Tập trung cao độ hoàn thành vượt mức nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2018

(18/07/2018)

Để hoàn thành nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2018, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu, toàn hệ thống ngành Tài chính đã chủ động triển khai các nhiệm vụ được giao, nỗ lực trong quản lý, điều hành, thu – chi ngân sách; đồng thời đẩy mạnh hiện đại hóa, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp... Tiếp tục phát huy tinh thần đó, trong các tháng còn lại của năm 2018, các đơn vị trong hệ thống dọc của ngành Tài chính đã chủ động đề ra các giải pháp, tập trung cao độ, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2018.

 

 

Cổng Thông tin điện tử Dự trữ Nhà nước xin trân trọng giới thiệu các ý kiến của lãnh đạo 5 hệ thống lớn của ngành Tài chính thể hiện quyết tâm này.

* Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam:Phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu NSNN năm 2018”.

Tính đến 30/6, thu nội địa do cơ quan thuế quản lý ước đạt 528.083 tỷ đồng, bằng 49,3% so với dự toán, tăng 13,1% (so với cùng kỳ năm 2017). Trong đó, riêng thu từ dầu thô ước đạt 29.565 tỷ đồng, bằng 82,4% dự toán, tăng 25,3%. Số thu không kể tiền sử dụng đất, cổ tức, lợi nhuận còn lại và thu từ xổ số kiến thiết ước đạt 404.242 tỷ đồng, bằng 46,6% so với dự toán, tăng 13,5%.

Có được kết quả trên là do ngay từ đầu năm, cơ quan thuế các cấp đã triển khai quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách; tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; phối hợp các lực lượng chức năng tăng cường rà soát đối tượng, khai thác nguồn thu ngân sách trên địa bàn. Tổng cục Thuế cũng chỉ đạo cơ quan thuế các cấp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký, kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế để thu đúng, thu đủ, thu kịp thời tiền thuế phát sinh vào ngân sách nhà nước (NSNN).

Mặc dù kết quả thu NSNN 6 tháng đầu năm đảm bảo tiến độ dự toán, tuy nhiên dự báo tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm còn nhiều diễn biến khó lường, đặt ra những thách thức cho công tác thu NSNN. Để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2018, từ nay đến cuối năm, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền chính sách thuế; giám sát chặt chẽ kê khai của người nộp thuế; thực hiện tốt kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế, phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch được giao.

Bên cạnh đó, để giảm tỷ lệ nợ thuế trên tổng thu ngân sách, không để phát sinh nợ mới, ngành sẽ tiếp tục thực hiện rà soát, phân loại nợ, phân tích nguyên nhân của từng trường hợp để áp dụng các biện pháp đôn đốc thu nợ, tổ chức áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ theo quy định; tiếp tục công khai thông tin người nộp thuế cố tình chây ỳ, không nộp tiền thuế đúng hạn…

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên, cùng với việc quán triệt các giải pháp mà Chính phủ đã đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2018; triển khai thực hiện Kế hoạch hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP (ban hành theo Quyết định số 16/QĐ-BTC), Tổng cục Thuế sẽ quyết tâm, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu NSNN năm 2018.

* Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) Đỗ Việt Đức: Cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ dự trữ quốc gia

6 tháng đầu năm 2018, ngành Dự trữ Nhà nước (DTNN) đã nỗ lực triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Theo đó, ngoài việc tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật về dự trữ quốc gia (DTQG) đảm bảo theo đúng tiến độ, các bộ, ngành quản lý hàng dự trữ đã tập trung triển khai công tác nhập hàng DTQG theo chỉ tiêu kế hoạch năm 2018 được Thủ tướng Chính phủ giao. Đến nay, Tổng cục DTNN cơ bản đã hoàn thành chỉ tiêu nhập gạo và thóc theo đúng thời vụ thu hoạch; các bộ, ngành quản lý hàng DTQG đã khẩn trương hoàn tất các thủ tục hồ sơ để tổ chức đấu thầu, nhập hàng và giải ngân vốn theo quy định.

Bên cạnh đó, thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngành DTNN cũng đã nhanh chóng triển khai xuất cấp hàng DTQG với trị giá trên 750 tỷ đồng, trong đó xuất cấp khoảng 65.000 tấn gạo, hàng trăm ngàn liều vắc xin, hàng trăm tấn hóa chất sát trùng, hàng ngàn tấn hạt giống cây trồng để cứu trợ, hỗ trợ nhân dân dịp giáp hạt, Tết Nguyên đán, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, hỗ trợ học sinh vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, hỗ trợ công tác trồng rừng và hoàn thành việc xuất cấp viện trợ 5.000 tấn gạo cho nhân dân Cuba, theo nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.

Ngoài ra, để tăng cường công tác quản lý chất lượng hàng DTQG, Tổng cục DTNN đã phối hợp với các bộ, ngành thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng hàng DTQG nhập kho tại các đơn vị, đảm bảo hàng DTQG khi xuất ra đủ số lượng, đạt chất lượng theo đúng quy định.

Trong 6 tháng cuối năm 2018, ngành DTNN đang tập trung các nguồn lực để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao; kịp thời xuất cấp hàng DTQG khi có quyết định của cấp có thẩm quyền; tăng cường quản lý chất lượng hàng DTQG...

Để thực hiện các mục tiêu này, ngành DTNN sẽ tiếp tục cụ thể hóa bằng những nhiệm vụ trọng tâm như: tập trung xây dựng hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về DTQG; xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; định mức kinh tế kỹ thuật hàng DTQG để làm cơ sở cho việc quản lý, điều hành hoạt động DTQG.

Song song với các nhiệm vụ trên, Tổng cục DTNN cũng tăng cường, phối hợp với các bộ, ngành quản lý hàng DTQG kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện kế hoạch. Nâng cao công tác quản lý chất lượng, số lượng, đối tượng được sử dụng hàng DTQG; tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác nhập, xuất, bảo quản hàng DTQG tại các cơ quan, đơn vị; khẩn trương hoàn tất thủ tục giải ngân vốn đầu tư xây dựng kho tàng, trụ sở làm việc của các đơn vị.

Ngoài ra, Tổng cục DTNN sẽ thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thiên tai, dịch bệnh, cân đối lượng hàng tồn kho, xây dựng phương án cụ thể để đáp ứng tốt nhất yêu cầu xuất cấp khi có tình huống đột xuất, cấp bách xảy ra.

* Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng:Chủ động, linh hoạt các giải pháp hỗ trợ thị trường phát triển ổn định, bền vững”.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, mặc dù thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới có nhiều biến động, nhưng TTCK Việt Nam vẫn đạt được một số kết quả nhất định. Theo đó, tính đến cuối tháng 6/2018, vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 3.889 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2017, tương đương 77,7% GDP. Mặc dù, thanh khoản những tháng gần đây có sự sụt giảm so với quý I, nhưng tính chung cả 6 tháng, giá trị giao dịch bình quân vẫn đạt hơn 8.000 tỷ đồng/phiên, tăng 60% so với bình quân cả năm 2017.

Thị trường trái phiếu chính phủ hiện có quy mô niêm yết đạt 1.056 nghìn tỷ đồng, tăng 4% so với cuối năm 2017 (21% GDP). Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt trên 10 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 19% so với bình quân năm 2017.

Cùng với đó, TTCK phái sinh tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng đều đặn, với tốc độ tăng trưởng khối lượng hợp đồng bình quân đạt 48%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2018, khối lượng giao dịch bình quân đạt trên 45 nghìn hợp đồng/phiên. Đến nay đã có hơn 35 nghìn tài khoản giao dịch phái sinh được mở, gấp 2 lần so với thời điểm cuối năm 2017.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2018, Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) đã chủ động, tích cực xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý, thể chế, chính sách cho phát triển TTCK. Cùng với đó, nhiều lĩnh vực như công tác quản lý và tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán; quản lý công ty đại chúng, tạo hàng hoá cho thị trường; công tác thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm;... cũng có nhiều chuyển biến tích cực.

Từ nay tới cuối năm, TTCK toàn cầu và Việt Nam dự báo sẽ còn chịu nhiều tác động khó lường từ tình hình kinh tế, thương mại thế giới. Do đó, để đảm bảo cho TTCK phát triển ổn định trong những tháng cuối năm, bên cạnh các nhiệm vụ mang tính trọng tâm, xuyên suốt, UBCKNN sẽ tiếp tục có nhiều giải pháp chủ động, linh hoạt, bám sát với diễn biến thực tế của TTCK.

Theo đó, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao năng lực quản lý, giám sát đối với TTCK. Đặc biệt là triển khai xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi và hoàn thiện hồ sơ để trình Chính phủ, trình Quốc hội cho ý kiến và xem xét thông qua vào năm 2019; đồng thời trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Tái cấu trúc TTCK giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Cùng với đó, từ nay tới cuối năm, cơ quan quản lý sẽ hoàn thiện Đề án thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán (GDCK) Việt Nam trên cơ sở tái cấu trúc, sáp nhập hai sở GDCK...

* Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước Tạ Anh Tuấn:Toàn hệ thống Kho bạc tập trung thực hiện nhiệm vụ với chất lượng cao nhất”.

Trong 6 tháng đầu năm, trên cơ sở chương trình, kế hoạch năm 2018 đã đề ra, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã chỉ đạo KBNN các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan thu trên địa bàn để tập trung nhanh, đầy đủ, kịp thời, chính xác các khoản thu cho các cấp ngân sách. Ngành KBNN đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và đơn vị sử dụng ngân sách triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực, góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách, song vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ, đúng chế độ. KBNN cũng đồng thời tham mưu với Bộ Tài chính kịp thời, trách nhiệm và có chất lượng đối với các cơ chế, chính sách, chỉ đạo điều hành của Chính phủ và Bộ Tài chính liên quan đến công tác kiểm soát chi NSNN.

Đặc biệt, thực hiện chủ trương tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức lại bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, KBNN đã thực hiện giải thể 43 phòng giao dịch từ ngày 1/6/2018. Việc giải thể các phòng giao dịch được thực hiện đồng bộ, thống nhất, không ảnh hưởng đến hoạt động giao dịch của các đơn vị và hoạt động nghiệp vụ của KBNN. Các đơn vị duy trì sự đoàn kết, ổn định và không có phát sinh đơn thư khiếu kiện trong việc bố trí, sắp xếp công việc cũng như chế độ chính sách đối với công chức.

6 tháng cuối năm, hệ thống KBNN tiếp tục phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch đã được Chính phủ, Bộ Tài chính giao; tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình nghiệp vụ theo hướng đơn giản, giảm bớt các thao tác trên phần mềm máy tính, rút ngắn thời gian xử lý nghiệp vụ; tiếp tục rà soát, bố trí, sắp xếp lại nhiệm vụ giữa các phòng và cắt giảm một số phòng chức năng thuộc KBNN tỉnh, hướng đến mục tiêu bộ máy KBNN các cấp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ này, KBNN đã chỉ đạo, quán triệt và yêu cầu toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ chủ chốt trong toàn hệ thống KBNN nêu cao tinh thần trách nhiệm, triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ theo kế hoạch với chất lượng và hiệu quả cao nhất. Đồng thời, KBNN tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ và xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ, công chức vi phạm kỷ luật.

* Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn:Quyết tâm thu đạt chỉ tiêu 293.000 tỷ đồng”

Trong 6 tháng đầu năm, ngành Hải quan đã có nhiều nỗ lực triển khai các nhiệm vụ được giao, trong đó tiêu biểu là công tác thu ngân sách, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), hiện đại hóa, tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp (DN), theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP.

Cụ thể, trong bối cảnh nguồn thu chịu tác động mạnh từ việc thực hiện các hiệp định tự do thương mại (FTAs), điều chỉnh chính sách đối với mặt hàng xăng dầu, nhập khẩu ô tô, 6 tháng đầu năm, toàn ngành đã thu được 145.934 tỷ đồng, đạt 51,57% dự toán, đạt 49,8% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 2% so với cùng kỳ 2017.

Bên cạnh nhiệm vụ thu ngân sách, từ đầu năm đến nay việc cải cách TTHC hiện đại hóa, tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp (DN), theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP được Tổng cục Hải quan tích cực thúc đẩy.

Với vai trò là Cơ quan Thường trực của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và tạo thuận lợi thương mại, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với các bộ, ngành tích cực triển khai các TTHC mới, mở rộng phạm vi, số lượng DN tham gia. Nhờ đó đến nay, các bộ, ngành đã kết nối 53 TTHC với NSW, thu hút được hơn 22.000 DN tham gia, với hơn 1,3 triệu bộ hồ sơ được tiếp nhận giải quyết.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Tài chính, đến nay, Tổng cục Hải quan hoàn thành công tác chuẩn bị cho việc tổ chức Hội nghị chuyên đề của Chính phủ về “Thúc đẩy NSW, ASW và tạo thuận lợi thương mại”.

Về công tác 6 tháng cuối năm 2018, trên cơ sở bám sát chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách 293.000 tỷ đồng; trong đó chú trọng đến chống thất thu qua kiểm tra trị giá, C/O, kiểm tra sau thông quan.

Đồng thời, Tổng cục Hải quan sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, triển khai việc mở rộng hệ thống giám sát hải quan tại cảng biển, cảng hàng không, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của DN; đấu tranh có hiệu quả chống buôn lậu, gian lận thương mại; triển khai có hiệu quả Nghị định 59/2018/NĐ-CP và các thông tư hướng dẫn…

Tổng cục Hải quan sẽ tích cực nâng cao chất lượng và tiến độ xây dựng, hoàn thành việc soạn thảo khoảng 13 đề án, nghị định, quyết định, thông tư trình cấp trên ban hành... Theo đó, chúng tôi chỉ đạo các đơn vị chức năng khi xây dựng chính sách phải có đề cương tập hợp những nội dung cốt lõi cần sửa, xin ý kiến nội bộ và cục hải quan các tỉnh thành phố phải có trách nhiệm tham gia ý kiến một cách chất lượng, đúng thời hạn.

Về công tác tổ chức cán bộ, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục thực hiện sắp xếp bộ máy cấp chi cục, cấp cục theo các tiêu chí Bộ Tài chính đã ban hành, tổ chức bộ máy cấp tổ, đội cũng sẽ được điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ theo chính sách và quy trình mới, thực hiện quản lý hải quan theo quy trình.

Nhóm PV (thực hiện)

 

Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam

 



Các tin đã đưa ngày: