Ngày 1/6/2012, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Dự trữ quốc gia (DTQG) và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế.
Dự thảo Luật DTQG bao gồm 7 Chương và 63 Điều. Nội dung chính của Luật xoay quanh các quy định nhằm mục tiêu chủ động đáp ứng những yêu cầu cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh; góp phần bảo đảm an sinh xã hội để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
Trên cơ sở đó, dự thảo luật quy định 5 chính sách của Nhà nước về DTQG bao gồm: Phát triển DTQG; xây dựng, bố trí tổng mức DTQG đủ mạnh, đáp ứng kịp thời, hiệu quả mục tiêu của DTQG; phát triển khoa học công nghệ, hiện đại hóa hoạt động DTQG; chính sách tài chính, chính sách đãi ngộ của DTQG phù hợp với đặc thù hoạt động của DTQG; khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động DTQG.
Về nội dung quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực DTQG, dự thảo luật có quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội; trách nhiệm quản lý nhà nước về DTQG của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bộ ngành quản lý DTQG và của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Các quy định này nhằm làm rõ trách nhiệm cụ thể phù hợp với phân công, phân cấp về quản lý DTQG, tạo điều kiện để các quy định của luật liên quan đến DTQG được thực hiện thông suốt, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả DTQG.
Danh mục hàng DTQG được xác định dựa trên khả năng đáp ứng mục tiêu của DTQG gồm 5 nhóm: Hàng đảm bảo an ninh kinh tế, an sinh xã hội; hàng phục vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, cứu hộ, cứu nạn; hàng phục vụ an ninh, quốc phòng và động viên công nghiệp; hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh và cấp cứu cho người; hàng phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, cây trồng và nuôi trồng thủy sản.
Dự thảo luật cũng quy định chi cho tăng DTQG và mua bù hàng DTQG đã xuất trong năm kế hoạch thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên của ngân sách nhà nước. Điểm quan trọng ở đây là việc chuyển chi mua tăng và mua bù hàng DTQG hiện nay đang bố trí ở nhiệm vụ chi đầu tư phát triển sang nhiệm vụ chi thường xuyên cho phù hợp với bản chất của chi mua tăng, mua bù hàng DTQG hàng năm. Việc chuyển nguồn này cũng phù hợp với thực tế điều hành ngân sách nhà nước hiện nay là các khoản chi mua sắm trang thiết bị, tài sản không gắn với các dự án đầu tư của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương được bố trí trong chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước (việc mua sắm các trang thiết bị, tài sản này vẫn thực hiện thông qua cá hình thức đấu thầu, chào hàng cạnh tranh…).
Việc chuyển chi mua tăng, mua bù hàng DTQG từ nhiệm vụ chi đầu tư phát triển sang nhiệm vụ chi thường xuyên của ngân sách nhà nước là cần thiết để thống nhất quản lý mua sắm các trang thiết bị, tài sản không gắn với các dự án đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước; bảo đảm bố trí kinh phí bảo quản, nhập xuất hàng DTQG đồng bộ với vốn mua tăng, mùa bù hàng DTQG hàng năm để đáp ứng kịp thời yêu cầu thống nhất quản lý mua sắm trong thực thi nhiệm vụ. Đây là một trong các điều kiện để thực hiện cải cách mạnh về quy trình, thủ tục mua, bán, nhập, xuất sử dụng hàng DTQG trong các tình huống cấp bách đã thể hiện trong dự thảo Luật này.
Mặt khác, dự thảo luật cũng quy định về nguyên tắc mua, bán hàng DTQG phải tuân theo các quy định của pháp luật về đấu thầu, đấu giá; bổ sung các trường hợp áp dụng chỉ định thầu và đấu giá cụ thể trong việc mua, bán hàng DTQG để phù hợp với đặc thù của hoạt động DTQG và thẩm quyền, trình tự thực hiện chỉ định thầu được thực hiện theo quy định của pháp luật đấu thầu… Dự án luật này thực hiện theo quy trình thông qua 2 kỳ họp, lần này Quốc hội cho ý kiến và kỳ họp sau sẽ xem xét và thông qua.
Trong phiên thảo luật ở tổ, đa số các đại biểu Quốc hội đều cho rằng, trong điều kiện nước ta hiện nay, việc nâng Pháp lệnh DTQG thành luật DTQG là hết sức cần thiết, kịp thời, bảo đảm cho quốc kế dân sinh, an sinh xã hội. Tương tự, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế cũng nhận được sự nhất trí cao của các đại biểu, bởi các điều khoản được sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật đã đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người nộp thuế và tránh thất thu thuế.
Buổi chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013.
Thời báo Tài chính Việt Nam