Tiềm lực dự trữ quốc gia được tăng cường, củng cố
Theo Ban soạn thảo Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia (DTQG) đến năm 2030, ngành Dự trữ Nhà nước (DTNN) đã triển khai nghiêm túc Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2030, bám sát các mục tiêu, định hướng trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, Chiến lược tài chính đến năm 2020 và các quy định của pháp luật trong xây dựng kế hoạch hàng năm, 5 năm.
Niềm vui của đồng bào các dân tộc vùng cao khi được nhận gạo hỗ trợ của Chính phủ.
Kết quả thực hiện Chiến lược DTQG đến năm 2020 đã cho thấy, lực lượng DTQG vừa là công cụ, vừa là tiềm lực tài chính của Nhà nước nhằm sẵn sàng, chủ động đáp ứng mục tiêu của DTQG quy định tại Luật DTQG về các nhiệm vụ đột xuất cấp bách được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Hệ thống chính sách, pháp luật về DTQG được hoàn thiện ở khung pháp lý cao nhất là Luật DTQG đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về DTQG.
Tiềm lực DTQG từng bước được tăng cường, củng cố; hàng hóa DTQG được bố trí trên các vùng kinh tế - xã hội và địa bàn chiến lược trên cả nước, đảm bảo chủ động, nhanh chóng, kịp thời đáp ứng mục tiêu của DTQG và các nhiệm vụ khác được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Theo lãnh đạo Tổng cục DTNN, giai đoạn này, Chính phủ đã sử dụng nguồn lực DTQG như một công cụ tài chính nhằm thực hiện vai trò can thiệp của Nhà nước trong việc điều hành nền kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân, đảm bảo an ninh, quốc phòng.
Tăng dần quy mô hàng dự trữ
Giai đoạn vừa qua, được Quốc hội, Chính phủ quan tâm, bố trí vốn nên lượng hàng DTQG đã tăng dần, với mức bình quân khoảng 2.000 tỷ đồng/năm, bao gồm một số mặt hàng chiến lược thiết yếu, quan trọng. Việc tăng dần quy mô hàng DTQG đã góp phần tạo sự chủ động cho Chính phủ trong quản lý, điều hành nền kinh tế - xã hội của đất nước.
Từ năm 2011 đến nay, tình hình thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường, số lần xuất hiện ngày càng nhiều, cường độ ngày càng lớn đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân như: Bão, lũ hàng năm (đặc biệt là một số cơn bão mạnh, xảy ra trên diện rộng tại khu vực miền Trung vào tháng 10 - 11/2020). Cùng với đó là mưa lớn, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất; các bệnh dịch như dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, cúm gia cầm H5N1... liên tiếp xảy ra đòi hỏi Nhà nước, Chính phủ có những chỉ đạo sát sao để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.
Đặc biệt, bắt đầu từ năm 2020, đại dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng tiêu cực đến mọi mặt của đời sống, kinh tế - xã hội, trong đó có ngành DTNN. Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính (cụ thể là Tổng cục DTNN) đã chủ động tham mưu phối hợp với các bộ, ngành quản lý hàng DTQG và các địa phương trong cả nước trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định xuất cấp hàng DTQG hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Thống kê trong giai đoạn năm 2011 - 2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ, ngành xuất cấp các mặt hàng DTQG trị giá khoảng 15.500 tỷ đồng (trong đó, xuất trên 1 triệu tấn gạo) để phục vụ công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, đảm bảo quốc phòng, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội và thực hiện nhiệm vụ quốc tế.
Mục tiêu tổng mức dự trữ quốc gia theo GDP là không khả thi
Lý giải việc không đưa mục tiêu “tổng mức DTQG theo GDP” vào dự thảo Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2030, đại diện Tổng cục DTNN cho biết, Luật DTQG, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đều không quy định cụ thể tổng mức DTQG, chỉ quy định tổng mức DTQG đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ của DTQG và theo khả năng cân đối của ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, qua rà soát, đánh giá tổng mức DTQG đề ra tại Chiến lược trong giai đoạn 2011 - 2020 là rất thấp so với mục tiêu đề ra.
Đại diện lãnh đạo Tổng cục DTNN cho biết thêm, giai đoạn 2011 - 2020, ngành DTNN luôn được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, hàng năm đều bố trí mức tăng ngân sách nhà nước cho DTQG. Đồng thời, giai đoạn vừa qua, danh mục hàng DTQG đã được rà soát, sắp xếp và đổi mới cơ cấu mặt hàng; đã xuất bán, xuất giảm một số mặt hàng có thời hạn bảo quản ngắn, không còn phù hợp ra khỏi danh mục hàng DTQG và bổ sung danh mục vật tư thiết bị y tế vào danh mục hàng DTQG. Các mặt hàng mua tăng giai đoạn này đều là mặt hàng thiết yếu, quan trọng (lương thực, vật tư cứu hộ, cứu nạn, vật tư nông nghiệp, vật tư y tế phòng, chống dịch bệnh); các mặt hàng chiến lược, đặc chủng với số lượng mua tăng phù hợp, tăng dần hàng năm theo mức tăng ngân sách nhà nước đã bố trí.
Đức Minh - Thời báo Tài chính Việt Nam