Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng làm việc với Tổng cục Dự trữ Nhà nước về công tác dự trữ quốc gia.

(17/07/2017)

Ngày 14/7/2017, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã chủ trì buổi làm việc với Tổng cục Dự trữ Nhà nước về công tác dự trữ quốc gia. Tham dự buổi làm việc có đại diện lãnh đạo các đơn vị của Bộ: Vụ Ngân sách Nhà nước, Cục Kế hoạch - Tài chính, Cục Quản lý Công sản, Cục Quản lý Giá, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp, Văn phòng Bộ và lãnh đạo chủ chốt cơ quan Tổng cục DTNN.

 

Đồng chí Đỗ Việt Đức, Q Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN báo cáo với

 Bộ trưởng về tình hình hoạt động dự trữ quốc gia giai đoạn vừa qua

 

Tại buổi làm việc, đồng chí Đỗ Việt Đức, Q Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã báo cáo với Bộ trưởng về tình hình hoạt động dự trữ quốc gia giai đoạn vừa qua, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2017 và đề xuất kiến nghị với Bộ trưởng một số nội dung còn khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ.

Cũng tại buổi làm việc, đồng chí Lê Văn Thời, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng cục trưởng thay mặt Đảng ủy, lãnh đạo Tổng cục, công chức, viên chức, người lao động ngành Dự trữ Nhà nước cám ơn Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tài chính đặc biệt Bộ trưởng đã quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện cho ngành Dự trữ  Nhà nước phát triển. Thời gian gần 17 năm trong ngôi nhà chung của ngành Tài chính kể từ khi Cục Dự trữ Quốc gia (nay là Tổng cục Dự trữ Nhà nước) về trực thuộc Bộ Tài chính là thời gian ngành Dự trữ Nhà nước chuyển mình phát triển cả về tổ chức bộ máy, cơ chế chính sách, hệ thống kho tàng, cơ sở vật chất và quy mô hàng dự trữ. Việc Bộ trưởng Bộ Tài chính bố trí một  buổi làm việc để nghe báo cáo, kiến nghị, đề xuất của Tổng cục Dự trữ Nhà nước là thể hiện sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Bộ tài chính và cá nhân Bộ trưởng đối với công tác dự trữ quốc gia. Nhân dịp này đồng chí Lê Văn Thời báo cáo với Bộ trưởng là toàn ngành Dự trữ Nhà nước tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, vượt qua khó khăn hoàn thành mọi nhiệm vụ của Bộ Tài chính giao.

 Sau khi nghe báo cáo và ý kiến phát biểu của lãnh đạo các đơn vị dự họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng có ý kiến kết luận như sau:

 Đánh giá về công tác dự trữ quốc gia

Trong thời gian qua, mặc dù ngành DTNN còn khó khăn về nhiều mặt:  Cơ sở vật chất, phương tiện làm việc còn nhiều thiếu thốn, trụ sở làm việc của các đơn vị nằm ở các vùng sâu, xa; đời sống cán bộ công chức còn nhiều khó khăn so với mặt bằng chung trong toàn hệ thống tài chính… Tuy nhiên, tập thể cán bộ, công chức ngành DTNN luôn yêu ngành, yêu nghề, đoàn kết hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tổ chức bộ máy ngày càng được củng cố và tăng cường. Hệ thống cơ chế chính sách về DTQG cơ bản đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý; Quốc hội đã ban hành Luật DTQG, có hiệu lực từ ngày 01/7/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định hướng dẫn Luật, Bộ Tài chính ban hành nhiều thông tư hướng dẫn triển khai thực hiện.

 Trong thời gian qua đã xuất cấp kịp thời nhiều mặt hàng dự trữ quốc gia theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ để khắc phục vụ hậu quả thiên tai, dịch bệnh, phục vụ an ninh, quốc phòng, bảo đảm an sinh xã hội góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế, trật tự an toàn xã hội được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận.

 Đã chủ trì phối hợp tốt với các bộ, ngành với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về DTQG và triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao.

 Nguồn lực dự trữ quốc gia hiện nay quá mỏng (bằng 0,2% GDP), so với Chiến lược dự trữ quốc gia đến năm 2020 (1,5% GDP) là quá thấp, ngân sách cấp cho dự trữ quốc gia chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Với nguồn lực dự trữ quốc gia như hiện nay, khó đảm bảo được mục tiêu dự trữ quốc gia đặc biệt trong bối cảnh tình hình chính trị thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ  lụt, dịch bệnh diễn biến nhanh, bất thường và ngày càng gay gắt.

 

Toàn cảnh buổi làm việc

 Việc triển khai công tác dự trữ quốc gia trong thời gian tới

Nhà nước hình thành, sử dụng dự trữ quốc gia nhằm chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh. Trong bối cảnh hiện nay tình hình chính trị thế giới và khu vực có nhiều phức tạp, hiện tượng biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ  lụt, dịch bệnh diễn biến nhanh, bất thường và ngày càng gay gắt thì công tác dự trữ quốc gia là rất quan trọng. Vì vậy, đề nghị Tổng cục DTNN làm tốt các công việc:

- Tiếp tục giữ vững truyền thống đoàn kết, ổn định tổ chức, từng bước hoàn thiện công tác cán bộ, tiếp tục xây dựng đội ngũ, xây dựng lực lượng để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

- Tổ chức quản lý tốt công tác dự trữ quốc gia; thực hiện nhập, bảo quản, xuất hàng DTQG đúng số lượng, đảm bảo chất lượng. Tổ chức xuất cấp vận chuyển kịp thời hàng DTQG giao cho các địa phương được hỗ trợ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện nhiệm vụ, hỗ trợ nhân dân các địa phương kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu đói. Quản lý tốt chất lượng hàng dự trữ quốc gia khi nhập kho, trong quá trình bảo quản và xuất kho.

- Tiếp tục rà soát lại danh mục hàng dự trữ quốc gia cho phù hợp. Tập trung xây dựng hoàn thiện cơ chế quản lý, hệ thống các định mức kinh tế - kỹ thuật, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về hàng DTQG.

Về một số kiến nghị của Tổng cục Dự trữ Nhà nước

Trên cơ sở các kiến nghị của Tổng cục DTNN, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chỉ đạo như sau:

1. Giao Vụ NSNN hàng năm cân đối ngân sách, báo cáo Chính phủ và Quốc hội tăng ngân sách cho dự trữ quốc gia đủ để chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai đáp ứng đòi hỏi biến đổi phức tạp của khí hậu, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh.

2. Căn cứ vào tình hình cụ thể cân đối ngân sách, Vụ NSNN tham mưu cho lãnh đạo Bộ nguồn để kịp thời tạm ứng vốn mua lương thực theo thời vụ, trong thời gian chưa được cấp bổ sung vốn để mua bù số lương thực đã xuất cấp theo quy định của Luật DTQG. 

3. Căn cứ vào khả năng của ngân sách, Vụ NSNN chủ trì, phối hợp với Cục Kế hoạch - Tài chính ưu tiên bố trí tăng nguồn kinh phí thường xuyên hàng năm cho Tổng cục Dự trữ Nhà nước để từng bước đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hệ thống kho và cơ sở vật chất để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao.

4. Cục Quản lý Công sản chủ trì, phối hợp với Cục KH - TC rà soát trụ sở làm việc của các đơn vị trong hệ thống Tài chính (Thuế, Hải quan, Kho bạc, các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ,...) trình Bộ điều chuyển cho Tổng cục Dự trữ Nhà nước và các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực để bố trí làm trụ sở làm việc nhằm tạo điều kiện làm việc của cán bộ, công chức trong hệ thống Tổng cục DTNN được tốt hơn.

5. Giao Cục Quản lý Công sản chủ trì phối hợp với Tổng cục Dự trữ Nhà nước trao đổi, làm việc với tỉnh Bình Dương về trụ sở làm việc của Ban Tuyên giáo tỉnh Bình Dương chuyển cho Cục DTNN khu vực Đông Nam Bộ trên nguyên tắc điều chuyển tài sản giữa các cơ quan Nhà nước hoặc hỗ trợ kinh phí di chuyển.

6. Công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ Tổng cục DTNN đảm bảo yêu cầu về tiêu chuẩn cán bộ nhằm nâng dần chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; khuyến khích, động viên, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng đủ tiêu chuẩn quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ; tiếp tục thực hiện rà soát tăng cường luân phiên, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác và thực hiện việc tinh giảm biên chế. Tổng cục DTNN sớm xây dựng kế hoạch và quy hoạch, bổ sung cán bộ cấp cao của Tổng cục.

7. Giao Vụ Tổ chức cán bộ tổng hợp, sớm trình Bộ đề án tuyển dụng công chức của Tổng cục DTNN; nghiên cứu trình Bộ tỷ lệ giảm biên chế hàng năm hợp lý tạo điều kiện để Tổng cục DTNN cơ cấu lại và bổ sung, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; đảm bảo nguyên tắc biên chế toàn hệ thống Tài chính sẽ phải giảm theo tinh thấn Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng như ý kiến phát biểu của các đại biểu, đồng chí Đỗ Việt Đức, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN khẳng định, toàn ngành DTNN sẽ khắc phục những khó khăn, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ và Bộ Tài chính giao năm 2017 và các năm tiếp theo. /.

 

                              Lê Văn Dương - Chánh Văn phòng Tổng cục DTNN

 



Các tin đã đưa ngày: