Thực hiện chính sách pháp luật về dự trữ quốc gia: Học sinh nghèo không còn “đứt bữa”

(09/07/2015)

Là một trong 49 tỉnh, thành phố được Chính phủ cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ cho học sinh nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, trong hai năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã có hàng nghìn học sinh được hưởng lợi từ chính sách, giúp học sinh yên tâm học tập, giảm bớt khó khăn cho gia đình.

Hơn 6 tỷ đồng hỗ trợ học sinh vùng đặc biệt khó khăn

15kg gạo/tháng/em - số gạo tưởng như ít thế nhưng với học sinh nghèo khu vực Tây Nguyên thì đây là món quà quý giá, không chỉ giúp các em học sinh không bị “đứt bữa” mà còn là điểm tựa giúp các em tiếp tục hành trình đi tìm con chữ. Có dịp được chứng kiến buổi giao nhận gạo hỗ trợ tại điểm trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Bùi Thị Xuân (huyện Krông Búk) mới thấy hết giá trị của việc hỗ trợ gạo đối với học sinh nghèo thế nào. Tất thảy từ cô đến trò và cả phụ huynh ai nấy cũng vô cùng phấn khởi như được tiếp thêm sức mạnh. Nhiều thầy, cô đã không giấu được nước mắt bởi từ nay các em không còn lo cái đói nữa.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân về vai trò của chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh nghèo, Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Đắk Lắk Bùi Thị Kim Nga cho biết: HĐND tỉnh đã thành lập đoàn giám sát về tình hình, kết quả thực hiện Quyết định số 36/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và Quyết định số 12/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ học sinh trung học phổ thông ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Qua giám sát cho thấy, 2 năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là đối với giáo dục tại các xã đặc biệt khó khăn nhưng do điều kiện kinh tế - xã hội địa phương còn gặp nhiều khó khăn so với các vùng khác nên chất lượng giáo dục còn thấp, vẫn còn nhiều trường hợp học sinh bỏ học. Bên cạnh đó, trường lớp cũng còn nhiều thiếu thốn không chỉ cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông mà cả cấp học mầm non. Trong khi, mô hình các trường phổ thông dân tộc bán trú là loại hình rất phù hợp với điều kiện các xã đặc biệt khó khăn nhưng nguồn lực đầu tư còn hạn hẹp, đến nay chỉ có 3 trường phổ thông dân tộc bán trú cấp trung học cơ sở và tiểu học. Chính vì vậy chính sách hỗ trợ gạo của Chính phủ đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Cụ thể, đối với Quyết định sốë 36, năm học 2013 - 2014 Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Tây Nguyên đã cấp 441.090kg gạo cho 6.196 lượt học sinh; năm học 2014 - 2015 đã cấp 472.530kg gạo cho 9.707 lượt học sinh. Ngoài ra, theo Quyết định số 12, UBND tỉnh đã phân bổ kinh phí của học kỳ II năm 2013 - 2014 cho 2.429 học sinh, với tổng số tiền là hơn 6 tỷ đồng. Có thể nói, các chính sách hỗ trợ học sinh vùng đặc biệt khó khăn là một trong những chính sách lớn của Chính phủ, mang tính thiết thực và có ý nghĩa rất lớn đối với học sinh vùng đặc biệt khó khăn. Thông qua đó, giúp học sinh yên tâm học tập, hạn chế bỏ học, giảm bớt khó khăn cho gia đình. Đặc biệt chúng tôi đánh giá cao sự nỗ lực của Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Tây Nguyên đã cấp phát đầy đủ, kịp thời, đủ về số lượng bảo đảm về chất lượng, Trưởng ban Dân tộc HĐND Bùi Thị Kim Nga nhấn mạnh.

Tiếp tục phát triển mô hình hỗ trợ

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, thực tế triển khai vẫn còn những vướng mắc như việc tổng hợp danh sách học sinh thụ hưởng tại các trường theo Quyết định số 36 chưa được sát với thực tế, vẫn có những trường thừa gạo, bên cạnh đó có một số trường nằm trên địa bàn có đông dân di cư ngoài kế hoạch, đặc biệt là dân tộc H’Mông, mặc dù đã cư trú lâu năm nhưng một số hộ vẫn chưa có sổ hộ khẩu, giấy khai sinh hợp lệ, nên con em của họ chưa được thụ hưởng chính sách hỗ trợ… Xuất phát từ thực tế trên, nhiều chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần xem xét nghiên cứu việc thay đổi định mức hỗ trợ cho phù hợp. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định số 36, trong đó cần quy định cụ thể về việc rà soát, xét đối tượng thụ hưởng.

Về phía địa phương, UBND tỉnh cần bổ sung đủ kinh phí và chỉ đạo Sở Tài chính hằng năm cấp kinh phí đủ và kịp thời để Sở GD - ĐT thực hiện hỗ trợ cho học sinh theo từng tháng, theo đúng quy định của Quyết định số 12; cho chủ trương để tổ chức đánh giá, sơ kết kết quả thực hiện qua hai năm học; chỉ đạo UBND các huyện tiếp tục phát triển trường phổ thông dân tộc bán trú, trong đó, tiếp tục phát triển mô hình trường trung học phổ thông có bán trú dân nuôi tại các xã đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, Sở GD - ĐT cần phối hợp với Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Tây Nguyên nghiên cứu, đề xuất Bộ Tài chính, Tổng cục Dự trữ Nhà nước điều chỉnh thời điểm cấp phát gạo phù hợp hơn. Cụ thể nên cấp theo 3 tháng/lần để kịp thời giải quyết khó khăn của học sinh và giảm áp lực cho các cơ sở giáo dục khi triển khai thực hiện.

 
Nhật Anh (Nguồn: Báo Đại biểu nhân dân)


Các tin đã đưa ngày: