Ngành Dự trữ Nhà nước phát huy truyền thống 67 năm hình thành và phát triển

(07/08/2023)

Trải qua 67 năm xây dựng và phát triển (7/8/1956 - 7/8/2023) với muôn vàn khó khăn, thách thức, nhưng với tinh thần đoàn kết, sáng tạo của các thế hệ cán bộ, công chức, người lao động, ngành Dự trữ Nhà nước (DTNN) luôn hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ được giao. Đây là nền tảng quan trọng để Tổng cục DTNN viết tiếp truyền thống vẻ vang trên chặng đường phát triển mới.

Khơi dậy niềm tự hào 67 năm hình thành và phát triển

Từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi, huy động đưa vào dự trữ lương thực, tiền vàng, muối ăn, đạn dược… để phục vụ các yêu cầu cấp thiết của cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và kịp thời hỗ trợ cứu đói cho Nhân dân. Mặc dù, hoạt động dự trữ quốc gia (DTQG) được thực hiện ngay từ khi thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhưng ngành DTNN lại ra đời muộn hơn.

Vào tháng 9/1955, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá I Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra Nghị quyết phiên họp, trong đó có đoạn: “Phải xây dựng được một lực lượng dự trữ hùng hậu để ứng phó với mọi tình huống bất trắc xảy ra”.

Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 663/TTg ngày 13/01/1956 về tổ chức lực lượng dự trữ vật tư nhà nước với danh mục 27 loại hàng hoá thiết yếu, phân công cho các bộ trực tiếp bảo quản và giao Ủy ban Kế hoạch quốc gia theo dõi chung.

 

Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng chụp ảnh lưu niệm

cùng tập thể Ban Lãnh đạo Tổng cục DTNN.

 

Tuy nhiên, để thống nhất việc quản lý hoạt động của lực lượng dự trữ vật tư, ngày 7/8/1956, Thủ tướng Phủ (nay là Chính phủ) đã ban hành Nghị định số 997-TTg về việc thành lập Cục Quản lý Dự trữ vật tư của Nhà nước thuộc Chính phủ.

Theo Nghị định này, tổ chức bộ máy của Cục Quản lý Dự trữ vật tư của Nhà nước gồm có 4 phòng chuyên môn và 18 cơ quan đại diện đặt tại các địa bàn trọng yếu của Đất nước (từ Quảng Bình trở ra). Với ý nghĩa lịch sử đó, ngày 7/8 hàng năm là “Ngày Truyền thống của ngành DTNN” (theo Quyết định số 1371/QĐ-TTg ngày 6/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ).

Theo Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Vũ Xuân Bách, qua 67 năm hình thành và phát triển, được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính; sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các bộ, ngành, địa phương; ngành DTNN đã có bước phát triển và trưởng thành về mọi mặt từ việc hoàn thiện tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất, con người, phương tiện, quy trình quản lý cho đến việc xây dựng và hoàn thiện thể chế DTQG.

Cụ thể, trong sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện Quyết định số 106/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Tổng cục DTNN đã bố trí, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hệ thống dọc với 3 cấp quản lý (gồm: cấp Tổng cục, cấp Cục DTNN khu vực, cấp Chi cục DTNN).

Trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, từ cơ sở pháp lý ban đầu là Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, ngành DTNN đã có Luật DTQG và các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành nhằm hướng dẫn và thể chế hóa Luật DTQG. Đây là hành lang pháp lý quan trọng để quản lý hoạt động DTQG hiệu quả, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước giao cho ngành DTNN.

 

Lễ trao mừng thọ cho 11 hội viên tại buổi gặp mặt ngày truyền thống và kỷ niệm

30 năm thành lập Ban Liên lạc cán bộ hưu trí Tổng cục DTNN (1993 - 2023).

 

 

Trong quản lý hàng DTQG, Tổng cục DTNN đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý và bảo quản hàng DTQG; tổ chức quản lý kho tàng, hàng DTQG đảm bảo chặt chẽ, an toàn, đủ số lượng, tốt về chất lượng theo quy định; trang bị đầy đủ các phương tiện, kỹ thuật cần thiết phục vụ cho việc giám sát, quản lý hệ thống kho và hàng DTQG.

Thực hiện quyết định của cấp có thẩm quyền, trong những năm qua, Tổng cục DTNN luôn thực hiện xuất cấp kịp thời, đảm bảo đủ số lượng, tốt về chất lượng theo đúng quy định.

Điển hình như: Năm 2021, Tổng cục DTNN đã hoàn thành 100% kế hoạch nhập 190.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc; xuất cấp khoảng 253.303 tấn gạo hỗ trợ Tết Nguyên đán, thiên tai, mưa lũ, dự án trồng rừng, học sinh các địa phương.

Năm 2022, ngành DTNN đã thực hiện xuất cấp 107.327 tấn gạo để hỗ trợ người dân ở các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu đói, thực hiện dự án trồng rừng, hỗ trợ học sinh vùng đặc biệt khó khăn trong. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, ngành DTNN đã thực hiện xuất cấp 62.393 tấn gạo DTQG hỗ trợ nhân dân các địa phương với trị giá khoảng 748 tỷ đồng...

Việc xuất cấp hàng DTQG đã kịp thời hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; qua đó từng bước giúp nhân dân vượt qua khó khăn, tạo sự tin tưởng của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cấp, cách ngành...

Để ghi nhận những thành tích, đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động trong ngành DTNN đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập hạng Nhất; Cờ Thi đua của Chính phủ; 2 danh hiệu Anh hùng Lao động; nhiều đơn vị và cá nhân được tặng thưởng Huân chương Độc lập và Huân chương lao động các hạng; nhiều đơn vị, chi bộ thuộc Đảng bộ cơ quan Tổng cục DTNN được tặng bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài chính do có thành tích xuất sắc trong công tác...

“Các thế hệ cán bộ, công chức cảm thấy rất tự hào trên chặng đường 67 trưởng thành và phát triển, ngành DTNN đã từng bước khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội, góp phần quan trọng vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước”, Quyền Tổng cục trưởng Vũ Xuân Bách nhấn mạnh.

Tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang

Để xây dựng ngành DTNN có tiềm lực vững mạnh, đáp ứng mọi nhiệm vụ, yêu cầu cấp bách được giao, trong thời gian tới, các cán bộ, công chức, người lao động ngành DTNN tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ được giao, trong đó tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau:

 

Trong những năm qua, ngành DTNN luôn xuất cấp kịp thời

các mặt hàng DTQG đảm bảo đủ số lượng, tốt về chất lượng.

 

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về DTQG, làm cơ sở cho việc quản lý, điều hành hoạt động DTQG. Trong đó, trọng tâm là hoàn thành xây dựng Chiến lược DTQG giai đoạn 2021-2030 và Quy hoạch tổng thể và chi tiết hệ thống mạng lưới kho DTQG giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 để phục vụ công tác quản lý.

Thứ hai, tăng cường tiềm lực DTQG, phát huy hơn nữa vai trò của lực lượng DTQG trong quá trình phát triển bền vững đất nước. Sẵn sàng mọi nguồn lực ứng cứu khi có tình huống cấp bách xảy ra; Quản lý chặt chẽ hàng DTQG đảm bảo về số lượng, chất lượng; bố trí ngân sách nhà nước để đầu tư, xây dựng, hoàn chỉnh hệ thống kho DTQG theo quy hoạch được duyệt.

Thứ ba, tăng cường nghiên cứu, chủ động tham mưu cho Chính phủ, Bộ Tài chính về quản lý hàng DTQG để có các kịch bản ứng phó khi có tình huống đột xuất, cấp bách xảy ra.

Thứ tư, tiếp tục chỉ đạo sắp xếp lại tổ chức bộ máy tinh gọn, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ của công chức, viên chức trong ngành DTNN.

Thứ năm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thống kê trong lĩnh vực DTQG, đảm bảo phù hợp với cải cách, hiện đại hoá của ngành DTNN; tăng cường kiểm tra, giám sát nội bộ tại các bộ, ngành quản lý hàng DTQG trong quản lý, điều hành hoạt động DTQG. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ.

Thứ sáu, tăng cường hợp tác quốc tế để nghiên cứu, tiếp thu và chuyển giao công nghệ bảo quản hàng DTQG, công nghệ xây dựng hệ thống kho DTQG.

Tiếp nối chặng đường 67 năm hình thành và phát triển, cán bộ, công chức, người lao động ngành DTNN tiếp tục đoàn kết, sáng tạo, phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, xây dựng ngành DTNN phát triển vững mạnh trên chặng đường mới.

 

Văn Trường - Tạp chí Tài chính điện tử

 



Các tin đã đưa ngày: