Việc mua cà-phê tạm trữ

(30/09/2009)

Việc hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp mua cà-phê tạm trữ là giải pháp để chặn đà giảm giá, ổn định đời sống cho người trồng cà-phê. Dự kiến, sản lượng cà-phê vụ tới sẽ đạt khoảng một triệu tấn. Theo dự báo của Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), năm 2009, xuất khẩu cà-phê có thể đạt 494 triệu USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm lên 1,6 tỷ USD.
Việc hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp mua cà-phê tạm trữ vừa hỗ trợ người trồng cà-phê, vừa góp phần ổn định nguồn cà-phê phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, việc hỗ trợ lãi suất chỉ là biện pháp tình thế chứ không có tính lâu dài. Ðiều cần làm là phải có một cái "bắt tay" thật chặt giữa doanh nghiệp và người sản xuất để cùng chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm. Ðó là khi giá cà-phê lên, người nông dân không được chạy theo lợi nhuận và phá hợp đồng với doanh nghiệp, để bán cho tư thương trả giá cao hơn, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Còn về phía doanh nghiệp, khi giá rớt, không được "ép giá", gây thiệt hại kép cho người trồng cà-phê.

Bên cạnh đó, một yếu tố chủ yếu góp phần ổn định giá cà-phê là phải thường xuyên cập nhật thông tin về thị trường cà-phê trên thế giới. Cà-phê là một mặt hàng mà giá cả lên xuống thường xuyên. Biến động trên thị trường thế giới luôn tác động nhanh đến thị trường trong nước. Nắm được những thông tin đó, cả doanh nghiệp chế biến và người trồng cà-phê sẽ chủ động hơn về giá, tránh tình trạng bị động trước diễn biến thị trường. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần nắm chắc sản lượng cà-phê trong nước và thế giới, dự báo tốt nhu cầu tiêu thụ của thị trường để cân đối cung cầu, cân nhắc, tính toán khi nào nên mua cà-phê tạm trữ, mua tạm trữ với số lượng bao nhiêu. Ðặc biệt, khi có chủ trương cho doanh nghiệp mua cà-phê tạm trữ cần có biện pháp quản lý thật tốt, bảo đảm việc mua tạm trữ phải bình ổn được thị trường trong nước, góp phần tăng giá cà-phê, nâng cao lợi nhuận cho nông dân.
 
 
                               Báo Nhân dân


Các tin đã đưa ngày: