Thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, dưới sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước; cùng với quyết tâm của mình, ngành Tài chính đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2017 mà Quốc hội đã quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao, góp phần quan trọng hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH.
Cổng TTĐT Tổng cục DTNN trân trọng giới thiệu 10 sự kiện tiêu biểu của ngành Tài chính năm 2017:
1. Hoàn thành nhiệm vụ tài chính - NSNN, góp phần quan trọng hình thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2017
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo triển khai nhiệm vụ Tài chính - Ngân sách năm 2017
Nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2017 được thực hiện trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là tình hình thiên tai, lũ lụt diễn ra phức tạp, những biến động về địa chính trị, xu hướng bảo hộ mậu dịch trên thế giới, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa các nền kinh tế và các doanh nghiệp,... Song dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, cùng với quyết tâm của toàn ngành tài chính từ Trung ương đến địa phương, đánh giá đã hoàn thành vượt bậc các nhiệm vụ đặt ra. Thu NSNN ước đạt 1,283 triệu tỉ đồng, vượt 5,9% dự toán, đạt tỉ lệ động viên thu NSNN 25,6%GDP; thuế phí 21,1%GDP, đảm bảo nguồn thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng, các chính sách an sinh xã hội, xử lý các nhiệm vụ đột xuất về thiên tai, dịch bệnh, môi trường phát sinh; đồng thời, đã tiến hành những bước quan trọng để cơ cấu lại NSNN, tăng tỷ trọng thu nội địa lên trên 80%, tỷ trọng chi đầu tư phát triển trên 26%; củng cố kỷ cương, kỷ luật tài chính - ngân sách; đẩy mạnh cơ cấu lại nợ công, kéo dài kỳ hạn bình quân phát hành TPCP tăng khoảng 3,3 lần so với năm 2011, đẩy lùi được đỉnh nợ, giảm lãi suất phát hành xuống mức thấp nhất từ trước tới nay, đảo ngược cơ cấu nguồn vốn trong nước/ngoài nước, đưa tỷ lệ nợ trong nước lên 60% tổng nợ Chính phủ; đặc biệt bội chi NSNN năm 2017 ước giảm 4 nghìn tỷ đồng so dự toán Quốc hội quyết định, vào khoảng 3,48%GDP thực hiện.
2. Hoàn thiện thể chế về chính sách tài chính, ban hành nhiều chính sách quan trọng có tính đột phá
Quốc hội thông qua Luật Quản lý sử dụng tài sản công và Luật Quản lý nợ công
(Ảnh: Internet)
Năm 2017, Bộ Tài chính đã trình Quốc hội, Chính phủ để ban hành: 02 Luật, 01 Nghị quyết của Quốc hội, 38 Nghị định của Chính phủ, 10 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và ban hành theo thẩm quyền 134 Thông tư.
Luật Quản lý, sử dụng tài sản công với phạm vi điều chỉnh bao gồm tất cả các loại tài sản công được quy định tại Điều 53 Hiến pháp năm 2013; Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) quy định Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công. Bộ Tài chính cũng là cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị quyết của Quốc hội về Cơ chế đặc thù của TPHCM. Việc Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo trình Chính phủ, Quốc hội ban hành những cơ chế chính sách mới đã góp phần hoàn thiện thể chế chính sách về tài chính, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội đất nước.
3. Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC lần thứ 24 tại Việt Nam; lần đầu tiên tổ chức Diễn đàn Tài chính Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng và các đại biểu
tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC - sự kiện quan trọng nhất của Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC, do Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Đinh Tiến Dũng chủ trì và các hội nghị bên lề diễn ra từ ngày 19 đến ngày 21/10 tại Hội An, Quảng Nam. Hội nghị đã thảo luận giữa các nền kinh tế và đạt được sự thống nhất trên nhiều khía cạnh về 4 chủ đề ưu tiên của năm APEC 2017, bao gồm: Đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng; Xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận; Tài chính và Bảo hiểm rủi ro thiên tai; Tài chính bao trùm. Sự thành công của tiến trình Hội nghị khẳng định đây là một diễn đàn tích cực để tăng cường hợp tác chính sách và trao đổi kinh nghiệm giữa các nền kinh tế trong khu vực. Cũng trong năm 2017, Diễn đàn Tài chính Việt Nam với chủ đề “Cải cách tài chính công hướng đến phát triển bền vững” lần đầu tiên được Bộ Tài chính tổ chức với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) trong khuôn khổ Dự án Quản trị Nhà nước nhằm Tăng trưởng Toàn diện (GIG), đây sẽ là một trong những diễn đàn thường niên do Bộ Tài chính tổ chức nhằm xây dựng, hoàn thiện chính sách tài chính công hướng tới một nền tài chính công an toàn, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho quá trình phát triển kinh tế của đất nước, đảm bảo an sinh xã hội và phát triển bền vững
4. Lần thứ 5 liên tiếp đứng đầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong các bộ ngành
Lần thứ 5 liên tiếp, Bộ Tài chính đứng đầu về ứng dụng CNTT trong các bộ, ngành
Năm 2017 là năm thứ 5 liên tiếp Bộ Tài chính đứng thứ nhất về ứng dụng công nghệ thông tin trong các bộ, ngành (Bảng xếp hạng Việt Nam ICT-index 2017). Đây là kết quả của cả một quá trình tổ chức triển khai ứng dụng CNTT chủ động và quyết liệt của toàn ngành Tài chính nhằm tiếp cận một cách nhanh nhất với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thông qua việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin mạng, thiết lập hệ thống hạ tầng kỹ thuật thông tin hiện đại, các chương trình ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp,... Đặc biệt, việc đẩy nhanh triển khai một cách hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến (cung cấp 923 thủ tục, trong đó có 332 Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4), hệ thống thuế điện tử, hải quan điện tử, hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng biển, hệ thống một cửa quốc gia hải quan Asean… không chỉ mang lại lợi ích hỗ trợ công tác quản lý tài chính của ngành mà còn mang lại hiệu quả rõ rệt cho toàn xã hội, giúp ngành Tài chính từng bước hình thành nền tảng của Chính phủ điện tử (E-Government) và hướng tới xây dựng Chính phủ số (Digital Government) phù hợp với định hướng chuyển đổi số theo chỉ đạo của Chính phủ tại Chỉ thị số 16/CT-TTG ngày 28/4/2017.
5. Quản lý chặt chẽ giá cả, kiểm soát lạm phát góp phần quan trọng vào việc ổn định kinh tế vĩ mô
Điều hành giá các mặt hàng thiết yếu góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô
(Ảnh: Internet)
Công tác quản lý giá tiếp tục phát huy sự phối hợp điều hành giữa các cơ quan quản lý vĩ mô trong quá trình điều hành giá các mặt hàng quan trọng thiết yếu theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, qua đó góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Cụ thể là kinh tế vĩ mô ổn định với tốc độ tăng trưởng GDP đạt mức trên 6,81% và được dự báo duy trì ở mức cao cho 5 năm tiếp theo, lạm phát được kiềm chế dưới mức mục tiêu, giá cả thị trường tương đối ổn định. Đây là cơ sở để tạo đà cho tăng trưởng kinh tế, tạo thuận lợi để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.
6. Chỉ số nộp thuế tăng 81 bậc, thu thuế nội địa cán mốc 1 triệu tỷ đồng
Tổng cục Thuế công bố chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp khởi nghiệp
Báo cáo “Môi trường kinh doanh năm 2018” do Ngân hàng Thế giới công bố vào cuối năm 2017 đã ghi nhận chỉ số nộp thuế chung của Việt Nam tăng 81 bậc, xếp vị trí 86/190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là kết quả của sự nỗ lực rất lớn trong việc thực hiện rà soát cắt giảm, đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính và không ngừng hiện đại hóa, đổi mới quy trình, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế, giúp giảm thời gian nộp thuế. Hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% Chi cục thuế trực thuộc. Trên 99,71% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử. Gần 99,8% số lượng DN đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử. Đến nay, tất cả các cục thuế đã áp dụng hoàn thuế GTGT điện tử đối với trường hợp xuất khẩu và đầu tư. Cũng nhờ sự duy trì sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp và sự nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và chống nợ đọng, chống thất thu nên ngành thuế ghi nhận lần đầu tiên, tổng thu nội địa đạt kỷ lục trên 1 triệu tỷ đồng, giúp tổng thu ngân sách cả năm vượt hơn 70.000 tỷ đồng.
7. Triển khai Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng biển, hàng không
Chính thức triển khai hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng biển Hải Phòng
Việc triển khai thực hiện Hệ thống VNACCS/VCIS trên phạm vi toàn quốc đã góp phần giảm thời gian thông quan hàng hóa, mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Nhằm tiếp tục cải cách thủ tục hành chính hơn nữa, giảm thời gian thông quan hàng hóa và tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan đã triển khai hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng biển, hàng không (gọi tắt là Đề án giám sát) với mục tiêu làm đơn giản, hài hòa, minh bạch thủ tục hải quan và thủ tục giao, nhận hàng tại khu vực cảng, kho, bãi giữa các bên liên quan, đem lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp đồng thời quy định rõ ràng trách nhiệm của các doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi theo đúng tinh thần của Luật Hải quan.
Đề án Giám sát đã mang lại kết quả: Giảm thời gian, chi phí đi lại của Doanh nghiệp xuất nhập khẩu; Đối với doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho bãi: Nâng cao uy tín, hiệu quả hoạt động kinh doanh, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho bãi do việc giảm khối lượng nhân công, giảm chi phí do giảm thiểu hồ sơ giấy trao đổi giữa các bên và giảm thời gian lưu giữ hàng hóa trong cảng, kho, bãi. Đề án Giám sát cũng giúp cơ quan Hải quan kịp thời nắm bắt thời gian, số lượng đối với lô hàng đưa vào, lưu giữ, đưa ra cảng, kho, bãi... nắm bắt thông tin, vị trí lô hàng quá hạn làm thủ tục hải quan để đưa ra các quyết định xử lý phù hợp và hiệu quả giám sát được nâng cao.
8. Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng vượt đỉnh trong 10 năm gần đây
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh cồng khai trương phiên giao dịch đầu năm 2017
Năm 2017, chỉ số VN-Index cán mốc 1.000 điểm, tăng 48% so với cuối năm 2016, đạt mức cao nhất gần 10 năm trở lại đây với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn như Sabeco, Vinamilk, Idico... Quy mô thị trường cổ phiếu đã đạt được trên 78% GDP của năm 2016, tương đương 70,2% GDP của năm 2017, cơ bản đạt chỉ tiêu đặt ra cho năm 2020. Thanh khoản cải thiện mạnh, quy mô giao dịch bình quân đạt gần 4.981 tỷ đồng/phiên, tăng 63% so với bình quân năm 2016. Thị trường trái phiếu diễn ra sôi nổi với giá trị niêm yết đạt 1.015 nghìn tỷ đồng tăng 8% so với cuối năm 2016 (tương đương 23% GDP); tổng giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 8.890 tỷ đồng/phiên, tăng 38% so với bình quân năm 2016. Năm 2017 cũng đánh dấu mốc quan trọng của ngành Chứng khoán với sự ra đời thị trường chứng khoán phái sinh đã góp phần hoàn thiện mô hình TTCK hiện đại. Qua đó cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển mạnh với mức tăng trưởng cao nhất tại khu vực Châu Á và dần trở thành kênh huy động và phân bổ vốn trung và dài hạn quan trọng của nền kinh tế.
9. Xuất cấp kịp thời hàng dự trữ quốc gia hỗ trợ nhân dân vùng bị thiên tai hạn hán, bão lũ
Kịp thời xuất cấp hàng dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương trong cả nước
khắc phục hậu quả thiên tai góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội
Năm 2017 là năm xảy ra nhiều thiên tai, bão lũ xảy ra trên khắp cả nước. Thực hiện quyết định của cấp có thẩm quyền, Bộ Tài chính đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xuất cấp kịp thời các mặt hàng từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai. Cụ thể đã xuất cấp 127.000 tấn gạo; 90 bộ xuồng các loại; 1780 nhà bạt; 201.000 chiếc phao tròn cứu sinh, 61.000 chiếc áo phao cứu sinh; 1.005 chiếc phao bè cứu sinh; 118 bộ máy bơm chữa cháy; 48 máy phát điện; 32 bộ thiết bị khoan cắt...
Hoạt động xuất cấp hàng dự trữ đã được thực hiện khẩn trương, không để tình trạng người dân bị thiếu đói, kịp thời khôi phục sản xuất và ổn định đời sống; hỗ trợ học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; xuất cấp vật tư, thiết bị phục vụ công tác cứu nạn, cứu hộ; khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh... góp phần đảm bảo an ninh, quốc phòng và an sinh xã hội.
10. Thống nhất một đầu mối trong việc kiểm soát các khoản chi NSNN qua hệ thống KBNN
Triển khai Đề án thống nhất một đầu mối kiểm soát chi NSNN qua hệ thống KBNN tại TPHCM
Năm 2017, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã thực hiện thống nhất một đầu mối kiểm soát các khoản chi NSNN trong toàn hệ thống kho bạc trên cả nước. Việc triển khai thực hiện một đầu mối kiểm soát chi đã làm giảm thời gian giải quyết các thủ tục chi từ 5-7 ngày nay có thể được giải quyết ngay trong ngày và thời gian kéo dài tối đa không quá 3 ngày làm việc, tạo thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách giao dịch tại KBNN. Việc thống nhất một đầu mối kiểm soát chi còn đảm bảo được kiểm soát chặt chẽ, an toàn tiền và tài sản của nhà nước. Bước cải cách mạnh mẽ này tạo tiền đề thuận lợi để KBNN triển khai dịch vụ công trực tuyến trên phạm vi toàn quốc từ đầu năm 2018, góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020 và hình thành KBNN điện tử trong tương lai.
Bên cạnh đó, tổ chức bộ máy của hệ thống KBNN được kiện toàn theo hướng tinh gọn, giảm được 1.288 đơn vị Tổ tại KBNN cấp huyện, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính./.
Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính