Các tỉnh, thành phố ven biển từ Cà Mau đến Kiên Giang chủ động đối phó với áp thấp nhiệt đới

(14/11/2012)

*  Xử lý hiệu quả hơn 16 nghìn ha nhãn mắc bệnh chổi rồng

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, hồi 7 giờ ngày 13-11, trên Biển Ðông xuất hiện áp thấp nhiệt đới, với vị trí tâm ở vào khoảng 7,9 độ vĩ bắc; 115,0 độ kinh đông. Dự báo, đến 7 giờ sáng nay (14-11), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía đông quần đảo Trường Sa.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 đến 61 km một giờ), giật cấp 8, cấp 9. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, kết hợp với không khí lạnh ở khu vực bắc Biển Ðông, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió đông bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, biển động; khu vực giữa Biển Ðông có gió đông bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, biển động.

Sáng 13-11, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão (PCLB) T.Ư, Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) đã có Công điện số 50 yêu cầu Ban Chỉ huy PCLB và TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Phú Yên đến Cà Mau và Kiên Giang; các Bộ: Quốc phòng, Giao thông vận tải, Ngoại giao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương chủ động đối phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới trên Biển Ðông. Thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để chủ động thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm. Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới được xác định từ phía nam vĩ tuyến 11,0. Thường xuyên theo dõi diễn biến của áp thấp nhiệt đới, kiểm đếm và quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền. Ðối với tàu thuyền đang hoạt động ở quần đảo Trường Sa phải hướng dẫn về neo đậu tại các đảo. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư và Ủy ban Quốc gia TKCN.

Ðể chủ động ứng phó áp thấp nhiệt đới (ATNÐ), ngày 13-11, Bộ Tổng Tham mưu (Bộ Quốc phòng) đã điện yêu cầu: Bộ Tư lệnh Biên Phòng chỉ đạo Biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển từ Ðà Nẵng đến Cà Mau và Kiên Giang phối hợp địa phương, gia đình thông báo, hướng dẫn, kiểm đếm và quản lý chặt chẽ tàu, thuyền ra khơi; tàu thuyền hoạt động trên biển (đặc biệt là tàu thuyền đang hoạt động tại khu vực quần đảo Trường Sa) biết vị trí, hướng di chuyển của ATNÐ để chủ động thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm. Quân chủng Phòng không - Không quân, Hải quân, Cục Cảnh sát biển có biện pháp bảo đảm an toàn cho các phương tiện hoạt động trong khu vực nguy hiểm; duy trì nghiêm các kíp trực, tàu trực sẵn sàng cơ động làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh. Các Quân khu: 7, 9, Quân đoàn: 3, 4 theo dõi chặt chẽ diễn biến ATNÐ, kiểm tra, rà soát phương án PCLB và TKCN, có biện pháp bảo đảm an toàn doanh trại, kho tàng; duy trì nghiêm hệ thống trực ban, sẵn sàng cử lực lượng, phương tiện tham gia phòng, chống ATNÐ.

 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Dự án quản lý an toàn tài nguyên di truyền lúa cạn ở Việt Nam. Ðây là dự án tài trợ của mạng lưới sáng kiến hợp tác nông nghiệp và lương thực châu Á, với tổng vốn 75.000 USD, giao cho Trung tâm Tài nguyên thực vật thực hiện giai đoạn 2012- 2014. Theo đó, sẽ thu thập mới, đăng ký lai lịch và lưu giữ tại Ngân hàng gien cây trồng quốc gia, Trung tâm Tài nguyên thực vật và nhân giống khoảng 200 - 800 nguồn gien lúa cạn. 

Ngày 13-11, tại TP Ðà Nẵng, Tổng cục Thủy sản phối hợp với Ủy ban Nghề cá Tây và Trung Thái Bình Dương (WCPEC) tổ chức hội thảo "Ðánh giá các báo cáo tư vấn liên quan đến văn bản quy phạm pháp luật, thể chế chính sách và cơ cấu tổ chức trong quản lý nghề cá ngừ ở Việt Nam". Hội thảo tập trung rà soát lại hệ thống pháp luật Việt Nam, so sánh với pháp luật quốc tế về các quy định liên quan đến hoạt động quản lý khai thác cá ngừ. Trên cơ sở đó, đề xuất với Nhà nước ban hành bổ sung các văn bản mới cho phù hợp. Ðây cũng là một trong những hoạt động góp phần tạo cơ sở để Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WCPEC trong thời gian tới.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, hiện đã có hơn 16.000 ha trong tổng số hơn 29.000 ha (chiếm 55%) diện tích trồng nhãn nhiễm bệnh chổi rồng tại đồng bằng sông Cửu Long đã được cứu chữa khỏi bệnh chổi rồng bằng các biện pháp phối hợp canh tác, cơ học, hóa học. Tại Ðồng Tháp, việc cắt tỉa cành sau khi thu hoạch và phun thuốc trừ nhện kết hợp với dầu khoáng vào các đợt ra đọt, ra hoa cho hiệu quả phòng trừ bệnh chổi rồng tốt. Biện pháp phun nước với áp lực cao thì tỷ lệ bệnh giảm so với đối chứng. Tại Sóc Trăng, nông dân đưa phân hữu cơ vào bón cho cây, kết hợp với phun chế phẩm sinh học Trichoderma vào gốc nhãn, cắt tỉa cành bị bệnh đến khi ra cơi đọt ba thì bắt đầu xử lý ra hoa. Nông dân Cần Thơ không đốn bỏ nhãn mà áp dụng biện pháp ghép chuyển đổi giống nhãn xuồng cơm vàng có chất lượng ngon trên gốc nhãn tiêu da bò bị nhiễm bệnh. Từng nhóm nông dân cùng nhau tỉa cành trên từng vườn theo kiểu cuốn chiếu, không bỏ sót cây bệnh trong vườn nhãn và phun xịt thuốc trừ nhện một cách đồng loạt.

Chiều 13-11, tại Hà Nội, Cục Thú y cho biết, trong hai tuần qua, dịch cúm gia cầm và  lở mồm long móng gia súc đã cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, trên cả nước vẫn còn sáu tỉnh có dịch lợn tai xanh là Sóc Trăng, Kon Tum, Long An, Khánh Hòa, Phú Yên, Thái Bình. Trong đó, hai tỉnh Sóc Trăng và Kon Tum mới phát sinh dịch. Còn tại Long An, Khánh Hòa dịch đang diễn biến phức tạp khi tiếp tục phát sinh ổ dịch mới. Trong thời gian tới,  trên địa bàn các tỉnh có dịch, vùng ổ dịch cũ và  trọng điểm chăn nuôi lợn... là rất cao do hoạt động chăn nuôi gia tăng phục vụ nhu cầu cuối năm.

Ðể phòng, chống dịch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Cục Thú y theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch tai xanh, chuẩn bị lượng vắc-xin sẵn sàng đối phó với tình huống xấu khi dịch bùng phát trên diện rộng, đồng thời đề nghị các bộ, ngành hữu quan phối hợp chặt chẽ, kiên quyết ngăn chặn tình trạng gia súc, gia cầm nhập lậu qua biên giới.

 

                  Báo Nhân dân