Bão hoành hành dữ dội tại miền Trung

(30/09/2009)

 
 
 
Cây cối đổ rạp trên đường phố Đà Nẵng (ảnh Khánh Hồng)
 
Đà Nẵng: Từ 10h, gió bắt đầu thổi mạnh khiến nhiều nhà cửa tốc mái, cây xanh ngã đổ khắp các tuyến đường. Tại khách sạn Bạch Đằng, gió lốc làm sập toàn bộ mái tiền sảnh. Đường Bạch Đằng, tuyến đường đẹp nhất thành phố đã bị ngập hoàn toàn. Nhiều cột điện đổ nghiêng ngả.
 
Tại các tuyến đường Tôn Đức Thắng, Bắc Sơn, Hàm Nghi, Hùng Vương… cũng bị ngập nước hoàn toàn. Cây cối bị gió mạnh quật ngã đổ xuống đường khiến người đi đường gặp nhiều khó khăn. Nhiều ngôi nhà tạm bợ bị tốc mái, những tấm tôn che phía trước của nhiều nhà cũng bị bay ra giữa đường.
 
Toàn thành phố đã mất điện nên việc thông tin liên lạc gặp nhiều khó khăn.
 
Tại các quận Liên Chiểu, Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn nhà tốc mái tới 70-80%. Theo tin từ Ban PCLB tỉnh, 12.000 dân đã được di dời đến nơi an toàn.
 
(Ảnh: CTV)

Thừa Thiên Huế: Sáng nay, mưa to khiến toàn thành phố rơi vào cảnh ngập lụt, nhiều tuyến đường ngập từ 0,5 đến 1m và bị cô lập. Nhiều tuyến tỉnh lộ, quốc lộ bị ngập nước, các phương tiện không thể lưu thông. Gió mạnh làm tốc mái hàng trăm nhà dân, nhiều cây cối ở thành phố đổ ngã.

Theo báo cáo mới nhất, địa phương đã di dời hàng ngàn hộ dân ở các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Lộc…
 

(Ảnh: CTV)
 
Quảng Ngãi: CTV của Dân trí tại đây cho biết, điện đã bị cắt từ sớm, đến 11h, gió đã rất mạnh hàng loạt cây cối trên các tuyến đường của thành phố Quảng Ngãi bị ngã đổ, gió mạnh, mưa to khiến nhiều tuyến đường bị cô lập. Rất nhiều nhà dân bị tốc mái.
 
Quảng Nam: Điện mất hoàn toàn, nhiều người dân dân hoảng loạn. Báo cáo nhanh cho thấy, đến thời điểm này, đã có 1 người chết, 4 bộ đội bị thương. Do còn một số dân đang bị kẹt trên địa bàn huyện Duy Xuyên nên cơ quan chức năng đang đã điều 200 bộ đội vào khu vực tâm bão ở Duy Xuyên để đưa nốt số hộ dân đang bị kẹt về nơi an toàn.
 
Thị xã Hội An đã chìm trong mưa, gió giật từng cơn đe dọa những ngôi nhà có tuổi thọ hàng trăm năm. Mực nước sông Hoài đang dâng lên từng giờ, các khu phố cổ như Nguyễn Thái Học, Trần Phú nước đã ngập vào tận các nhà dân.

Khu phố mới bên An Hội bị chia cắt hoàn toàn với bờ bên này sông Hoài. Điện, nước đã bị cắt, hàng ngàn du khách bị kẹt lại trong các khách sạn, không thể di chuyển được.
 
Lâm Đồng: Cây đổ đè chết một giáo viên 
 
 

Hiện trường vụ cây đổ đè chết cô giáo Thanh, làm bị thương 2 học sinh khác (Ảnh: Lê Công)
 

Do ảnh hưởng của bão số 9, tối 28 và rạng sáng 29/9 tại thành phố Đà Lạt, có gió giật mạnh cấp 8, cấp 9. Hàng chục cây thông có độ tuổi từ 30 đến 40 năm bị quật đổ, những cây thông này chủ yếu ở trong các trường học và ven đường nên đã trực tiếp đe dọa đến tính mạng con người.

 Đến 7h30 sáng nay, Sở giáo dục Lâm Đồng mới có công điện khẩn gửi các trường trên địa bàn toàn tỉnh cho học sinh nghỉ học. Do không được thông tin kịp thời, hầu hết học sinh vẫn đến trường đầy đủ rồi lại ra về.
 Tai nạn đáng tiếc xảy ra khi cô giáo Phùng Thị Thanh (SN 1978), giáo viên trường THPT Trần Phú, Đà Lạt chở con đến trường.
 Đang trên đường, một cây thông đổ ập xuống, đập trúng đầu khiến chị Thanh chết tại chỗ, cháu bé văng ra đường, nhưng không việc gì.
 Hai học sinh khác là Nguyễn Thị Ngọc Huyền và Trịnh Thị Quỳnh (cùng SN 1994) lớp 10, trường THPT Trần Phú cũng bị thuơng nhẹ do cây thông này đổ đè lên người.
 
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Huỳnh Đức Hòa đã có mặt tại hiện trường và đến thăm hỏi gia đình nạn nhân.
 
 

Phó Thủ tướng thị sát công tác phòng, chống bão

 Đoàn công tác do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì đã đi kiểm tra và thị sát công tác triển khai đối phó với bão số 9 tại các tỉnh miền Trung.
 Trong đêm, đoàn di chuyển đến Huế rồi vào Đà Nẵng để tiếp tục chỉ đạo các địa phương đối phó với bão số 9.

sáng nay 29/9, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã vào Đà Nẵng trực tiếp chỉ đạo phòng chống lụt bão ở miền Trung. Sau khi nghe báo cáo tình hình sơ bộ diễn biến mưa bão Phó Thủ tướng chỉ đạo: Cảnh báo đến tận người dân không được ra đường trong khi có mưa to gió lớn để tránh những sự cố đáng tiếc do chủ quan. Tại các hồ chứa, cần có phương án bảo vệ thích hợp tránh khả năng vỡ hồ. Đài khí tượng Trung Trung bộ liên tục cập nhật thông tin mưa bão và báo trực tiếp cho các địa phương trong vùng nguy hiểm, đặc biệt là từ Quảng Trị đến Phú Yên…

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo tiền phương (Ban chỉ huy phòng chống lụt bão trung ương), tính đến 20 giờ ngày 28/9 tỉnh Quảng Bình đã di dời được 15.000 người ra khỏi vùng nguy hiểm; tại Quảng Trị tính đến 19 giờ ngày 28/9 đã di dời xong hơn 11.000 hộ dân; tỉnh TT Huế đã di dời được 90% của 24.000 dân ra khỏi vùng nguy hiểm, TP. Đà Nẵng đã di dời được 27.000/30.000 hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm, tỉnh Quảng Nam đã di dời xong 52.200 hộ dân.
 

Tin từ Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đến 6h30 sáng nay, đã có 46.509 tầu/193.622 lao động đang hoạt động trên tuyến biển từ Quảng Ninh đến Ninh Thuận đã được thông báo vị trí, diễn biến của bão số 9 để chủ động di chuyển phòng tránh.

 
 
                      Dantri.com.vn


Các tin đã đưa ngày: