Thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 Ngày 10-11, kỳ họp thứ tư, Quốc hội (QH) khóa XIII sang ngày làm việc thứ 17, các đại biểu thảo luận tại hội trường dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HÐND bầu hoặc phê chuẩn. Thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013 và thảo luận về việc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại.
Tăng cường giám sát đối với những người giữ chức vụ do QH, HÐND bầu hoặc phê chuẩn
Hầu hết ý kiến phát biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của QH cũng như mục đích và yêu cầu về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HÐND bầu hoặc phê chuẩn như đã được nêu trong Tờ trình của Ủy ban Thường vụ QH. Việc ban hành nghị quyết này nhằm triển khai thực hiện nghị quyết T.Ư4 (Khóa XI): 'Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay' và Nghị quyết số 27/2012/QH13 của QH về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH. Các đại biểu: Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước), Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) cho rằng, việc ban hành nghị quyết quan trọng này là việc làm hết sức cần thiết, đáp ứng mong muốn, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước, hợp ý Ðảng, lòng dân, phù hợp các quy định hiện hành. Việc ban hành nghị quyết giúp QH, HÐND nâng cao hiệu lực, hiệu quả giám sát đối với những người giữ chức vụ do QH, HÐND bầu hoặc phê chuẩn. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, đây là việc làm mới và hệ trọng, liên quan trực tiếp tới đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt, đòi hỏi cần thận trọng, công tâm, khách quan.
Phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm: Tránh tràn lan, hình thức
Nhiều ý kiến phát biểu nhất trí với Tờ trình của Ủy ban Thường vụ QH về các chức danh QH tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, với tổng số 49 người, bao gồm: Chủ tịch QH, các Phó Chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH, Chủ nhiệm các ủy ban của QH và các thành viên khác của Ủy ban Thường vụ QH, Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên của Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện KSNDTC, Tổng kiểm toán nhà nước. Cho ý kiến chung quanh một số nội dung liên quan, đại biểu Hà Sơn Nhin (Gia Lai) và một số đại biểu cho rằng: Theo dự thảo nghị quyết, trong 49 người mà QH lấy phiếu tín nhiệm, có một số trường hợp một người đảm nhiệm hai chức danh, là chức danh Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH và một trong các chức danh Chủ tịch QH, Phó Chủ tịch QH, hay Chủ tịch Hội đồng dân tộc của QH, Chủ nhiệm Ủy ban của QH. Vì thế, theo dự thảo, nếu chỉ quy định lấy phiếu tín nhiệm đối với một chức danh thì chưa phù hợp.
Ðề cập việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh của Hội đồng dân tộc và các ủy ban của QH, nhiều ý kiến đồng tình chỉ áp dụng với Phó Chủ tịch, Phó Chủ nhiệm và các ủy viên thường trực, ủy viên chuyên trách. Mặt khác, đề nghị không quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên khác của Hội đồng dân tộc và các ủy viên của ủy ban, bởi vì diện lấy phiếu tín nhiệm là quá rộng, không cần thiết, dễ dẫn đến hình thức và không mang lại kết quả cao. Về nội dung liên quan HÐND các cấp thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HÐND các cấp bầu, nhiều đại biểu đề nghị không quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên trong các ban của HÐND. Theo các đại biểu: Ðặng Thị Kim Chi (Phú Yên), Vũ Thị Hương Sen (Hải Dương), Trần Minh Thống (Kiên Giang), quy định mở ra đến ủy viên của các ủy ban của QH và các ban của HÐND là quá rộng. Phần lớn đại biểu hoạt động kiêm nhiệm, vừa làm việc chuyên môn ở cơ quan, vừa tham gia hoạt động ở các ủy ban của QH. Như vậy, mặc dù đại biểu đó hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình nhưng lại không thường xuyên tham gia hoạt động ở ủy ban của QH thì có bị bỏ phiếu không tín nhiệm hoặc tín nhiệm thấp hay không?
Thời điểm, quy trình tổ chức lấy phiếu tín nhiệm cần phù hợp
Nhiều đại biểu quan tâm đề cập thời điểm tổ chức lấy phiếu tín nhiệm quy định trong dự thảo Nghị quyết. Theo đó, việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hằng năm, tại kỳ họp đầu năm kể từ năm thứ hai trong nhiệm kỳ QH là chưa phù hợp. Theo các đại biểu: Trương Thị Thu Trang (Tiền Giang), Triệu Là Pham (Hà Giang), theo thông lệ nhiều nhiệm kỳ qua, khi QH họp kỳ thứ nhất để bầu, phê chuẩn nhân sự cấp cao của Nhà nước, HÐND các cấp cũng tiến hành kỳ họp thứ nhất khóa mới để bầu các chức danh lãnh đạo HÐND và UBND. Nếu theo quy định của dự thảo Nghị quyết, tiến hành lấy phiếu tín nhiệm trong khoảng thời gian đầu nhiệm kỳ mới chưa phù hợp, chưa đủ thời gian để những người thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Vì vậy, một số đại biểu đề nghị QH, HÐND tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hai năm một lần, tại kỳ họp đầu năm của năm thứ hai và năm thứ tư trong nhiệm kỳ.
Chung quanh quy trình lấy phiếu tín nhiệm được đề cập trong dự thảo Nghị quyết, một số đại biểu đề nghị chỉ thể hiện ở ba mức độ: 'Tín nhiệm cao'; 'Tín nhiệm trung bình'; và 'Tín nhiệm thấp'. Ðề nghị bỏ nội dung 'chưa có ý kiến', vì đại biểu QH và HÐND là người đại diện cho nhân dân, phải có trách nhiệm theo dõi, giám sát hoạt động của những người đảm nhiệm chức vụ trong bộ máy nhà nước. Ðại biểu cần có đánh giá khách quan, toàn diện, cụ thể và thể hiện chính kiến rõ ràng đối với kết quả hoạt động của những người được lấy phiếu tín nhiệm.
Về vấn đề cung cấp thông tin cho các đại biểu đối với các đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, một số ý kiến cho rằng, dự thảo Nghị quyết chưa đề cập khía cạnh phải cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác, đa chiều, qua đó giúp các đại biểu QH có đủ căn cứ để phân định, đánh giá trách nhiệm của người được lấy phiếu tín nhiệm.
Nhiều ý kiến đề nghị, kết quả lấy phiếu tín nhiệm phải công khai, minh bạch và được thông qua tại kỳ họp QH và HÐND. Ðại biểu Nguyễn Doãn Khánh (Phú Thọ) và một số đại biểu đề nghị, cần quy định rõ thời gian tiến hành xử lý, hoàn thiện quy trình liên quan bỏ phiếu tín nhiệm và giải quyết vấn đề xử lý trách nhiệm tín nhiệm của những người không còn đủ tín nhiệm đảm nhiệm cương vị. Ðại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đề nghị, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là việc làm thường xuyên, cần thực hiện ba đúng: Ðúng đối tượng; Ðúng quy trình; Ðúng chất lượng. Nếu qua lấy phiếu tín nhiệm, kết quả đạt mức độ thấp, chậm khắc phục, không sửa chữa, thì cần khuyến khích, đề cao văn hóa từ chức.
Quản lý chặt chẽ các khoản chi, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng
Mở đầu phiên họp buổi chiều, các đại biểu QH đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển báo cáo giải trình, tiếp thu về đánh giá tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2012, dự án NSNN năm 2013 và dự thảo Nghị quyết của QH về dự toán NSNN năm 2013. Sau đó, QH đã nghe Ủy viên Ðoàn thư ký kỳ họp Ðinh Văn Nhã đọc dự thảo Nghị quyết của QH về dự toán NSNN năm 2013. Theo các văn bản nêu trên, năm 2013, dự toán chi đầu tư phát triển là 175 nghìn tỷ đồng và từ ngày 1-7-2013, điều chỉnh mức lương tối thiểu từ 1.050.000 đồng/tháng lên 1.150.000 đồng/tháng; điều chỉnh lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng tỷ lệ tăng lương tối thiểu.
Trước khi thông qua toàn bộ dự thảo Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2013, QH đã biểu quyết thông qua Ðiều I dự thảo Nghị quyết này với 446 đại biểu tán thành, bằng 89,96% tổng số đại biểu QH. Theo Ðiều I, tổng số thu cân đối NSNN năm 2013 là 816 nghìn tỷ đồng; Tổng số chi cân đối NSNN là 978 nghìn tỷ đồng; Mức bội chi NSNN là 162 nghìn tỷ đồng. Trên cơ sở đó, QH đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết nêu trên với 453 đại biểu tán thành, bằng 90,96% tổng số đại biểu QH. Nghị quyết giao Chính phủ thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, thận trọng, cơ cấu lại các khoản thu, chi, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô; tạo điều kiện huy động, khai thác tích cực các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển, phục hồi, mở rộng sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Quản lý chặt chẽ các khoản chi, bảo đảm theo đúng dự toán đã được phê duyệt; chống thất thoát lãng phí, tham nhũng. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là các khoản chi tổ chức lễ hội, hội nghị, hội thảo, mua xe công, chi phí công tác trong nước và nước ngoài; ưu tiên cho nhiệm vụ chính trị quan trọng, bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách an sinh xã hội. Tăng cường quản lý chi đầu tư xây dựng cơ bản, vốn trái phiếu chính phủ, chương trình mục tiêu quốc gia. Tập trung vốn cho trả nợ xây dựng cơ bản hoàn thành và các công trình, dự án, bảo đảm thực hiện đúng Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15-10-2011 của Thủ tướng Chính phủ. Rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn, chi cho phép chuyển nguồn đối với một số khoản chi thật sự cần thiết theo đúng quy định của pháp luật.
Cần tiếp tục thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại
Cũng trong phiên họp buổi chiều, QH đã thảo luận về việc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại.
Ngày 14-11-2008, QH đã ban hành Nghị quyết số 24/2008/ QH12 về thi hành Luật Thi hành án dân sự, trong đó quy định: 'Ðể triển khai thực hiện chủ trương xã hội hóa một số công việc có liên quan đến thi hành án dân sự, giao Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (thừa hành viên) tại một số địa phương. Việc thí điểm được thực hiện từ ngày luật này có hiệu lực thi hành (1-7-2009) đến ngày 1-7-2012. Chính phủ tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm và báo cáo QH xem xét, quyết định'.
Thực hiện Nghị quyết số 24/2008/QH12 về thi hành Luật Thi hành án dân sự, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp phối hợp Thành ủy, UBND thành phố Hồ Chí Minh và các bộ, ngành có liên quan triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn thành phố. Sau thời gian thực hiện thí điểm, Chính phủ đã chỉ đạo tổng kết theo quy định.
Thảo luận về chủ đề này, các ý kiến phát biểu cơ bản đồng tình với báo cáo tổng kết thực hiện thí điểm của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của QH và cho rằng, việc thực hiện thí điểm chế định này đã hỗ trợ cho hoạt động tư pháp, mang lại thành công bước đầu. Ðây là một chủ trương đúng đắn, nhằm xã hội hóa hoạt động tư pháp nói chung và hoạt động thi hành án dân sự nói riêng. Tuy nhiên, qua thảo luận, các ý kiến phát biểu còn khác nhau về một số vấn đề, nổi bật là việc cho phép thừa phát lại thực hiện việc cưỡng chế thi hành án dân sự. Các đại biểu: Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), Huỳnh Ngọc Ánh (TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Sơn (Hà Nội) đề nghị cần cân nhắc lại quy định này, vì thực tế cho thấy, cơ quan nhà nước thực hiện cưỡng chế thi hành án dân sự cũng đang còn gặp không ít khó khăn. Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) thì khi thừa phát lại thực hiện việc cưỡng chế thi hành án dân sự, cần sự có mặt của nhân viên nhà nước.
Các ý kiến phát biểu đều tán thành việc tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện thí điểm thêm ba năm nữa và mở rộng quy mô thí điểm chế định này nhằm xã hội hóa mạnh mẽ hơn nữa hoạt động tư pháp.
Báo Nhân dân