sáu tháng qua, cả nước có 438 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới đạt 7,9 tỷ USD, giảm 20% về số dự án nhưng tăng 43% về số vốn đăng ký. Tính chung, tổng vốn FDI cấp mới và tăng thêm trong sáu tháng đạt khoảng 8,43 tỷ USD, bằng 80,9% so cùng kỳ năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu sáu tháng đầu năm 2010 ước đạt 32,1 tỷ USD, tăng 15,7% so cùng kỳ năm 2009. Tổng kim ngạch nhập khẩu sáu tháng ước đạt 38,9 tỷ USD, tăng 29,4% so cùng kỳ năm trước. Nhập siêu sáu tháng đầu năm 2010 khoảng 6,7 tỷ USD, bằng 20,9% kim ngạch xuất khẩu.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 so tháng 5-2010 tăng 0,22%. Tuy nhiên, tính chung sáu tháng đầu năm 2010 so cùng kỳ năm trước, CPI vẫn tăng ở mức khá cao. Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 6 ước tăng 14,6% so cùng kỳ năm 2009, tính chung sáu tháng ước tăng 13,6% so cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản sáu tháng đầu năm 2010 ước tăng 5,3% so cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ sáu tháng ước đạt 747,4 nghìn tỷ đồng, tăng 26,7% so cùng kỳ năm 2009. Các lĩnh vực an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, an sinh xã hội, y tế, văn hóa, xóa đói, giảm nghèo... được bảo đảm tốt.
Ðánh giá chung, tình hình kinh tế - xã hội sáu tháng đầu năm phát triển tích cực. Lãi suất huy động và vay vốn ngân hàng đã giảm nhẹ, dư nợ tín dụng tăng cao hơn trong các tháng gần đây. Xuất khẩu được cải thiện, nhập siêu có xu hướng giảm. Tuy nhiên, nền kinh tế còn một số tồn tại, khó khăn như nhập siêu vẫn ở mức cao, giá trên thị trường thế giới và giá vật tư đầu vào tăng, lãi suất tín dụng còn cao, tình trạng thiếu điện ảnh hưởng sản xuất và sinh hoạt của người dân, thiên tai và dịch bệnh diễn biến phức tạp... Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cũng dự báo tình hình kinh tế nước ta tiếp tục phục hồi với tốc độ tăng trưởng nhanh hơn trong sáu tháng cuối năm, trong đó dự báo tốc độ tăng trưởng GDP quý III sẽ đạt khoảng 6,6 đến 7%, quý IV-2010 đạt khoảng 7,1 đến 7,5%, cả năm 2010 sẽ đạt khoảng 6,5 đến 6,8%. Bộ cũng kiến nghị Chính phủ thực hiện 10 nhóm giải pháp để đạt được các mục tiêu trên.
Cũng tại phiên họp, thông qua cầu truyền hình trực tuyến, Chính phủ đã nghe ý kiến của một số địa phương thông báo tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn và kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành giúp đỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc.
Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá: Trong bối cảnh năm 2009 và đầu năm 2010 gặp nhiều khó khăn thách thức, nhưng sáu tháng qua, bằng nỗ lực chung của Ðảng, Chính phủ, doanh nghiệp và nhân dân, đất nước đã đạt được những kết quả khá toàn diện, tích cực trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội. Ðiều đó cho thấy, nếu Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành thì có thể đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2010. Trong đó, ưu tiên kiểm soát, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường kiểm soát giá cả các mặt hàng thiết yếu, không để lạm phát quay trở lại. Các lĩnh vực an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, giáo dục, y tế được thực hiện tốt. An ninh quốc phòng, chính trị, trật tự an toàn xã hội, đối ngoại được giữ vững và bảo đảm, đạt nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần nâng cao uy tín Việt Nam với thế giới, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển. Nhân dân rất tin tưởng vào sự ổn định và phát triển của đất nước.
Thủ tướng cũng lưu ý một số mặt hạn chế như nhập siêu và lãi suất còn cao, cung ứng điện không ổn định. Ðể giải quyết những vấn đề này, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương rà soát lại danh mục hàng nhập khẩu, tăng cường kiểm soát đối với những nhóm hàng hạn chế và không khuyến khích nhập khẩu, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu, nghiên cứu áp dụng các hàng rào kỹ thuật... nhằm không để nhập siêu vượt quá 20% tổng kim ngạch xuất khẩu, góp phần bảo vệ sản xuất trong nước mà không vi phạm các cam kết hội nhập. Do đó, cần tăng cường phát triển sản xuất trong nước, nhất là phát triển công nghiệp phụ trợ để giảm nhập khẩu. Về vấn đề lãi suất cho vay còn cao, Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thực hiện các giải pháp điều hành tổng hợp để giảm lãi suất trên cơ sở tình hình thực tế bởi đây là thời điểm thuận lợi vì giá cả giảm, tỷ giá ổn định... Về việc cung ứng điện, Thủ tướng chỉ đạo: Từ ngày 1-7, nguồn cung đã được cải thiện do một số tổ máy nhiệt điện đã khắc phục xong sự cố và nước bắt đầu về các hồ thủy điện nhiều hơn, ngành điện sẽ không tiết giảm điện trừ trường hợp sự cố bất khả kháng. Tuy nhiên, Bộ Công thương và Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam cần rút kinh nghiệm và nỗ lực bảo đảm từ nay đến cuối năm không để xảy ra tình trạng cắt điện như vừa qua.
Năm 2010, để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% hoặc cao hơn, duy trì tỷ lệ lạm phát ở mức 7-8%, Thủ tướng lưu ý tăng trưởng bình quân sáu tháng còn lại phải đạt 7%, do đó phải giải quyết tốt các vấn đề: giảm lãi suất cho vay, cung ứng điện ổn định, đẩy nhanh tốc độ giải ngân các nguồn vốn...; tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất và đầu tư; tăng cường giám sát, kiểm soát chặt chẽ chất lượng công trình xây dựng và thực hiện tốt công tác đấu thầu, chỉ định thầu. Thủ tướng cũng nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm, làm tốt công tác nông nghiệp, nông thôn và nông dân, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn, đẩy nhanh chương trình xây dựng nông thôn mới; đẩy nhanh ứng dụng nhanh khoa học công nghệ để tăng chất lượng sản phẩm, những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh thì cần được quan tâm đầu tư thích đáng; thực hiện quyết liệt các chương trình, chiến lược an sinh xã hội; khẩn trương chuẩn bị tổ chức tốt Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; thúc đẩy nhanh tiến trình cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, phòng, chống tham nhũng...
Thủ tướng nhấn mạnh: Nhiệm vụ sáu tháng cuối năm hết sức nặng nề, do đó các cấp, các ngành và địa phương cần kiên định các mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra từ đầu năm, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, nỗ lực phấn đấu hoàn thành, đạt và vượt kế hoạch năm 2010 trên từng lĩnh vực. Gắn mục tiêu, nhiệm vụ năm 2011 với kế hoạch năm năm 2011 - 2015, trong đó bám sát các mục tiêu quan trọng đã đề ra như ổn định kinh tế vĩ mô tốt hơn, ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại tệ, không thâm hụt ngân sách..., bảo đảm an sinh xã hội, ổn định an ninh quốc phòng, chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thủ tướng giao Bộ Tài chính, NHNN và các ngân hàng thương mại, các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ, ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát tăng cao, trong đó Bộ Tài chính chịu trách nhiệm chính trong việc giảm bội chi bằng việc tăng thu và tiết kiệm chi ngân sách. NHNN bảo đảm cung ứng tín dụng theo kế hoạch, giảm lãi suất, tăng dự trữ ngoại tệ. Bộ Tài chính phối hợp các bộ, ngành liên quan và các địa phương, nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh phải quyết liệt trong việc kiểm soát giá cả các mặt hàng thiết yếu ngay từ bây giờ và cho cả đầu năm 2011, bảo đảm bình ổn thị trường. Bộ Y tế, Bộ Công thương phải tăng cường kiểm soát giá thuốc tại các bệnh viện và giá sữa trên thị trường. Bộ Ngoại giao phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức tốt các sự kiện đối ngoại quan trọng từ nay đến cuối năm. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp các cơ quan, ban, ngành T.Ư làm tốt công tác thông tin, tuyên tuyền, chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác và đúng định hướng cho công luận, củng cố lòng tin của người dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội, tin tưởng vào sự phát triển của đất nước.
* Chiều 2-7, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức Họp báo Chính phủ dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành và cơ quan. Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc đã thông báo vắn tắt những nội dung quan trọng của Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6-2010, cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trả lời câu hỏi của các nhà báo liên quan các vấn đề kinh tế - xã hội mà dư luận xã hội đang quan tâm.
Báo nhân dân