“Nâng bước” học sinh vùng khó khăn đến lớp
Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm sâu sắc đối với các huyện nghèo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đặc biệt vùng sâu vùng xa, khu vực miền núi (Tây Bắc, khu vực Tây Nguyên, Tây Nam Bộ) các em học sinh đi lại khó khăn do địa hình cách trở, khoảng cách nhà xa trường phải qua sông, suối không có cầu; qua đèo, núi cao; qua vùng sạt lở đất, đá không đến được trường...
Hàng năm, Chính phủ xuất cấp gạo không thu tiền từ nguồn dự trữ để hỗ trợ đối với học sinh tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; trường phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông có tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh. Mức hỗ trợ 15 kg gạo/học sinh/tháng, thời gian hỗ trợ 9 tháng/năm được chia thành 2 kỳ (học kỳ I và học kỳ II). Chính sách này được thực hiện kịp thời, góp phần động viên, khuyến khích học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh đồng bào dân tộc thiểu số đến trường và vươn lên trong học tập, tỷ lệ học sinh đến trường ngày một tăng cao, số lượng học sinh bỏ học giảm so với các năm trước chưa được hỗ trợ.
Nguồn: Bộ Tài chính. Đồ họa: Thế Dương
Trong năm học 2022 - 2023, Bộ Tài chính, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) đã ban hành các quyết định xuất cấp với tổng số hơn 71.064 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia (DTQG) hỗ trợ học sinh, theo quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn. Trong đó, Tổng cục DTNN đã giao 20 Cục DTNN khu vực thực hiện xuất hơn 37.555 tấn gạo để hỗ trợ gần 530.000 học sinh của 42 tỉnh, thành phố trong học kỳ 1 năm học 2022 - 2023; Tổng cục DTNN đã giao nhiệm vụ cho 19 Cục DTNN khu vực thực hiện xuất gần 33.509 tấn gạo để hỗ trợ học sinh của 42 tỉnh, thành phố trong học kỳ II năm học 2022 - 2023.
Kịp thời đưa gạo tới với học sinh
Theo thông tin từ Tổng cục DTNN, trong năm 2022, các Cục DTNN khu vực đã hoàn thành xuất cấp, bàn giao 67.233 tấn gạo từ nguồn DTQG để hỗ trợ học sinh 42 tỉnh, thành phố (trong đó có hơn 37.555 tấn gạo hỗ trợ học sinh học kỳ I năm học 2022 – 2023, số còn lại là của học kỳ II năm học 2021 - 2022).
Tính đến ngày 20/4/2023, các Cục DTNN khu vực đã thực hiện xuất cấp, bàn giao hơn 29.661 tấn gạo từ nguồn DTQG để hỗ trợ học sinh học kỳ II năm 2022 – 2023. Trong đó, nhiều đơn vị đã hoàn thành trước hạn.
Gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ cho học sinh đảm bảo đúng đối tượng.
Đơn cử, trong thời gian từ ngày 02-07/4/2023, Cục DTNN khu vực Hà Bắc đã hoàn thành trước hạn giao hơn 1.703 tấn gạo từ nguồn DTQG hỗ trợ cho học sinh ở 2 tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang đảm bảo đúng đối tượng, đủ số lượng, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và thời gian quy định.
Tương tự, Cục DTNN khu vực Bắc Tây Nguyên cũng đã hoàn thành trước thời hạn xuất cấp 746,730 tấn gạo DTQG hỗ trợ học sinh học kỳ II năm học 2022 - 2023 trên địa bàn tỉnh Kon Tum đúng đối tượng, đủ số lượng, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và thời gian quy định trong thời gian từ ngày 03-07/4/2023.
Chi cục DTNN Lâm Đồng thuộc Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên đã hoàn thành tiến độ xuất cấp 684,810 tấn gạo DTQG hỗ trợ học sinh học kỳ II năm học 2022 - 2023 địa bàn tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đắk Nông.
Ngay những ngày cuối tháng 3/2023, Cục DTNN khu vực Vĩnh Phú cũng hoàn thành trước thời hạn xuất cấp hơn 2.818 tấn gạo DTQG hỗ trợ học sinh học kỳ II năm học 2022 - 2023 trên địa bàn 3 tỉnh: Phú Thọ, Lào Cai và Yên Bái.
Cục DTNN khu vực Bắc Thái cũng đã hoàn thành xuất cấp trước hạn hơn 3.121 tấn gạo hỗ trợ học sinh ở 3 tỉnh (Bắc Kạn, Cao Bằng, Thái Nguyên). Trong thời gian từ ngày 30/3-10/4/2023, Cục DTNN khu vực Đà Nẵng đã hoàn thành trước thời hạn công tác xuất cấp 883,770 tấn gạo DTQG hỗ trợ học sinh tỉnh Quảng Nam học kỳ II năm học 2022 - 2023.
Để đạt được kết quả trên, các đơn vị được giao xuất cấp gạo DTQG chủ động liên hệ, báo cáo UBND các tỉnh để sớm có kế hoạch phân bổ, tiếp nhận hàng dự trữ đến các đối tượng thụ hưởng. Đồng thời, các Cục DTNN khu vực phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của địa phương để tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ xuất kho, vận chuyển, giao nhận hàng kịp thời; thực hiện kiểm tra chất lượng hàng hóa trước khi xuất kho.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, công chức của các Cục DTNN khu vực thường xuyên kiểm tra, giám sát việc vận chuyển số gạo được giao xuất cấp cho các địa phương kịp thời, đảm bảo gạo DTQG hỗ trợ cho học sinh ở các địa phương đủ số lượng, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, kịp thời tới học sinh và các trường theo đúng kế hoạch phân bổ, tiếp nhận của UBND các tỉnh. Ngoài ra, công tác phối hợp kiểm tra và chủ động kiểm tra hàng DTQG sau xuất cấp đã được các Cục DTNN khu vực chú trọng, quan tâm.
Theo ông Nguyễn Quốc Hải - Cục trưởng Cục DTNN khu vực Hà Bắc, để bảo đảm xuất cấp gạo DTQG hỗ trợ học sinh học kỳ II năm học 2022 - 2023 kịp thời, đúng quy định, Cục DTNN khu vực Hà Bắc đã phối hợp với UBND và Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang lập kế hoạch, phương án và thời gian tiếp nhận gạo để giao nhận; triển khai sẵn sàng các điều kiện như lấy mẫu, kiểm tra chất lượng gạo trước khi xuất kho; chuẩn bị kho tàng, trang thiết bị, nhân lực, phương tiện vận chuyển… để thực hiện giao nhận gạo hỗ trợ cho học sinh học kỳ II năm học 2022 - 2023 tại trung tâm các huyện, thành phố theo quyết định phân bổ của UBND các tỉnh.
Bên cạnh những thuận lợi, các Cục DTNN cũng gặp không ít khó khăn khách quan lẫn chủ quan. Ông Võ Xuân Nguyên - Cục trưởng Cục DTNN khu vực Đà Nẵng cho biết, đối với công tác xuất gạo hỗ trợ nói chung và xuất gạo hỗ trợ học sinh nói riêng, ngoài những yếu tố khó khăn bởi đường sá, thời tiết, đơn vị gặp trở ngại lớn trong việc việc xác định giá cước thuê đơn vị thực hiện công tác vận chuyển gạo từ cửa kho dự trữ đến trung tâm các huyện, thị xã - các địa phương được phân bổ.
Ông Ngô Xuân Huy - Phó Cục trưởng Cục DTNN khu vực Vĩnh Phú chia sẻ. “Quá trình giao nhận gạo hỗ trợ học sinh ở các tỉnh miền núi phía Bắc gặp rất nhiều khó khăn: cung đường vận chuyển chủ yếu là vùng núi, nhiều đèo dốc, không đảm bảo cho phương tiện lớn vận chuyển vào, các cán bộ dự trữ phải chuyển gạo sang các xe có tải trọng nhẹ để có thể đưa gạo dự trữ tới từng điểm trường cho các em học sinh. Với tinh thần trách nhiệm cao, những người làm công tác dự trữ đã tích cực triển khai nhằm mang gạo tới cho các em học sinh một cách kịp thời nhất để các em yên tâm học tập, không bỏ trường, bỏ lớp”.